Chiều 9/9, giới nghệ sĩ cải lương lại bàng hoàng trước thông tin nhạc sĩ Quang Dũng (Dũng Ô) qua đời, sau thời gian mắc và điều trị COVID-19. Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết nam nhạc sĩ có bệnh nền nên không thể qua khỏi.
Soạn giả Hoàng Song Việt và nhạc sĩ Quang Dũng từng cùng hoạt động tại đoàn Văn công TPHCM. Nhạc sĩ Quang Dũng là tay đờn bầu nhiều kinh nghiệm trong dàn đờn cổ, bên cạnh một số nhạc sĩ danh tiếng khác như: Thanh Hải, Mai Hoàng Thành... Trong ký ức của anh, nhạc sĩ Quang Dũng rất hiền lành, tử tế.
Tiếng đờn bầu của nhạc sĩ Quang Dũng được giới trong nghề đánh giá rất cao bởi sự mùi mẫn, giúp nghệ sĩ như được tiếp thêm cảm xúc khi ca diễn. Ngoài ra, nam nhạc sĩ còn có tài thổi sáo rất điêu luyện. Khi đoàn Văn công sáp nhập với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào năm 1998, nhạc sĩ Quang Dũng về hoạt động tại đoàn 1 của nhà hát.
Trong quá trình hoạt động, nhạc sĩ Quang Dũng đã tham gia nhiều vở nổi tiếng của Nhà hát Trần Hữu Trang như: Ai giết tình em, Không là cát bụi, Một chuyện tình buồn, Tiếng vạc sành, Lối về, Cội nguồn...
|
Nhạc sĩ Quang Dũng |
Trước đó, ngày 23/8 nhạc sĩ Thanh Dũng cũng ra đi sau nửa tháng mắc COVID-19. Nam nhạc sĩ có nhiều bệnh nền như: tiểu đường, tim mạch... Anh là con trai lớn của nghệ sĩ Thanh Thế và NSƯT Bửu Truyện. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nên từ nhỏ anh cũng được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật. Nghệ sĩ Thanh Thế từng khuyên con trai theo nghề hát vì có sắc vóc tốt hơn cha, nhưng anh vẫn quyết chọn nghề nhạc công.
Được nghệ sĩ Minh Tâm (em trai cố NSND Thanh Tòng) hướng dẫn đệm đàn organ, sau đó anh tự mày mò học thêm. Nam nhạc sĩ trưởng thành khi gắn bó với hai đoàn cải lương tuồng cổ danh tiếng là Huỳnh Long và Minh Tơ.
Anh là một trong những thành viên ban nhạc phục vụ cho thí sinh Chuông vàng vọng cổ trong 25 năm qua. Nam nhạc sĩ từng phụ trách âm nhạc cho nhiều chương trình truyền hình như: Vầng trăng cổ nhạc, Ngân mãi chuông vàng, Nghệ sĩ và sàn diễn... Anh cũng chỉ huy dàn nhạc và sáng tác cho các vở như: Nỗi đau ngày ấy, Hiu hiu gió bấc, Tổ quốc nơi cuối con đường, Trung thần...
Trong ký ức của đồng nghiệp, nhạc sĩ Thanh Dũng yêu nghề, tận tâm và hiền lành. Đến cuối đời, anh vẫn ôm ấp hy vọng được làm lại vở Xử án Phi Giao cùng nghệ sĩ Bình Tinh. NSƯT Hữu Quốc ấn tượng với cách làm việc chuyên nghiệp của nhạc sĩ Thanh Dũng, đều giao bài đúng hẹn. Nghe tin đàn anh qua đời, anh đau xót: “Vĩnh biệt anh, một nhạc sĩ tài hoa đã kế thừa những bài bản nhạc Hồ Quảng, những giai điệu da diết nhưng rộn ràng của sân khấu cải lương tuồng cổ Sài Gòn”.
|
Nhạc sĩ Thanh Dũng |
Nhạc sĩ Thanh Châu qua đời vào trung tuần tháng 8. Trước đó, ông nhập viện điều trị suy hô hấp cấp tại Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM). Ông là con thứ mười của ông bầu đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, chuyên đệm đàn organ và sáng tác nhạc cho đoàn.
Nhạc sĩ Thanh Châu đã tham gia nhiều vở diễn làm nên thương hiệu của gia tộc Huỳnh Long như: Anh hùng bán than, Xuân về trên đỉnh Mã Phi, Tấm Cám, Ngũ biến báo phu cừu, Xử án Phi Giao… Những năm qua, ông luôn cố gắng truyền nghề để người trẻ tiếp tục “giữ lửa” cho cải lương.
Trước đó vào cuối tháng 7 làng cải lương cũng nói lời từ biệt NSƯT Khải Hoàn. Ông mất sau 3 tuần điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Ông có gần nửa thế kỷ cống hiến cho sân khấu cải lương. Năm 1993, ông được tặng huy chương Vì sự nghiệp văn hóa, và được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2019. Không thể kể hết số lượng tác phẩm, chương trình mà ông từng tham gia.
|
NSƯT Khải Hoàn mất cuối tháng 7, sau 3 tuần điều trị COVID-19 |
Thầy đờn có vai trò hết sức quan trọng trong các đoàn cải lương. Trong nhiều lần trò chuyện với các nghệ sĩ danh tiếng như: NSND Lệ Thuỷ, NSƯT Thanh Kim Huệ… họ đều nhắc đến thầy đờn với những lời trân trọng nhất. Bởi khi tiếng đờn và lời ca hoà hợp với nhau mới giúp nghệ sĩ thật sự thăng hoa trên sân khấu.
Tuy nhiên, những thầy đờn lại ít được công chúng biết đến, công nhận. Trong dịp giỗ tổ sân khấu năm 2020, lãnh đạo TPHCM đã có buổi vinh danh riêng dành cho 6 thầy đờn danh tiếng, có hơn nửa thế kỷ cống hiến: NSND Văn Giỏi, NSND Thanh Hải, NSƯT Hoàng Thành, NSƯT Khải Hoàn, nhạc sĩ Bảy Dư, nhạc sĩ Văn Hải như một sự khẳng định tầm quan trọng của những nhân tài này.
Một nỗi lo lớn của sân khấu cải lương trong nhiều năm qua là không thể đào tạo được lớp nhạc sĩ, nhạc công kế thừa. Đây là vấn đề mà nghệ sĩ Nhứt Dũng trăn trở rất nhiều năm qua. Ngoài quy định về cơ chế đào tạo thì tương lai, cơ hội với nghề cũng là điều khó để thu hút người trẻ. Hiện, bài toán này vẫn chưa có lời giải.
Vì thế, sự ra đi liên tiếp của những nhạc sĩ, nhạc công danh tiếng đều khiến người làm nghề không khỏi trăn trở. Trong tiếng thở dài, soạn giả Hoàng Song Việt tâm sự: “Dẫu biết đời sẽ có lúc chia ly, nhưng những cuộc chia ly này bất ngờ và đau đớn quá, cho người ở lại, cho sân khấu”.
Cải lương vẫn phải tiếp tục sống và phát triển. Cuộc hành trình này ắt sẽ gian nan hơn nữa khi những tiếng đờn hiếm hoi nay đã tắt.
Trung Sơn