Săn ''đồ chơi thông minh'' giúp trẻ vừa chơi vừa học

03/07/2021 - 06:14

PNO - Những ngày giãn cách xã hội, nhiều phụ huynh lo ngại con ở nhà xem ti vi, chơi game nhiều không tốt nên tìm mua các loại đồ chơi để các con vừa chơi vừa học. Thị trường đồ chơi thông minh cho trẻ theo đó cũng “nóng” lên, đa dạng sản phẩm trong nước, ngoại nhập.

Từ xếp hình, sáng tạo đến hội họa, hóa trang...

Trước thị trường đồ chơi trẻ em phong phú với nhiều chủng loại, giá cả, người tiêu dùng không khó để chọn sản phẩm (SP) phù hợp với độ tuổi, giới tính, sở thích; giúp trẻ vừa chơi, vừa học. 
Riêng nhóm đồ chơi xếp hình có đủ chất liệu gỗ, nhựa, giấy... với các hình ảnh, màu sắc thu hút, giá dao động từ 250.000 - 550.000 đồng/bộ, tùy khổ bảng A3, A4.

Chẳng hạn như bộ tranh ghép bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới và lục địa trôi dạt gồm các miếng ghép bằng gỗ in hình sinh động có gắn nam châm để trẻ tìm ghép các mảnh lại với nhau thành hình bản đồ, lục địa hoàn chỉnh. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, trẻ từ năm tuổi trở lên có thể chơi được. Trò chơi giúp bé phát huy trí tưởng tượng, rèn luyện tính tỉ mỉ; biết phân biệt màu sắc, học và ghi nhớ được nhiều quốc gia trên thế giới. Thông qua việc phải tìm đúng miếng ghép mới có thể ghép được, trẻ sẽ phát triển tư duy logic suy luận. Cha mẹ nên chơi cùng trẻ để khuyến khích tính vận động và rèn luyện tính kiên trì nơi con mình.

Người lớn cần chọn đồ chơi cho trẻ đảm bảo các tiêu chí: nguyên liệu an toàn; hình dạng không góc cạnh sắc nhọn; không nên có bộ phận tách rời, trẻ nhỏ dễ nuốt gây hóc, sặc; cấu tạo chắc chắn, dễ vệ sinh...
Người lớn cần chọn đồ chơi cho trẻ đảm bảo các tiêu chí: nguyên liệu an toàn; hình dạng không góc cạnh sắc nhọn; không nên có bộ phận tách rời, trẻ nhỏ dễ nuốt gây hóc, sặc; cấu tạo chắc chắn, dễ vệ sinh...

Theo đại diện Công ty TNHH Landcom - đơn vị sản xuất bộ tranh ghép bản đồ - tấm bảng để dán miếng ghép làm bằng gỗ tự nhiên, hình ảnh được in trực tiếp lên miếng gỗ PDF chứ không sơn; chất liệu và màu in an toàn cho trẻ.

“Đồ chơi hình khối bằng gỗ luôn có sức hút, kích thích sự tò mò và khám phá của trẻ. Các trò chơi rèn cho bé lối suy luận, ý thức tập trung cao để liên kết các khối hình hay đưa ra phương án giải quyết tốt nhất. Trò chơi lắp ghép cần tính kiên trì, cẩn thận, có sức tưởng tượng, trí nhớ tốt để lắp thành đồ vật tương ứng hay tạo thành các hình thù khác mà bé muốn...”, vị này phân tích.

Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều phụ huynh “đau đầu” là phần lớn trẻ nhỏ chơi xong hay vứt các miếng ghép bừa bãi, làm thất lạc nên không thể hoàn thiện được bản đồ hoàn chỉnh. Lời khuyên của nhà sản xuất là sau khi trẻ ghép xong hình bản đồ, lục địa có thể treo làm tranh tường, khi nào trẻ muốn chơi tiếp thì gỡ ra ghép lại từ đầu. 

