“Ngộ quá, ở nhà má tui mở đĩa nghe Hữu Phước với Ngọc Hương ca tuồng Con cò trắng hoài không biết chán. Sao giờ xem nghệ sĩ diễn sân khấu lại không cảm được nữa. Ca nhiều quá làm trì tình huống kịch…” - lời thì thầm của một khán giả với người bạn của mình về một tiết mục dự thi Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020 lại gợi ra nhiều suy nghĩ, buộc chúng ta một lần nữa thẳng thắn nhìn vào thực trạng của sân khấu cải lương.
Dự thi vai Lộc trong trích đoạn Con cò trắng (soạn giả Thu An) là một nghệ sĩ đi ra từ cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ và cũng là một trong những thí sinh sở hữu giọng ca được đánh giá cao nhất cuộc thi lần này. Thực tế, anh cũng đã làm tròn vai diễn, bộc lộ được thế mạnh ở giọng ca có chất riêng.
|
Tham dự các cuộc thi, thí sinh từ những đoàn tỉnh chủ yếu tận dụng kịch mục sẵn có của đoàn, thường là kịch bản cũ. |
Nhưng nhìn lại, kịch bản Con cò trắng đã ra đời từ thập niên 1970 mà đến nay vẫn luôn được ưa chuộng ở các cuộc thi. Tương tự, các kịch bản Người đánh rơi hạnh phúc (chung mô-típ với Con cò trắng), Người ven đô, Người không cô đơn, Hòn vọng phu… đều đã ngoài 30 tuổi và vẫn được tái diễn liên tục ở hội thi, liên hoan.
Các thí sinh luôn ý thức phải làm mới các bản dựng nhưng đây là điều không đơn giản, nhất là việc đẩy nhanh mạch kịch để bắt kịp thị hiếu khán giả hôm nay. Dù nghệ sĩ nỗ lực ca diễn thì những màn tự sự bày tỏ nỗi lòng rất dài theo mô-típ kịch bản xưa đã không còn phù hợp, gây nhàm chán cho khán giả.
Ngược lại, một số thí sinh đã mạnh tay đầu tư, đặt viết riêng tiết mục cho mình, như Trần Ngọc Nhã Thi (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) với vai Bùi Thị Xuân (sơ khảo) và Nguyễn Thị Anh (chung kết); Võ Hoài Long (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) với vai Trần Cảnh; Nguyễn Thanh Toàn (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) với vai Trần Thủ Độ…
Ngoài những cái tên quen trong làng sáng tác và chuyển thể kịch bản cải lương như Hoàng Song Việt, Đăng Minh, Tô Thiên Kiều, Bạch Mai, Trần Chín (Linh Trung)… thì những năm gần đây, những Phạm Văn Đằng, Nguyên Phương, Bảo Kiến… cũng dần được biết đến nhiều hơn nhưng dấu ấn để lại là chưa đủ.
Lần này, khi các thí sinh chủ yếu đặt hàng các nhân vật lịch sử có nhiều góc khuất về số phận để dễ tạo đất diễn thì một số tác giả cũng thể hiện sự non tay ở đề tài này. Chẳng hạn lớp diễn Bùi Thị Xuân đau lòng khi nghe tin chồng, con bị bắt và bị hành hình được khai thác theo mô-típ một lớp diễn nổi tiếng ở vở Tiếng trống Mê Linh, khiến khán giả băn khoăn khi "đối chiếu" với những sự kiện, bối cảnh lịch sử... được ghi chép trong chính sử.
|
Không nhiều nghệ sĩ có khả năng tự biên tự diễn như nghệ sĩ Linh Trung |
Với quá nhiều kịch bản đi sâu khai thác tâm lý nhân vật Lý Chiêu Hoàng thì việc để nhân vật Trần Cảnh - Trần Thái Tông nói lên tâm sự của mình là hướng đi mới lạ, đáng tiếc cái đọng lại chỉ là hình ảnh một vị vua ủy mị, sướt mướt, thiếu chính kiến và hời hợt với thời cuộc.
Vẫn biết trong sáng tạo cần sự hư cấu nhưng với đề tài lịch sử cần sự thận trọng lớn, không chỉ tôn trọng chính sử mà cần hợp lý với hành trạng nhân vật, đặc biệt với tác phẩm nghệ thuật, dù chỉ là một trích đoạn ngắn, cũng cần chuyển tải thông điệp rõ ràng chứ không nên kể chuyện rồi… để đó!
Nhìn lại, 45 gương mặt đăng ký dự thi phần lớn là các nghệ sĩ trẻ chưa có danh hiệu nhưng khá quen mặt với khán giả qua các kỳ liên hoan, hội diễn, các cuộc thi sân khấu những năm qua. Một bộ phận nhỏ các thí sinh tự do hoạt động ở các sân khấu xã hội hóa của TP hoặc chỉ tham gia biểu diễn phong trào. Qua các phần thi, có thể nhìn thấy rõ ràng sự chênh lệch khá lớn về nghề, về kinh nghiệm giữa các thí sinh tự do và các nghệ sĩ ở đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.
Còn lại là những nghệ sĩ đã nhiều năm trong nghề, ít nhiều khẳng định được tên tuổi, như: NSƯT Thiên Hoa, NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Lê Trung Thảo, các nghệ sĩ Linh Trung, Khánh Tuấn, Thanh Sơn, Hà Như, Lê Thanh Thảo, Diễm Thanh…
|
Các trích đoạn được chọn tham gia các cuộc thi đa phần không mới, ít có những ý tưởng lạ, độc đáo |
Đây cũng là lực lượng biểu diễn chủ lực của sân khấu cải lương Nam - Bắc những năm qua, cùng với thành phần phụ diễn hùng hậu, gồm: NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Thu Trang, NSƯT Mạnh Hùng, các nghệ sĩ Chí Linh, Võ Minh Lâm, Thanh Hồng, Minh Hoàng, Hoàng Minh Vương, Điền Trung, Minh Trường… Nhiều khán giả đã nói đùa rằng cuộc cạnh tranh giữa các nghệ sĩ phụ diễn còn gay gắt hơn cả thí sinh dự thi!
Từ đây, có thể thấy một thực tế đáng buồn là lực lượng nghệ sĩ biểu diễn cải lương đang dần co cụm, không thấy xuất hiện nhân tố mới, các nhân tố cũ chưa thể “vượt lên chính mình”. Trong đó, có những diễn viên trẻ đã có xuất phát điểm rất tốt từ cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ, tham gia đều đặn các cuộc thi, dự cả liên hoan, hội diễn nhưng vẫn chưa thể bật sáng, thậm chí còn thụt lùi.
Những năm gần đây, xu hướng dàn dựng các tiết mục rầm rộ, bắt mắt, buộc người nghệ sĩ “múa may quay cuồng” cũng là nhằm khỏa lấp sự nhạt nhòa trong ca - diễn. Theo dõi các buổi thi, NSƯT Lê Thiện bày tỏ sự xúc động trước nỗ lực giữ nghề của các diễn viên khi sân khấu cải lương đã tắt dần hào quang nhưng cũng cho rằng: “các em dường như đang quá vội, mong muốn tìm cái mới - nhân vật mới, các hình thức thể hiện mới - mà nhiều khi quên rằng chỉ cần lắng lòng lại, tìm về đúng bản chất trữ tình, sâu lắng của nghệ thuật cải lương mới là chìa khóa mở ra cánh cửa đi vào lòng khán giả mộ điệu!”.
Trở lại sau 6 năm gián đoạn và được nâng cấp mang tầm quốc gia, Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020 kỳ vọng tạo “cú hích” trong công cuộc phục hồi sân khấu cải lương vốn quá gian nan.
Thế nhưng với một lực lượng biểu diễn đang dần hao mòn và xơ cứng, đội ngũ đạo diễn cần thêm trải nghiệm chiều sâu và nhất là sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng sáng tác thì vẫn cần nhiều giải pháp căn cơ hơn nữa mà chỉ các cuộc thi tìm kiếm tài năng diễn viên thì không thể đảm đương nổi!
Đông A