Sàn đấu giá nghệ thuật chuyên nghiệp: Vẫn 'mơ về nơi xa lắm'

09/09/2018 - 12:00

PNO - Không ai phủ nhận vai trò của các nhà đấu giá đối với thị trường mỹ thuật thời gian qua. Song, qua nhiều vụ việc, có vẻ giấc mơ về sàn đấu giá chuyên nghiệp vẫn còn ở... nơi xa lắm.

Lúng túng khi có sự cố

Thêm một lần nữa, Chọn Auction House - một trong những nhà đấu giá nghệ thuật được xem là có tên tuổi và uy tín nhất tại nước ta - dính “phốt” khi đưa bức tranh lụa Con gái nhà văn Dương Thu Hương ra đấu giá với giá khởi điểm 3.000 USD.

San dau gia nghe thuat chuyen nghiep: Van 'mo ve noi xa lam'
Tác phẩm được nhà đấu giá Chọn đưa ra đấu giá với chữ ký bị cho là giải mạo cố họa sĩ Vũ Giáng Hương

Tác phẩm này do nhà sưu tập Phạm Việt Phương gửi đến trưng bày từ cuối tháng Bảy, trên đó có chữ ký được cho là của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương - chữ ký bị cho là giả mạo. Sự việc trở nên ồn ào khi có người phát hiện ra bức tranh này giống tranh do một họa sĩ trẻ mới ra trường - Nguyễn Văn Đông - vẽ.

Khi câu chuyện bùng phát trong dư luận, Chọn đã tổ chức cuộc đối thoại ba bên: nhà sưu tập Phạm Việt Phương, họa sĩ Nguyễn Văn Đông và ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Chọn Auction House; có sự chứng kiến của giới truyền thông.

So với những bằng chứng rõ ràng của họa sĩ trẻ, đại diện Chọn tỏ ra yếu thế với những câu hỏi, luận điểm thiếu thuyết phục; trong khi đó, nhà sưu tập không chứng minh được nguồn gốc bức tranh. Câu hỏi bức tranh đã được điền chữ ký giả từ khi nào, ai là người giả mạo chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Họa sĩ Đặng Tiến nêu quan điểm, nếu Chọn bị nhà sưu tập lừa thì việc thẩm định của Chọn quá kém. Khi có người phát hiện tranh giả, để giữ uy tín và chứng minh mình vô can, Chọn phải nhanh chóng thẩm định và nếu có chất vấn thì chất vấn nhà sưu tập chứ không phải họa sĩ Đông. Theo họa sĩ Đặng Tiến, việc Chọn “cả vú lấp miệng em” với họa sĩ Nguyễn Văn Đông cho thấy nhà đấu giá này thiếu cầu thị hoặc kém về ứng xử.

Tháng Bảy năm ngoái, dù đang có nhiều tranh cãi về chuyện thật - giả, bức tranh sơn dầu Phố cũ, được cho là của danh họa Bùi Xuân Phái, vẫn được Chọn đem đấu giá. Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai danh họa Bùi Xuân Phái khẳng định đấy không phải tác phẩm của cha mình; Chọn thì lại không công bố danh tính chuyên gia giám định với lý do họ không muốn ra mặt, đồng thời cam đoan bức tranh là thật.

San dau gia nghe thuat chuyen nghiep: Van 'mo ve noi xa lam'
Tác phẩm của họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Đông

Cần thận trọng khi đem tác phẩm ra đấu giá

Vài năm qua, thị trường mỹ thuật nội địa bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc nhờ sự xuất hiện của các sàn đấu giá nghệ thuật như Lạc Việt, Lý Thị, Chọn. Hai nhóm đấu giá tranh hoạt động mạnh trên mạng là Vietnam Art Space và Viet Art Now…

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đáng khích lệ, hoạt động của những đơn vị này cũng bộc lộ nhiều bất cập mà chuyện ồn ào vừa qua của Chọn là một ví dụ. Hay như phiên đấu giá đầu tiên vào tháng 5/2016 của Lạc Việt, người thắng đấu giá cặp chóe “Tứ linh” hơn 6 tỷ đồng đã bỏ cọc sau đó; Lý Thị đã không thể hoàn thành giao dịch đấu giá bức tranh Cẩm chướng do lỏng lẻo về thủ tục, không đòi được tiền của người mua…

Những ồn ào trong thời gian qua khiến công chúng băn khoăn về sự non kém, thiếu chuyên nghiệp của hoạt động đấu giá - từ khâu tổ chức khách hàng, đặt cọc, giới thiệu thông tin trước và sau triển lãm, thẩm định tác phẩm… Thậm chí, khi xảy ra sự cố, khâu xử lý khủng hoảng cũng lúng túng, yếu ớt. Đặc biệt, việc công khai danh tính các nhà giám định vốn là điều rất cần thiết, nhằm đem lại niềm tin cho người bán kẻ mua thì với một số đơn vị lại mập mờ, thiếu minh bạch.

Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ: “Nhà nước rất hoan nghênh sự ra đời của các nhà đấu giá. Tuy nhiên, vấn đề bức xúc hiện nay là chuyện thật - giả lẫn lộn. Vì thế, năng lực thẩm định tranh trở thành một trong những yêu cầu cao nhất. Song thực tế đã chứng minh, chuyên gia không phải lúc nào cũng đúng, nhất là những tác phẩm tranh Việt Nam, những nhà thẩm định nước ngoài nhiều lúc không nắm rõ phong cách nghệ thuật của tác giả chúng ta. Một số trường hợp được xác nhận ở nước ngoài, nhưng về Việt Nam mới hay đó là tranh giả”.

Cũng theo họa sĩ Trần Khánh Chương, so với các nhà đấu giá nước ngoài, các nhà đấu giá tại Việt Nam có một đặc điểm khác: chỉ đấu giá tác phẩm của họa sĩ Việt. Điều đó vừa dễ trong khâu thẩm định thật - giả; nhưng khó do số lượng tác giả, tác phẩm nhiều, nhà thẩm định không phải lúc nào cũng bao quát được. Ngoài những nhà thẩm định, họa sĩ Trần Khánh Chương gợi ý: “Trước khi đưa ra đấu giá, nhà đấu giá nên lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo việc đưa ra là chính xác”.

Ông Chương cho rằng, những nhà đấu giá cần hết sức thận trọng, bởi tạo dựng uy tín là việc khó, không nên “ăn xổi” để xảy ra những sự việc đáng tiếc. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI