Săn chuột đồng ở miền Tây có gì thú vị?

03/04/2021 - 17:35

PNO - Săn chuột đồng vốn là một hoạt động quen thuộc của đời sống người miền Tây. Qua thời gian, săn chuột đồng dần trở thành một nét văn hóa rất riêng của vùng đất này.

Có nhiều cách để săn chuột

Hình ảnh từng nhóm người í ới gọi nhau trên các cánh đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những lần bắt chuột không còn xa lạ. Qua nhiều năm canh tác và các kinh nghiệm được tích lũy, nông dân luôn biết cách phòng trừ chuột gây hại. Trong đó, các cách săn chuột đồng hiệu quả, “bách phát bách trúng” phải kể đến là tận dụng số đông để chụp chuột; dùng bẫy chuột hoặc dùng chĩa và máy bơm bắt chuột.

Săn chuột đồng sau mùa gặt
Săn chuột đồng sau mùa gặt

Tại một số tỉnh có diện tích đất trồng lúa lớn và nhiều vụ trong năm, để giảm thiểu mức độ cắn phá của loài gặm nhấm này, nông dân thường tổ chức bắt chuột nhiều lần, đặc biệt là sau mỗi mùa gặt. Với cách bắt chuột theo nhóm này, thông thường chủ ruộng cần nhiều người tham gia, có khi lên đến vài chục người. Chẳng ai bảo ai, cũng chẳng cần phải nhờ vả, bà con hàng xóm xung quanh vẫn “bố trí” người đến bắt chuột phụ. Mỗi khi đến thời điểm gặt lúa, hễ máy gặt chuẩn bị vào ruộng là thanh niên trong xóm rục rịch chuẩn bị dụng cụ đi bắt chuột.

Trước khi máy cắt đi đến từng cánh đồng để thu hoạch lúa, từng nhóm người đã có mặt sẵn sàng để bắt chuột. Thông thường, đàn ông đảm nhận nhiệm vụ đào hang chuột. Riêng phụ nữ sẽ mang theo bao để đựng chuột.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiên (ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), cho hay: “Phương pháp bắt chuột truyền thống rất đơn giản. Khi máy cắt chạy trên đồng để thu hoạch lúa, chuột sẽ chạy ra rất nhiều. Nông dân tận dụng số đông để chạy theo từng đường máy chạy qua, cứ dùng tay mà chụp chuột”.

“Số lượng chuột vô chừng, có khi lên đến vài chục ký và chuột mùa này là mập nhất. Không khí bắt chuột rất vui. Phút giây đó khiến những mệt mỏi, vất vả của đời nhà nông như tan biến”, ông Hiên nói thêm.

Thành quả của những buổi rong ruổi chụp chuột trên đồng là những bao chuột mập ú. Ai bắt được bao nhiêu cứ tự nhiên đem về nhà mình bấy nhiêu. Các chú các anh sẽ phải bẻ hết răng chuột trước khi đem vào nhà để tránh nguy hiểm còn các chị đã chuẩn bị sẵn để chế biến chuột thành các món ăn hấp dẫn.

Phụ nữ và trẻ em cũng có thể tham gia các buổi bắt chuột, chế biến chuột
Phụ nữ và trẻ em cũng có thể tham gia các buổi bắt chuột, chế biến chuột

Săn chuột đồng đã trở thành một nét văn hóa thú vị của người miền Tây. Ngoài ra, nông dân còn có thêm nhiều sáng tạo trong bắt chuột. Chẳng hạn nhiều nông dân ở Hậu Giang, Cần Thơ có cách săn chuột đồng bằng chĩa và máy bơm nước mini.

Với cách này, nông dân thường đi theo nhóm từ 4-5 người. Theo một nông dân ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, khi tìm được địa điểm nghi ngờ có chuột, một người sẽ bơm nước vào hang chuột. Lúc đó, vài người dùng chĩa đứng đợi ở cửa hang còn lại, canh chuột chạy ra khỏi hang thì nhanh chóng xiên chuột. 

Tăng thu nhập

Với cách dùng chĩa và máy bơm nước mini, việc bắt chuột trở nên dễ dàng hơn. Số lượng chuột bắt theo cách này có khi lên đến hàng chục ký mỗi ngày. Không chỉ chế biến thành các món ăn hấp dẫn cho gia đình, hôm nào bắt được nhiều chuột, nông dân sẽ đem ra chợ bán, kiếm thêm thu nhập.

Gần đây, các món ăn chế biến từ chuột đồng ngày càng được nhiều người biết đến. Tại các nhà hàng, quán ăn, những món ăn từ chuột đồng trở thành đặc sản. Chuột đồng sơ chế sẵn còn được chu du khắp nơi, Sài Gòn, Hà Nội... Nhờ vậy, nhiều người có thêm nguồn thu đáng kể từ nghề bắt chuột đồng.

Thịt chuột đồng nướng
Thịt chuột đồng nướng

Thậm chí, hiện tại bẫy chuột đồng ở vuông tôm không còn xa lạ với người dân Cà Mau và cũng trở thành một nghề kiếm thêm thu nhập. Ở những vùng nước mặn, bà con vẫn dễ dàng bắt được những con chuột đồng nhờ vào rập lồng (một loại bẫy). 

Cách làm này không cần nhiều người, việc bắt chuột cũng nhẹ nhàng hơn. Thông thường, nông dân chuẩn bị trước bẫy chuột, mồi và đi đặt rập chuột vào buổi chiều. Đến sáng hôm sau cứ việc đến chỗ đã đặt bẫy mà thu chuột về. Các địa điểm quen thuộc để đặt bẫy chuột thường là các bờ vuông tôm, bờ sông.

Bằng kinh nghiệm, người bẫy chuột sẽ biết được khu vực nào có chuột, thông qua đường chạy của chúng. Khi đặt bẫy, người ta lấy một con dao dọn cỏ, đất cho bằng phẳng; sau đó dùng cây cố định hai bên rập để khi chuột mắc bẫy sẽ không hất rập rơi xuống nước.

Anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), chia sẻ: “Chuột đồng giờ đã thành đặc sản nên đang được săn và có giá khá cao. Với nông dân địa phương, lúc nông nhàn, nhiều người cứ đem bẫy đặt xung quanh vuông tôm là dễ dàng bắt được chuột. Do chuột là loài gặm nhấm, phá hoại nên việc đi vào các vuông tôm để bắt chuột thường không bị ai phản đối”.

Cao điểm, thịt chuột đồng được thương lái thu mua với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg. Có gia đình, vào mùa con nước lên, mỗi ngày kiếm được tiền triệu từ việc săn chuột đồng.

Cũng theo người dân địa phương, sở dĩ những năm gần đây các món ăn từ chuột đồng được săn đón bởi người ta nhận ra thịt chuột rất ngon. Với đa phần cánh mày râu, thịt chuột là món khoái khẩu. Có thể điểm qua vài món ăn hấp dẫn, được dân nhậu mê mẩn: chuột nấu canh chua rau nhút cơm mẻ; chuột xào lá cách; chuột xào rau răm, đậu phộng; chuột xé phay; chuột giả cầy, bánh xèo chuột, chuột nướng chao... 

Trong các nhà hàng ở Đồng bằng sông Cửu Long có những đặc sản từ chuột được bán với giá “trên trời” như chuột quay lu, chuột nướng mọi, chuột chiên sả ớt... Trước đây còn có khô chuột, mắm chuột nhưng gần đây, do nguồn cung không còn dồi dào nên những mặt hàng này dần trở nên khan hiếm. 

An Khương

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI