“Xôm tụ” hơn thời điểm tết
Với chỉ 6 vở ở 2 điểm diễn trong thời gian từ mùng Bảy đến mùng Mười tết vừa qua, sân khấu cải lương có một mùa diễn tết ngắn ngủi so với mọi năm. Trong đó, cũng chỉ 2 vở được dựng mới, còn lại là tái diễn. Nhiều người không khỏi lo lắng khi sân khấu cải lương khởi động năm mới một cách thiếu hứng khởi như thế. Tuy nhiên, bước sang tháng Ba, tình hình đã khác khi có đến 5 sân khấu cập nhật lịch diễn.
Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tái diễn vở Tứ trạng tân khoa (kịch bản: Bạch Mai - Bạch Long, đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân Hữu Quốc) vào tối 17/3. Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết rất nhiều khán giả không đặt được vé xem vở vào mùng Tám tết đã liên tục yêu cầu tái diễn. “Đoàn cố gắng sắp xếp để đưa vở trở lại trong thời gian sớm nhất. Dù là tái diễn, chúng tôi vẫn cố gắng mang đến những điều mới mẻ cho khán giả” - “bà bầu” kiêm đào chánh của đoàn Huỳnh Long chia sẻ.
|
Sân khấu Đồng Ấu Bạch Long sẽ tái diễn vở Ngọc sáng Lưu gia trang vào tối 23/3 với sự góp mặt của khách mời đặc biệt - Nghệ sĩ ưu tú Võ Minh Lâm |
Sân khấu Đồng Ấu Bạch Long không tham gia diễn tết, xuất hiện trong năm mới với suất tái diễn vở cải lương tuồng cổ Ngọc sáng Lưu gia trang (kịch bản, đạo diễn: Bạch Long) vào tối 23/3. Lần này, bên cạnh sự hỗ trợ của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Tú Sương và NSƯT Trinh Trinh cho các nghệ sĩ trẻ còn có sự tham gia của khách mời đặc biệt là NSƯT Võ Minh Lâm, đảm nhận 1 trong 2 vai nam chính.
Các vở còn lại đều mới. Tối 9/3, sân khấu Sao Phương Nam giới thiệu vở Đường về thành San Hậu (kịch bản: Quang Nhã, đạo diễn: NSƯT Ngọc Dung). Dựa trên kịch bản San Hậu kinh điển của nghệ thuật hát bội, vở được làm mới theo phong cách cải lương tuồng cổ nhằm thu hút khán giả trẻ. Vở có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ trẻ ăn khách hiện nay: Tú Sương, Võ Minh Lâm, Hoàng Hải, Lê Thanh Thảo… và đang bán vé khá tốt.
Đoàn cải lương tuồng cổ Khánh Tâm ra mắt vở Tiên lữ kỳ duyên (kịch bản: Lê Nguyễn Trường Giang - Joseph Lâm, đạo diễn: Lê Nguyễn Trường Giang) vào tối 23/3. Vở diễn đang nhận được nhiều sự chú ý khi khai thác đề tài khá mới mẻ cùng sự góp mặt của những cái tên quen thuộc như: Vũ Luân, Trinh Trinh, Trọng Nghĩa, Lê Nguyễn Trường Giang…
Sân khấu Nguyễn Khắc Huy mang đến bản dựng mới của kịch bản cải lương tuồng cổ kinh điển Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (tác giả: Đức Phú) vào tối 30/3. Lần này, vở có sự phối hợp giữa đạo diễn dàn dựng Bạch Long và đạo diễn hình ảnh kỹ xảo Chánh Trực nhằm mang đến những điều mới mẻ cho một tác phẩm đã quá quen thuộc.
Xa hơn một chút có 3 vở tái diễn là Trân châu kỳ sát Địch Thanh của sân khấu Chí Linh - Vân Hà (6/4), Khúc tráng ca thành Gia Định của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (13/4) và Tống Nhân Tôn khóc biệt Bàng quý phi của sân khấu Vũ Luân (4/5); 3 vở mới là Oán khí Bích Vân cung của sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang (20/4), Người ven đô của sân khấu Đại Việt (27/4) và Long Phụng tranh hoàng quyền của sân khấu Thiên Long (18/5).
Làm sao để đi đường dài?
“Ông bầu” sân khấu Đại Việt - soạn giả Hoàng Song Việt - cho rằng, việc các đơn vị không “chen chúc” nhau trong mùa diễn tết chứng tỏ nhà sản xuất đã rút kinh nghiệm từ mùa diễn tết khá dày năm trước, các sân khấu đã cạnh tranh nhau gay gắt trong khi tệp khán giả đã thu hẹp nhiều.
|
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ tái diễn vở cải lương lịch sử Khúc tráng ca thành Gia Định vào tối 13/4. |
“Việc nhiều sân khấu hoạt động nhộn nhịp trở lại trong tháng Ba là yếu tố tích cực, nhất là tỉ lệ vở mới khá cao, giúp làm ấm lên không khí chung của sân khấu cải lương TPHCM. Sự xuất hiện của một số đơn vị mới (sân khấu Sao Phương Nam, Thiên Long, Nguyễn Khắc Huy…) cũng vậy. Dù chưa biết các bạn có đi đường dài được hay không, việc góp phần làm rộn rã sàn diễn cải lương hiện nay đã rất đáng ghi nhận” - ông Hoàng Song Việt nói.
“Ông bầu” sân khấu nổi tiếng Huỳnh Anh Tuấn (đang đỡ đầu sân khấu Đồng Ấu Bạch Long) cho rằng tình hình sân khấu cải lương vẫn rất khó. “Nhịp sống sân khấu cải lương hiện nay đến từ lòng say nghề, niềm hứng thú làm nghề của một số diễn viên có tiếng là chính. Lâu lâu lại thấy các nghệ sĩ tập hợp nhau lại hát 1-2 suất hay được khán giả đại gia tài trợ làm tuồng cho thỏa đam mê. Các sân khấu là doanh nghiệp giải trí mà yếu tố kinh doanh, chuyện lời lỗ đều tính sau thì rất khó” - ông Huỳnh Anh Tuấn nhận định.
Ngoài ra, các sân khấu muốn đi đường dài phải tạo được phong cách riêng, thậm chí có được lực lượng biểu diễn riêng và không xuất hiện đại trà. Tuy nhiên, nhìn về 11 vở diễn từ 11 sân khấu sắp tới, có thể nhận thấy sự trùng lắp về màu sắc của khá nhiều đơn vị khi cùng khai thác thể loại cải lương tuồng cổ và sự lặp lại của các gương mặt diễn viên.
“Tôi không cho sự nhộn nhịp của sàn diễn cải lương dịp này là hiện tượng. Sau mùa diễn tết, các sân khấu vẫn thường trở lại trong tháng Ba. Việc có thêm sân khấu mới cũng không nói lên điều gì, vì năm nào cũng xuất hiện một vài cái tên mới như thế. Quan trọng vẫn là chất lượng vở diễn và định hướng sau đó - sẽ tiếp tục bền bỉ tìm kiếm khán giả hay chỉ dừng lại ở 1 đêm diễn kỷ niệm. Nhưng dù như thế nào thì với người làm nghề chúng tôi, việc cải lương hiện nay có thêm suất diễn đã là niềm vui” - nghệ sĩ Điền Trung chia sẻ.
Ninh Lộc