Những nghiên cứu “thiên tài” cho sân chơi học đường
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa kết thúc đã khiến dư luận râm ran về những đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cộp “mác” học sinh (HS) dự thi ở sân chơi này. Từ 141 dự án của 69 đơn vị và 262 HS tham gia (THPT 113 dự án; THCS 28 dự án), cuộc thi đã tìm ra 91 dự án đoạt giải. Trong đó, 12 dự án đoạt giải nhất, 19 giải nhì, 26 giải ba và 34 giải tư.
Nhìn vào 12 dự án đoạt giải nhất, nhiều nhà khoa học không khỏi giật mình bởi độ chuyên sâu về mặt học thuật - kiến thức, tính chuyên nghiệp cao của những dự án này.
Đó là nghiên cứu thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ; nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ để định hướng phòng và điều trị xơ vữa động mạch; nghiên cứu điều trị ung thư; nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc chứa nano oxit sắt từ; nghiên cứu cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo…
|
Các cuộc thi cần được tổ chức phù hợp, hướng học sinh đến sự nghiên cứu khoa học - Ảnh: Quang Khoa (nguồn: EMG Education) |
Theo tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học và công nghệ Trường đại học Tôn Đức Thắng, đó là các chủ đề rất chuyên sâu, đòi hỏi người nghiên cứu phải có kiến thức cơ sở sâu, rộng và cập nhật trong chuyên ngành. Để có thể bắt đầu những nghiên cứu này, người làm nghiên cứu cần dựa trên một hoặc nhiều thành tựu khoa học liên quan trong quá khứ, những thành tựu khoa học này được cộng đồng khoa học thừa nhận làm nền tảng cho việc nghiên cứu sau này.
“Ngoài ra, để thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu thì rất cần thiết bị tối tân và rất nhiều nguồn lực khác. Và những chủ đề như đã nêu có thể là tiêu đề cho các luận án tiến sĩ, thậm chí có thể là các dự án nghiên cứu cấp bộ hay cấp quốc gia. Nếu chúng ta có những thần đồng có thể làm NCKH chuyên nghiệp từ bậc THPT là tín hiệu đáng mừng. Ngược lại, nếu các em bị hiểu sai hay ngộ nhận về NCKH sẽ rất nguy hiểm. Bởi, các em sẽ dễ dàng thất vọng khi hiểu ra sự thật và sẽ là một sự lãng phí rất lớn cho xã hội”, tiến sĩ Út nói.
Chưa hết, nhiều giáo viên còn cho biết dự án đoạt giải nhất của hai HS ở Ninh Bình rất giống với dự án khác đã đoạt giải nhì ở cuộc thi này hai năm trước.
Dự án có tên “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” tương tự với dự án “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân (cùng Trường THPT Hoa Lư A, giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình năm 2019) và đã giành giải nhì trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2019. Cả hai dự án đều cùng một giáo viên hướng dẫn.
Dư luận bắt đầu nghi ngờ đây có thực sự là sân chơi của HS hay những người lớn đứng phía sau?
Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình khẳng định, hai dự án dù có tên gần giống nhau nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết khác nhau. Dự án giường I.o.T giúp người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa thông qua mạng để người bệnh ăn, uống, vệ sinh, di chuyển giường chính xác, an toàn; cảnh báo kịp thời nhịp tim về email cho người thân; camera livestream tương tác truyền hình ảnh của người bệnh đến người thân…
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi với học sinh tham gia cuộc thi Ảnh: MOET |
Còn giường thông minh hỗ trợ người bệnh liệt chân, tay tự phục vụ bằng giọng nói trong việc tập, phục hồi chân, tay; cũng như tự mình bật các chức năng giải trí bằng cử chỉ há miệng (nhận diện khuôn mặt)… Hệ thống còn có chức năng theo dõi và thông báo các thông số về sức khỏe của người bệnh cho người thân thông qua phần mềm do tác giả lập trình trên điện thoại thông minh, máy tính bảng. Điểm ưu việt của giường thông minh so với giường I.o.T là người liệt chân, tay có thể phục vụ mình bằng giọng nói mà không cần sự trợ giúp của người thân.
Chưa thể kết luận hai dự án trên có cùng “cha đẻ” hay sao chép thế nào. Nhưng rõ ràng, cả hai dự án đều chứa hàm lượng kiến thức, công nghệ, tính ứng dụng cao mà không phải nhà nghiên cứu “tay mơ” có thể chạm đến, thế mà HS phổ thông có thể làm được và đoạt giải.
Cuộc chơi đang đi quá xa
Tiến sĩ Lê Văn Út cho biết: phải đến bậc cao học, người học mới được học môn phương pháp NCKH tương đối bài bản. Để hoàn thành bậc cao học, học viên phải thực hiện nghiên cứu dưới dạng luận văn. Tuy nhiên, yêu cầu nghiên cứu này nói chung cũng chỉ ở mức độ “khởi nghiệp” nghiên cứu. Đến bậc nghiên cứu sinh thì làm nghiên cứu chuyên sâu, phải có sản phẩm khoa học và có đóng góp vào chuyên ngành. Và bằng tiến sĩ còn có hàm ý chứng nhận “có thể bắt đầu làm nghiên cứu”.
“Có thể thấy, việc các HS THPT có thể NCKH một cách thực thụ và cho ra những kết quả nghiên cứu chuyên sâu là vấn đề rất đáng quan tâm. Quan tâm về sự trung thực và hiệu quả (hoặc hậu quả) của một sân chơi dành cho học trò. NCKH vốn không có giới hạn về độ tuổi. Các bạn trẻ ngày nay càng có năng lực và sự nhạy bén để làm nghiên cứu, chế tạo. Nhưng nhiều dự án khiến chúng tôi lo lắng, rằng những nghiên cứu, sản phẩm đó không xuất phát từ sự đam mê, ý tưởng và nghiên cứu thực chất của tự thân các em”, tiến sĩ Út nói.
|
12 dự án đoạt giải nhất Ảnh: MOET |
Cuộc thi nhằm khuyến khích HS trung học NCKH, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động NCKH kỹ thuật của HS. Nếu giữ nguyên ý nghĩa thì đây là cuộc thi tuyệt vời, nhưng qua chín năm tổ chức, dường như các nhà giáo đang đưa cuộc chơi đi theo một hướng khác. Thay vì đặt dấu ấn nghiên cứu sơ khởi của học trò thì vòng chung kết của sân chơi này chỉ còn sót lại những đề tài mang đậm dấu ấn… giáo viên hướng dẫn.
A.T., từng đại diện trường đi thi, kể nhóm nghiên cứu thường được thầy cô định hướng một số đề tài, vạch ra hướng tiếp cận, nguyên lý; HS tham gia vào các công đoạn thực nghiệm, viết thuyết minh dưới sự giám sát của thầy cô…
Tại TP.HCM, cuộc thi ở cấp trường nhiều nơi vẫn giữ được bản chất của phong trào HS NCKH, trò lên ý tưởng và thực hiện, thầy hướng dẫn, chỗ nào chưa biết hỏi lại, đúng kiểu học mà vui. Nhưng những đề tài này thường không có khả năng đi sâu vào các cuộc thi, nhất là từ cấp tỉnh, thành lên quốc gia.
Trước thông tin có những đề tài vĩ mô có thể là tiêu đề cho các luận án tiến sĩ, có dấu hiệu sao chép đề tài đoạt giải, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết: sản phẩm của NCKH là dự án, nhưng quan trọng hơn là sản phẩm con người, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho HS.
Tham gia NCKH, HS không chỉ được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một vấn đề cụ thể mà qua đó phát triển tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, kỹ năng thuyết trình, phản biện và làm việc nhóm.
Trong quá trình thực hiện, các em không làm một mình mà cần có môi trường để triển khai. Trong môi trường đó có sự hỗ trợ của giáo viên, cha mẹ trong việc hướng dẫn quy trình nghiên cứu, thực hiện, lựa chọn đề tài, hay là những người thợ hỗ trợ các em trong việc gia công sản phẩm.
Những ý tưởng mới, cách xử lý vấn đề để đạt những kết quả mới thì chắc chắn phải là của HS. Không chỉ thế, cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp trong gần một thập niên qua đã thu hút hàng ngàn HS tham gia, trong đó có cả các em ở vùng khó khăn. Điều đó khích lệ, tạo động lực để giáo viên, HS cùng đổi mới dạy học.
Còn về việc những đề tài bị nghi ngờ sao chép ý tưởng, lặp lại, ông Thành cho rằng, những vấn đề nóng tất nhiên luôn được quan tâm và không ngừng được nghiên cứu, có rồi thì nghiên cứu tốt hơn. Ban giám khảo gồm nhiều nhà khoa học đã làm việc cẩn trọng và bám sát các tiêu chí chấm nghiêm túc.
Sở dĩ nhiều người thấy các đề tài dự thi có vẻ giống nhau là do cách đặt tên đề tài đề cập cùng một vấn đề, đôi khi chỉ khác nhau vài chữ. Nhưng những người hiểu biết về lĩnh vực đều thấy, vài chữ khác nhau đó trong tên đề tài chính là điểm mới, điểm khác biệt mà các dự án hướng đến.
|
Tiêu Hà