'San hô đỏ' - vở cải lương dành cho khán giả 'thích nghe ca'

03/11/2024 - 07:17

PNO - Tối 2/11, trước khi đến với Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 tại Cần Thơ, nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã giới thiệu vở cải lương “San hô đỏ” đến khán giả mộ điệu TPHCM.

San hô đỏ
San hô đỏ cũng là tác phẩm hướng đến chào mừng 50 năm thống nhất đất nước của nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Ông Phan Quốc Kiệt, giám đốc nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết, San hô đỏ (kịch bản: Bích Ngân, chuyển thể: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu) cùng với Khúc tráng ca thành Gia Định (kịch bản: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hoa Hạ) là 2 vở diễn được nhà hát mang đến Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024. Trong đó, San hô đỏ với nhiều sáng tạo trong dàn dựng cũng là tác phẩm nhà hát đầu tư hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (1975 – 2025).

Kịch bản San hô đỏ được nhà văn Bích Ngân viết cách đây khá lâu từ câu chuyện có thật về mất mát của quân đội ta trong trận bão lớn vào tháng 12/1990. Cơn bão có gió giật lên đến cấp 12 đã giật sập một số nhà giàn, trong đó có 3 chiến sĩ ở nhà giàn DK1/3 hy sinh. Đây là lần đầu tiên San hô đỏ được dàn dựng trên sân khấu cải lương.

San hô đỏ tái hiện cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió của người lính
San hô đỏ tái hiện cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió của người lính trên nhà giàn.
Có những khoảnh khắc lãng mạn...
Có những khoảnh khắc lãng mạn, bình yên nghĩ về quê nhà...
... Nhưng cùng với đó là
... Nhưng lắm lúc bão giông mà người lính vẫn luôn vững vàng, thậm chí sẵn sàng hy sinh.

Đảm nhận vai trò chuyển thể cải lương là tác giả trẻ Phạm Văn Đằng. Anh cho biết, đây mới là lần thứ hai thử sức ở đề tài biển đảo, cũng là một thử thách. Như các tác phẩm trước, anh tập trung khai thác “cái tình” trong mạch truyện. “Mà ở đây lại có nhiều cái tình, có tình đồng chí, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, cả tình hậu phương - tiền tuyến. Đấy lại là thuận lợi cho các làn điệu cải lương” – Phạm Văn Đằng chia sẻ.

San hô đỏ còn có số phận người nơi đất liền.
San hô đỏ còn có số phận những người ở lại nơi đất liền.
Các anh vẫn luôn
Vở diễn chia sẻ thông điệp dù các anh không còn nhưng tinh thần người lính giữa trùng khơi vẫn luôn hướng về gia đình, làm điểm tựa tinh thần cho những người thân yêu.

NSND Trần Ngọc Giàu không chỉ sử dụng màn hình led và màn hình gauze cho các hiệu ứng tái hiện cơn bão khủng khiếp năm nào. Màn hình gauze giữ vai trò chủ đạo trong việc thay đổi bối cảnh từ hiện thực sang tâm tưởng, giữa quá khứ và hiện tại. Vì thế, dù kể câu chuyện về những người đã ra đi nhưng San hô đỏ không gợi lên sự mất mát mà gần gũi, sẻ chia khi những người lính nằm lại vùng biển quê hương như vẫn hiện diện trong từng con sóng dõi theo đồng đội, tinh thần họ để lại vẫn vỗ về những người thân yêu nơi quê nhà.

Màn hình gauze được sử dụng trong vở diễn
Màn hình gauze được sử dụng để thay đổi không gian vở diễn giữa hiện thực và tâm tưởng.

San hô đỏ có sự tham gia của: NSND Mỹ Hằng, NSƯT Minh Hoàng, NSƯT Võ Thành Phê, các nghệ sĩ Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Văn Khởi, Phùng Ngọc Bảy, Tô Tấn Loan, Kim Luận, Mỹ Linh… Với phần lớn các giọng ca bước ra từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, trong đó có đến 4 “chuông vàng” là Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Thanh Toàn và Kim Luận. Vở diễn cũng hứa hẹn làm hài lòng những khán giả của trường phái “thích nghe ca”.

San hô đỏ tập trung nhiều giọng ca bước ra từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI