Sân bay khó hạ cánh đến mức chỉ có 50 phi công đủ khả năng

19/09/2024 - 21:54

PNO - Sân bay quốc tế Paro của vương quốc Bhutan được coi là một trong những nơi hạ cánh máy bay khó nhất trên thế giới về mặt kỹ thuật.

Sân bay này có đường băng ngắn nằm giữa 2 ngọn núi cao nên phi công chỉ nhìn thấy đường băng từ trên không khi sắp hạ cánh. Họ phải hạ cánh thủ công, không có radar. Bay đến đây, phi công phải biết địa hình xung quanh sân bay, chỉ cần có sai sót nhỏ thì có thể hạ cánh trên... nóc nhà của ai đó. Cho nên, phi công phải được đào tạo đặc biệt và hiện nay chỉ có 50 phi công đủ khả năng đáp xuống sân bay này.

Sân bay quốc tế Paro có 1 đường băng dài 2.265 m - Ảnh mtcurado/iStockphoto/ Getty Images
Sân bay quốc tế Paro có 1 đường băng dài 2.265m - Ảnh: mtcurado/iStockphoto/Getty Images

Cơ trưởng Chimi Dorji, người đã làm việc 25 năm tại hãng hàng không quốc gia Bhutan, Druk Air cho biết: “Paro khó bay, đòi hỏi phi công phải có kỹ thuật cao, nhưng nó không nguy hiểm vì nếu nguy hiểm, tôi đã không bay”.

Tất cả các máy bay từ các nước đến Paro phải hạ cánh trước buổi trưa để đảm bảo an toàn. Theo cơ trưởng Dorji, buổi sáng thời tiết êm ả thích hợp cho đáp xuống sân bay. Sau trưa thì có gió mạnh và nhiệt độ tăng cao nên chỉ dành cho cất cánh. Đặc biệt, Paro không có chuyến bay đêm nào vì thiếu radar.

Đường băng sân bay chụp từ trên không - Ảnh: fotofritz16/iStockphoto/Getty Images
Đường băng sân bay chụp từ trên không - Ảnh: fotofritz16/iStockphoto/Getty Images

Hiện nay, Paro đón các chuyến bay từ New Delhi (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan), Kathmandu (Nepal). Trong vòng vài năm tới, có thể sẽ có các chuyến bay thẳng từ Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông tới Bhutan.

Bhutan nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, có hơn 97% là núi. Thủ đô Thimpu của Bhutan cao 2.350m so với mực nước biển, Paro thì thấp hơn một chút, cao 2.250m. Paro là thị trấn ở miền tây Bhutan, nằm trong thung lũng Paro. Sân bay Paro là sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan.

B. Xuân (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI