Sân khấu cải lương: Trăn trở sau một mùa vui

12/03/2022 - 07:34

PNO - Một số sân khấu đạt được doanh thu tốt trong thời điểm đầu năm 2022. Tuy nhiên, để cải lương nối dài tín hiệu vui này, vẫn là bài toán khó.

Rục rịch tái xuất

Sân khấu cải lương vừa có một mùa bội thu. Mùa diễn tết vừa qua, trái với dự báo tình hình có thể đìu hiu do ảnh hưởng dịch bệnh, khán giả lại đến sân khấu rất đông.

Hai suất diễn Mạnh Lệ Quân kỳ nữ của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tại sân khấu Hồng Liên (Q.6, TP.HCM), vé bán hết sạch chỉ sau vài ngày mở bán. Vở đã có kế hoạch tái diễn vào cuối tháng Ba. Bên cạnh đó, vở Xử án Phi Giao cũng đang lên sàn tập, dự kiến ra mắt vào tháng Tư.

NSƯT Vũ Linh và nghệ sĩ Bình Tinh trong vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ của đoàn Huỳnh Long
NSƯT Vũ Linh và nghệ sĩ Bình Tinh trong vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ của đoàn Huỳnh Long

Kịch bản được chuẩn bị kế tiếp là Hoàn Châu công chúa. Sau thành công ngoài mong đợi, toàn bộ vé bán hết từ trước đêm diễn, vở Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài (sân khấu Chí Linh Vân Hà) cũng đã lên kế hoạch tái diễn trong tháng Ba. 

Sau hai đêm diễn Tình sử Dương Quý Phi Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài chật kín khán giả, sân khấu Vũ Luân mời đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu dựng vở Trà hoa nữ. Vở diễn dự kiến có sự tham gia của NSND Thanh Ngân. Sân khấu Vũ Luân cũng tổ chức đêm cải lương kỷ niệm 23 năm thành lập sân khấu vào cuối tháng Ba. Chương trình sẽ giới thiệu lại những trích đoạn nổi tiếng gắn liền với các nghệ sĩ của đoàn.

Nếu như Đứa con họ Triệu vẫn còn một ít ghế trống, thì Tiếng trống Mê Linh của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đầy ắp khán giả. Nhà hát đang dàn dựng Ngược gió - vở diễn được chuyển thể từ kịch bản được yêu thích của sân khấu kịch. Nàng Xê Đa do sân khấu Đại Việt dàn dựng cũng có kế hoạch tái diễn. 

Lo âu đường dài

Sự hồi phục của sân khấu cải lương trong mùa diễn tết là niềm động viên lớn, giúp nghệ sĩ vơi bớt nỗi lo rằng sau thời gian dịch bệnh, liệu khán giả có còn trở lại với sân khấu không? Tuy nhiên, sau một mùa vui, để sự sôi động này kéo dài lại là bài toán khó. Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài, sân khấu vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả. “Bởi nhu cầu giải trí sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu khi kinh tế chưa phục hồi hẳn”, nghệ sĩ Chí Linh không giấu được nỗi lo.

NS Võ Minh Lâm và NSƯT Tú Sương trong vở Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài của sân khấu Chí Linh Vân Hà
NS Võ Minh Lâm và NSƯT Tú Sương trong vở Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài của sân khấu Chí Linh Vân Hà

Để đời sống của cải lương thực sự sôi động, đòi hỏi phải có các suất diễn thường xuyên hơn. Tuy nhiên, hoạt động chính của sân khấu cải lương ở TP.HCM vẫn thuộc về các đơn vị xã hội hóa. Thiếu sân khấu để biểu diễn đang là rào cản lớn nhất của các đơn vị. Không có điểm diễn cố định, các đơn vị xã hội hóa khó có thể đầu tư, dàn dựng những tác phẩm quy mô. Sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang có số lượng ghế khá ít, sân khấu nhỏ. Một số rạp khác thì cơ sở vật chất cũ kỹ, không có các tiện ích, đặc biệt là bãi xe để khán giả đến xem thuận tiện.

Thực tế cho thấy sân khấu cải lương hiện vẫn chỉ dựng lại vở cũ, đặc biệt cải lương tuồng cổ. Các vở diễn được thêm thắt tình tiết, nhân vật cho sinh động hơn. Chẳng hạn, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài được nghệ sĩ Chí Linh làm mới bằng cách đưa thêm nhiều bài bản nhằm khai thác tối đa khả năng ca diễn của Võ Minh Lâm, cũng như tạo ra nhiều mảng miếng hài hước để lôi cuốn khán giả.

Mạnh Lệ Quân kỳ nữ và các vở chuẩn của đoàn Huỳnh Long cũng được nghệ sĩ Bình Tinh chỉnh sửa dựa trên kịch bản đã có. Một số lớp diễn, bài ca... được thêm thắt để tạo đất diễn cho các diễn viên trẻ, đồng thời mang lại diện mạo mới, sự trẻ trung cho vở diễn. Hay như Nàng Xê Đa khi được dựng lại, ngoài những tình tiết, bài bản, thì yếu tố vũ đạo được dàn dựng tăng cường để tạo sức hấp dẫn cho người xem. NSƯT Vũ Luân cũng đặt hàng viết kịch bản mới từ những câu chuyện quen thuộc, hoặc đã từng được dàn dựng như: Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, Thanh Xà Bạch Xà… Thực tế này cho thấy, trong bối cảnh khó khăn và các đơn vị tư nhân phải tự thân vận động, thì họ luôn có xu hướng chọn đường đi an 
toàn nhất.

Nhưng việc dựng lại vở cũ, hoặc viết kịch bản mới từ những câu chuyện, tác phẩm quá quen thuộc, ít nhiều sẽ làm giảm yếu tố bất ngờ của vở diễn. Chưa kể, công tác dàn dựng dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn chưa mang lại nhiều thay đổi lớn. Điển hình như vở Nàng Xê Đa được đầu tư hơn 700 triệu đồng, con số khá lớn với các vở cải lương hiện tại, nhưng cảnh trí, hiệu ứng vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, bên cạnh yêu cầu nội dung hay, khán giả còn chuộng phần nhìn được thiết kế bắt mắt, sáng tạo.

Nghệ thuật phải gắn bó chặt chẽ với sự vận hành của đời sống, nhưng sân khấu cải lương vẫn thiếu mảng đề tài về cuộc sống hiện đại. Ngược gió là vở diễn hiếm hoi mang chủ đề xã hội trong bức tranh chung của cải lương thời gian tới.

Khán giả theo dõi vở diễn Tiếng trống Mê Linh
Khán giả theo dõi vở diễn Tiếng trống Mê Linh

Thực tế đời sống hiện nay không khó để tìm chất liệu khai thác, nhưng lực  lượng sáng tác của sân khấu cải lương vẫn rất khan hiếm vì nhiều lý do: thu nhập thấp, thị trường không sôi động…

Trong một cuộc trò chuyện, nói về sức sống của những vở cải lương kinh điển như Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu… NSND Bạch Tuyết cho biết ngoài ca diễn của nghệ sĩ, dàn dựng của đạo diễn, thì điều quan trọng không kém là tính thời đại của các vở diễn. Một vở cải lương muốn sống lâu trong lòng khán giả phải gắn chặt với cuộc sống, khiến khán giả thấy được cuộc đời, số phận của họ, của cộng đồng trong đó. Có như thế, mới tạo được sức hút với công chúng.

Khó khăn của sân khấu cải lương vẫn là câu chuyện muôn năm cũ. Làm sao để có được những điều mới mẻ, những cú hích tạo sự khác biệt, ghi dấu ấn cho công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, luôn là vấn đề trăn trở.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI