Không gian trình diễn
Trong công nghiệp thời trang, mọi chiến dịch marketing, quảng cáo đều bắt đầu từ các show diễn. Bên cạnh bộ sưu tập (BST) như dấu ấn nhận diện thương hiệu mỗi mùa, các nhà thiết kế (NTK) Việt đã bắt đầu chú trọng khâu lên ý tưởng, lựa chọn địa điểm và xây dựng sân khấu.
Một trong những người tiên phong cho xu hướng này là Đỗ Mạnh Cường khi liên tục biến ảo trong những không gian trình diễn khác nhau. Tại show Countryside, Đỗ Mạnh Cường huy động 40 tấn rơm trải đều sàn catwalk, tạo khung cảnh làng quê yên ả, tương ứng với chủ đề của BST.
|
Sàn diễn show Countryside của NTK Đỗ Mạnh Cường - Ảnh: Kiếng Cận
|
Đến show Thu Đông 2016, anh dùng sàn gỗ kết hợp với những khối cầu kim loại và thanh sắt uốn lượn, ánh sáng xanh làm nổi bật BST. Từ âm thanh, ánh sáng đến cách trang điểm cho người mẫu, phụ kiện đi kèm, thậm chí vị trí ghế ngồi đều được sắp xếp hài hòa với BST và tinh thần thương hiệu.
Nhiều NTK cũng dày công chuẩn bị cho mỗi show diễn thường niên. Lâm Gia Khang trong BST Xuân Hè 2017 dùng gam màu đặc trưng trắng, đen, beige, trình diễn trên sân khấu được bố trí như một khu vườn kiểu Pháp, tận dụng ánh sáng tự nhiên trong một buổi chiều mùa hè.
Nếu không tìm được nơi thích hợp tại Sài Gòn, các NTK sẵn sàng “bê” cả ê-kíp, trang phục, phụ kiện, thiết bị… đến nơi khác diễn như show Life of Color của Đỗ Mạnh Cường tại Phú Quốc hay Her Legend của Adrian Anh Tuấn tại Đà Nẵng để chuyển tải tâm ý, tinh thần của BST. |
Show diễn tôn vinh lãnh Mỹ A của Hằng Nguyễn, Nguyễn Minh Công, Juun Đăng Dũng, Huỳnh Tiên được thực hiện trên sàn catwalk dài hơn 100m, thiết kế uốn lượn như một dòng sông. Tổng thể không gian trình diễn còn có các ô cửa hình lá dừa, những đụn rơm, góc sân phơi vải... và cả mùi hương của chất liệu vải cũng được xử lý, tạo cảm giác “sờ, nghe, ngửi, thấy” cho công chúng.
Qua nhiều năm, các show diễn thường niên của các tạp chí thời trang quốc tế, các tuần lễ thời trang tại Việt Nam như Elle Fashion Show, Vietnam International Fashion Week đã thay đổi cách giới thiệu một BST và giúp đưa thời trang đến gần hơn với công chúng, định hình những giá trị mới về cái đẹp; đưa các NTK quốc tế đến Việt Nam.
|
Không gian trình diễn của show Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại còn có các ô cửa hình lá dừa, những đụn rơm, góc sân phơi vải... |
Những mắt xích chưa gỡ
Chính bởi sàn diễn là khâu quảng bá hiệu quả nhất nên không ít NTK, với khả năng thẩm mỹ sơ sài, đã quăng lên sàn những trang phục quái dị, phản cảm, thuê người thuộc giới tính thứ ba làm lố khi trình diễn nhằm thu hút chú ý.
Ồn ào nhất là vụ trình diễn thời trang bị xem là báng bổ tôn giáo tại một quán bar ở Hà Nội hồi đầu tháng 10. Biến tướng này tạo nên sự kỳ thị, đánh giá không đúng về thời trang, cái đẹp lẫn nghề người mẫu.
Sự tăng tốc của guồng quay thời trang cũng hé lộ nhiều lỗ hổng. Các NTK thường bỡ ngỡ ở các khâu ý tưởng trình diễn, xây dựng thương hiệu, tương tác với truyền thông… Như chương trình giới thiệu BST Prey Nokor của Trương Thanh Hải hồi giữa tháng 10: jumpsuit, quần xắn gấu, váy maxi bằng chất liệu linen, đũi, lụa cùng những thiết kế đan móc lại đặt trên sân khấu đầy hoa và nhạc điện tử.
Trong 6-7 năm trở lại đây, nghề mẫu đang dần khẳng định vị thế. Nhiều người mẫu đạt chuẩn quốc tế đã sải bước trên những sàn diễn trong và ngoài nước như Trang Khiếu, Hoàng Thùy, Mâu Thủy, Thiên Trang...
Bên cạnh những công ty người mẫu đã có tiếng, các công ty mới như CA3 Asia, Nomad MGMT (do siêu mẫu Coco Rocha thành lập tại Việt Nam)… mở thêm cơ hội đào tạo cho người mẫu cũng như xây dựng hình ảnh ngôi sao, đưa người mẫu ra nước ngoài.
|
Tuần lễ Thời trang Quốc tế tại Việt Nam 2017 |
Không thể phủ nhận tác động tích cực của Tuần lễ Thời trang Việt Nam (VFW) của NTK Minh Hạnh và Tuần lễ Thời trang Quốc tế tại Việt Nam (VIFW) do bà Lê Thị Quỳnh Trang khởi xướng. Song sự kém cân đối khi đặt các NTK giàu kinh nghiệm và NTK trẻ vào một sân chơi như VFW hay lùm xùm người mẫu có tên trong danh sách cấm diễn, NTK đụng ý tưởng… tại VIFW sau mỗi mùa, cộng việc thiếu liên kết của hai chương trình dễ tạo cảm giác nhà tổ chức làm show kiếm tiền hơn là hướng đến sự phát triển của thời trang.
Mặt khác, để tiết kiệm, các tuần lễ này gói mọi show diễn vào cùng một không gian, dẫn đến sự kém đa dạng của các BST bởi không phải NTK nào cũng phù hợp với chủ đề, tiêu chí nhà tổ chức đặt ra.
Hướng đến giấc mơ “công nghiệp thời trang”, nhìn từ góc độ sàn diễn, còn nhiều yếu tố cần dịch chuyển đồng bộ.
Lam Tuệ