Vương quốc nhồi bông (kịch bản: Biển Kiện Tùng Phi, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Quỳnh Khôi) kể về cuộc phiêu lưu kỳ thú của 5 cô cậu bé tới vương quốc nhồi bông. Cả 5 bé có hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng đều không mấy vui vẻ vì những thiếu sót của người lớn. Trải nghiệm trong vương quốc nhồi bông, nơi được tự do phát triển bản thân theo khả năng, sở thích của mình, không phải gồng gánh vì hoài bão của người lớn hay chịu thiệt thòi vì những kẻ vô tâm, vô trách nhiệm làm các bé rất thích thú, không muốn rời khỏi đây…
|
Ngoài những làn điệu cải lương, dân ca ngọt ngào, Vương quốc nhồi bông cũng mang đến nhiều tiếng cười vui cho khán giả |
Giữa một mùa hè nhộn nhịp các vở diễn thiếu nhi hoành tráng, Vương quốc nhồi bông có một phong cách khác hẳn khi rất nhỏ gọn và cực kỳ dễ thương, đặc biệt hơn nữa là do chính các em nhỏ hát cải lương. Tham gia vở chủ yếu là con em trong giới nghệ sĩ, như: Thảo Trâm, Thảo Trúc (con đôi nghệ sĩ Điền Trung và Lê Thanh Thảo), Kim Thư (con nghệ sĩ Ngọc Nga), Băng Băng (con nuôi Nghệ sĩ ưu tú Tú Sương)… cùng một số em nhỏ có khả năng diễn xuất và thể hiện sự yêu thích cải lương.
“Tác giả đã có một câu chuyện đúng nghĩa của trẻ con và soạn giả Hoàng Song Việt đã chuyển thể cải lương khéo léo với nhiều bài ca, điệu lý rất dễ thương. Tôi tin rằng, các bé xem sẽ thích” - Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM - nói. Ông cũng cho biết mình rất ủng hộ nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tổ chức và duy trì sân chơi dành cho các tài năng nhí lẫn khán giả nhí yêu thích nghệ thuật dân tộc này.
Chia sẻ về việc chuyển thể tác phẩm, soạn giả Hoàng Song Việt cho biết, khó nhất vẫn là đặt bài ca sao cho phù hợp và giúp các bé dễ tiếp nhận. “Tôi chỉ sử dụng một số bài bản dễ ca và dùng rất ít, còn lại là sưu tầm dân ca. Kho tàng dân ca trên mạng rất nhiều, mình nghe và lựa chọn những giai điệu phù hợp với tuổi thơ đưa vô tuồng cho mấy đứa nhỏ ca nghe rất dễ thương” - ông cho biết.
Vì thế, trong tuồng cũng xuất hiện hàng loạt bài mà ngay chính các nghệ sĩ phụ huynh cũng phải ngỡ ngàng, như: lý con cá trê, lý con trâu, lý dây trầu… “Là nghệ sĩ chuyên nghiệp, ấy vậy mà đọc kịch bản lần này lại có nhiều bài lạ ghê, về mình phải nghe đi nghe lại, tập ca trước rồi mới tập được cho các con. Thế mới biết kho tàng dân ca, âm nhạc dân tộc của chúng ta phong phú tới cỡ nào” - nghệ sĩ Lê Thanh Thảo chia sẻ.
Đạo diễn Quỳnh Khôi đặc biệt chú ý đến việc tạo tương tác giữa tình huống sân khấu với khán giả. Trong đó, điểm nhấn là việc dẫn dắt các em nhỏ cùng hát vang bài Long hổ hội - được xem như bài “nhập môn” khi tìm hiểu về nghệ thuật cải lương - nhằm tạo sức mạnh đoàn kết để đánh tan thế lực xấu. Tuy nhiên việc chiếu phần xướng âm bài Long hổ hội trên màn hình led không hiệu quả vì màn hình quá sáng, không nhìn được chữ; cần cách làm khác, chẳng hạn như phát giấy in bài ca cho phụ huynh để họ hướng dẫn các con ca theo. Phần xướng âm ngũ cung cũng khó nhớ, nên đặt lời có liên quan đến vở diễn và dễ ca. Có thể xem đây như bài ca chủ đề, lặp đi lặp lại tạo điểm nhấn và dễ in vào trí các em nhỏ.
“Sân khấu này không thể so sánh với các sân khấu khác về mặt đầu tư, đặc biệt là phục trang, âm nhạc, cảnh trí hay các đại cảnh có thể huy động cả trăm diễn viên quần chúng. Ở đây chỉ gói gọn 1 vở thiếu nhi rất thiếu nhi. Nếu nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cứ chọn đúng phong cách của mình và trụ vững trong khoảng 1 năm thì có thể chúng ta sẽ có thêm 1 thương hiệu sân khấu thiếu nhi với phong cách riêng nữa - 1 sân khấu để các em trải nghiệm đúng tuổi thơ, không cần phải bắt trend” - soạn giả Hoàng Song Việt nêu ý kiến.
Vở Vương quốc nhồi bông đã có kế hoạch dàn dựng và dự kiến ra mắt từ dịp tết Trung thu 2022, ngay sau khi thành lập Sân khấu tài năng thiếu nhi. Tuy nhiên nhiều nghệ sĩ cho biết vẫn ưu tiên việc học của con em nên việc tập hợp, sắp xếp thời gian tập vở rất khó khăn. “Ngày trước, chúng tôi có thể trốn học, bỏ học đi hát, nhưng ngày nay khác rồi. Khó khăn cách mấy chúng tôi vẫn phải lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Làm gì làm, dù các con có nối nghiệp cha mẹ hay không thì vẫn phải học đã. Các con có yêu thích cũng chỉ tham gia vào dịp phù hợp, chủ yếu là nghỉ hè” - nghệ sĩ Lê Thanh Thảo chia sẻ. Đạo diễn Quỳnh Khôi cũng cho biết vở mới khởi động lại vào khoảng tháng Năm, lúc chớm hè, có một số bé chưa được nghỉ, cha mẹ cũng quá bận rộn, nên phải tranh thủ tập luôn vào buổi tối. “Duy trì một sân khấu thiếu nhi như thế này rất khó khăn. Rất cần sự đồng tâm và kiên trì, cũng như sự thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau. Tất cả cùng vì niềm vui và lợi ích của con trẻ - cả diễn viên thiếu nhi lẫn khán giả” - đạo diễn Quỳnh Khôi bộc bạch. |
Ninh Lộc