Nhộn nhịp sàn diễn cải lương
Từ đầu năm 2019, 3 đoàn của Nhà hát Trần Hữu Trang đã bắt đầu luân phiên biểu diễn hằng tuần tại rạp Hưng Đạo. Cùng với những vở diễn của các đoàn như Hiu hiu gió bấc, Đời Như Ý, một số vở khác cũng đã được phục dựng như Làm lại cuộc đời, Máu nhuộm sân chùa, Trà Hoa Nữ… Ngoài ra, các đoàn cũng đang đặt hàng hoặc chọn kịch bản để dàn dựng mới. Dự kiến, hai vở diễn kế tiếp sẽ là tuồng sử, với các nhân vật Nguyễn Hữu Cảnh và Lê Văn Duyệt.
|
Vở cải lương Thanh xà - Bạch xà thắng lớn đầu năm 2019 |
Ngay sau suất diễn vở Đường Bá Hổ hôm mùng Sáu tết, sân khấu (SK) Chí Linh - Vân Hà đã lên kế hoạch tập vở Tống soái Địch Thanh. Nghệ sĩ Chí Linh cho biết, SK Chí Linh - Vân Hà có kế hoạch ít nhất 1 suất diễn/tháng và luân phiên tái diễn tuồng cũ lẫn tuồng mới. Từ đầu tháng 3/2019, ngoài 4 suất diễn của Nhà hát Trần Hữu Trang, 3 vở diễn khác của các SK xã hội hóa đã có lịch biểu diễn là Tấm Cám (SK Kim Tử Long, ngày 2/3), Mai trắng se duyên (Tuồng cổ Huỳnh Long, ngày 10/3) và Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (SK Vũ Luân, ngày 17/3).
Sự trở lại của SK Vũ Luân là một trong những điều đặc biệt của SK cải lương năm 2019. Rất quyết tâm với cuộc tái ngộ, NSƯT Vũ Luân mong muốn sẽ biểu diễn hằng tuần, với những kịch bản ăn khách trước đây của SK Vũ Luân và những kịch bản được đặt hàng mới.
Sau thành công của Thầy Ba Đợi, NSƯT Triệu Trung Kiên và soạn giả Hoàng Song Việt đã khởi động kế hoạch dài hơi với những vở cải lương có sự phối hợp giữa các nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc. Dự kiến, vở đầu tiên được chọn là Chuyện tình Khâu Vai, sẽ công diễn vào quý II/2019.
Tuần lễ cải lương do Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM phối hợp với các SK xã hội hóa thực hiện, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 15-21/4, tại Nhà hát TP.HCM. Ba vở đã “ghi tên” tham dự là Mạnh Lệ Quân, Xử án Phi Giao và Rạng Ngọc Côn Sơn (SK Kim Tử Long). Ông Lê Hữu Luân - Giám đốc trung tâm - cho biết: “Nhà hát TP.HCM sẽ hỗ trợ tối đa về kỹ thuật, chi phí… để các SK xã hội hóa tổ chức các suất diễn có bán vé”.
|
Đời Như Ý - vở diễn có “tuổi thọ” lâu nhất ở sân khấu Thế Giới Trẻ |
Đường dài được bao lâu?
Cải lương dẫu nhộn nhịp với những suất diễn cháy vé, người làm nghề vẫn canh cánh nỗi lo liệu mình sẽ đi được bao xa. Khán giả đang quay trở lại với SK cải lương. Người làm nghề cũng khát khao tìm cách giữ chân khán giả và kéo thêm lượng khán giả mới. Nhưng có những thực trạng đã là câu chuyện muôn năm cũ vẫn “bình chân như vại”.
Chất lượng của một số vở diễn và khả năng nhập vai của nghệ sĩ chưa đủ sức làm hài lòng khán giả. Cả nghệ sĩ Chí Linh lẫn đạo diễn Quốc Kiệt (Phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang) đều thừa nhận, thời gian đầu tư cho nhân vật của các nghệ sĩ còn chưa nhiều. Có những diễn viên ca như máy phát, chỉ cố ca thoại cho suôn sẻ lời văn mà thiếu cảm xúc. Những lớp diễn ồn ào, gào thét quá mức, do diễn viên chưa điều tiết được cảm xúc, chưa hiểu hết tính cách, tâm trạng nhân vật... Sự trở lại của một số tuồng màu sắc hương xa càng để lộ việc thiếu tập luyện của diễn viên trong những màn vũ đạo, đấu kiếm, đu bay...
“Sàn diễn không nuôi được nghệ sĩ nên họ phải chạy show kiếm sống. Tất cả như cái vòng luẩn quẩn mà nếu nghệ sĩ không thay đổi, không hy sinh thì đừng mong cải lương hồi sinh. Nghệ sĩ hãy tự cứu mình thay vì kêu gào, chờ hỗ trợ” - nghệ sĩ Chí Linh thẳng thắn.
Với NSƯT Vũ Luân, âu lo nằm ở điểm diễn. Suất diễn ngày 17/3, vé đã bán gần hết, nhưng theo NSƯT Vũ Luân, có bán hết vé cũng chỉ đủ chi phí tổ chức, không thu hồi đủ vốn để tái đầu tư. Với quy mô, số ghế ở rạp Hưng Đạo, nếu đầu tư tới nơi tới chốn, muốn thu hồi vốn thì giá vé sẽ phải từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng. Mức giá này không phù hợp với đại đa số khán giả, cũng không thể tổ chức biểu diễn thường xuyên. Để có thể diễn hằng tuần, giá vé phải trong khoảng 100.000 - 300.000 đồng.
|
Sau Thầy Ba Đợi, NSƯT Triệu Trung Kiên khởi động kế hoạch dài hơi với những vở cải lương có sự phối hợp giữa các nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc |
“Tiền thuê rạp được hỗ trợ là 15 triệu đồng/suất diễn, chi phí tập 5 triệu đồng/ngày. Dù có tập ở ngoài thì ít nhất cũng phải có 3 buổi tập tại rạp để ráp cảnh trí, đường dây, ánh sáng, âm thanh… để đảm bảo chất lượng khi biểu diễn. Cộng các khoản chi phí này lại, giá vé sẽ đội lên cao. Chúng tôi có tâm huyết, có khát khao, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền túi để dựng tuồng, nhưng cứ long đong và bị coi như con ghẻ. Cho SK xã hội hóa một khoản tiền để dựng vở chưa phải là cách làm hiệu quả, bởi nếu không cho họ một điểm diễn thì tuồng có hay đến mấy cũng không biết để làm gì” - NSƯT Vũ Luân ấm ức.
Đã có những phát biểu phải quan tâm đến SK cải lương xã hội hóa, không để các SK phải long đong tìm điểm diễn… Nhiều tín hiệu cho thấy khán giả cũng đang quay lại với sàn diễn cải lương. Chỉ lo nỗ lực của người làm nghề và những chính sách hỗ trợ cho cải lương xã hội hóa liệu có kịp tạo ra những thay đổi để giữ chân khán giả?
Thảo Vân