Một trong những món đồ chơi đang được ưa chuộng là bộ xếp hình gỗ Pluzzle in hình các con vật (chó, hổ, cá, bướm, rồng…) với nhiều chi tiết có độ khó tăng dần. Trò chơi với hơn mười mẫu hình ảnh có họa tiết bắt mắt thu hút sự chú ý, kích thích sự tò mò giúp trẻ phát triển thị giác, khả năng tư duy sáng tạo. Nhà sản xuất khuyến khích cha mẹ cùng con xếp hình để nhận biết con có xu hướng tư duy tổng quan hay chi tiết thông qua quá trình lắp ghép. Từ đó, cha mẹ hiểu điểm mạnh, điểm yếu của con cũng như định hướng phát triển phù hợp nhất cho con.

“Không có cách nào giúp con dừng nghịch điện thoại hiệu quả hơn việc mang đến một trò chơi hấp dẫn và lành mạnh. Cha mẹ nên chơi xếp hình cùng con theo các bước: giới thiệu chi tiết miếng ghép hình con vật "ăn điểm" nhất để tạo sự hào hứng cho con khám phá; định hướng cách chơi chứ không áp đặt con phải chơi theo cách của cha mẹ; luôn khen ngợi, động viên khi con hoàn thiện một phần của trò chơi; quan sát cách con tư duy để đánh giá thiên hướng của con. Ban đầu, nên chọn những bộ có miếng ghép lớn, giảm nhẹ thử thách để tạo hứng khởi. Khi đã quen dần với trò chơi này, trẻ có thể thử thách bản thân ở những bộ có miếng ghép nhiều chi tiết hơn…”, đại diện Pluzzle gợi ý. 

Chị Phùng Kim Anh, chuyên doanh đồ chơi thông minh hơn bốn năm nay, cho biết: “Phụ huynh có xu hướng tìm mua những SP độc lạ, tích hợp nhiều tính năng, nhiều cấp chơi từ dễ đến khó để trẻ nhiều lứa tuổi có thể chơi cùng nhau và trẻ cũng có thể chơi lâu dài”. Nắm bắt xu hướng này, chị Anh nhập những SP đồ chơi trong nước lẫn nước ngoài với giá bán dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/SP để dễ tiêu thụ. Những món đồ chơi thông minh bán chạy hầu hết được đầu tư chi tiết bài bản, sáng tạo, giúp phát triển nhiều kỹ năng cùng lúc cho trẻ; giúp trẻ phát triển từng bán cầu não…

Ngoài những bộ đồ chơi xếp hình kể trên, nhiều phụ huynh còn đặt mua bộ cọ, màu vẽ kèm giấy, bảng kẹp; giấy vẽ ma thuật (nền giấy đen, khi vẽ cho ra nhiều màu sắc khác nhau); bộ xếp rubic hai người chơi có tính đối kháng; bộ dụng cụ hình học kèm bút màu cho bé vẽ nhiều hình ảnh đẹp mắt; bộ giấy xếp hình ra đủ con vật có mắt, mũi, miệng sinh động… Bên cạnh đó, những bộ chữ tiếng Việt, tiếng Anh, số kèm hình ảnh giúp trẻ vừa chơi, vừa học.

Nên chọn đồ chơi cho trẻ thế nào?

Tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy cho biết: “Từ 0 đến 6 tuổi là lứa tuổi não bộ phát triển nhanh nhất, cách học tốt nhất là học qua các trò chơi. Trò chơi không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, cảm xúc, khả năng ứng xử, quan hệ xã hội... mà còn giúp xây dựng mối quan hệ cha mẹ - con, tạo được sự yêu thương, tin cậy, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. 

Nguyên tắc chơi tác động đến năm giác quan. Để phát triển thị giác, cần cho trẻ quan sát các vật chuyển động, những đồ vật khác nhau, những màu sắc tươi sáng... Các trò chơi xếp hình khối, tiếp xúc đồ vật, nghịch cát, nước, khám phá thế giới trong môi trường an toàn... sẽ giúp trẻ phát triển xúc giác. Việc nghe âm nhạc, ngôn ngữ; trải nghiệm nhiều mùi vị, mùi hương... giúp trẻ phát triển thính giác, xúc giác, vị giác. 

“Trò chơi là hoạt động được thiết kế trong quá trình vui chơi của trẻ, không đơn thuần chỉ để lấp đầy thời gian của trẻ. Tùy điều kiện không gian, thời gian mà cha mẹ có thể thiết kế các loại đồ chơi khác nhau cho trẻ tham gia (trò chơi vận động, sáng tạo, mô phỏng, khám phá...). Người lớn cần chọn đồ chơi cho trẻ đảm bảo các tiêu chí: nguyên liệu an toàn; hình dạng không góc cạnh sắc nhọn; không nên có bộ phận tách rời, trẻ nhỏ dễ nuốt gây hóc, sặc; cấu tạo chắc chắn, dễ vệ sinh”, tiến sĩ Thúy lưu ý. 

Đồ chơi phải thực sự giúp trẻ phát triển tối ưu năm giác quan, nhưng âm thanh phát ra không nên quá lớn (gây ảnh hưởng thính lực của trẻ). Đồ chơi phải có tính thẩm mỹ, hình dáng sinh động để tạo hứng thú, niềm say mê và phát triển trí tưởng tượng cho trẻ. Đồ chơi càng hấp dẫn càng kích thích các giác quan của trẻ phát triển. 

Theo tư vấn của tiến sĩ Thúy, đồ chơi cho trẻ từ 0 - 6 tuổi phải phù hợp độ tuổi, giới, cân bằng cá tính; lớn hơn miệng trẻ; không quá to, nặng; các bộ phận được lắp chặt với nhau; không có dây và nam châm; chất nhựa và sơn an toàn; không có cạnh sắc; pin khó tháo rời; có tem đảm bảo chất lượng. Cha mẹ có thể cùng con tự làm đồ chơi vừa giúp trẻ kích thích tính sáng tạo, lòng kiên nhẫn vừa tiết kiệm tiền. Những món đồ chơi tự làm sẽ là những vật lưu giữ kỷ niệm đẹp của cha mẹ và các con. Cha mẹ cho trẻ chơi mà học thông qua việc đọc sách cho con nghe, sách có hình ảnh minh họa giúp trẻ liên hệ giữa từ ngữ và hình ảnh. Cho trẻ tô màu, tô chữ, nặn tượng, xếp hình, cắt dán... luyện khả năng viết. Trẻ cũng có thể học toán qua các trò chơi liên quan đến con số, đồng hồ, hình khối...

Mỗi trẻ có sở thích khác nhau, nên chọn đồ chơi phù hợp với sở thích và giờ giấc sinh hoạt của trẻ. Cha mẹ vừa chơi vừa nói chuyện vui vẻ cùng trẻ; đề cao chất lượng chơi hơn thời gian chơi... bởi tình yêu thương của cha mẹ là nhân tố quan trọng nhất. Đối với trẻ trên 6 tuổi, phụ huynh cần để ý năng khiếu, sở thích của trẻ để chọn đồ chơi phù hợp. 

 Làm gì khi trẻ cả thèm chóng chán?
Đặc điểm chung của trẻ là cả thèm chóng chán, phụ huynh nên chọn những món đồ chơi có nhiều cách chơi, cấp độ và hướng dẫn, gợi ý cho trẻ chơi.
Khi trẻ không thích món đồ đang chơi nữa, phụ huynh nên cất đi và cho trẻ chơi món khác, sau một thời gian cho trẻ chơi lại món đồ chơi cũ, lúc này trẻ sẽ chơi theo cách mới, cảm nhận mới.  

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI