Sấm vang dòng Như Nguyệt: Nỗ lực của một sân khấu xã hội hóa

12/06/2024 - 06:59

PNO - Sân khấu xã hội hóa Chí Linh - Vân Hà vừa công diễn vở "Sấm vang dòng Như Nguyệt" (tác giả: Yến Ngân, đạo diễn: Chí Linh). Khá lâu rồi, sân khấu cải lương tuồng cổ mới lại có một tác phẩm đề tài lịch sử hoàn toàn mới và rất đáng xem.

Trẻ trung, mới mẻ

Sấm vang dòng Như Nguyệt khai thác giai đoạn 2 trong cuộc chiến tranh Tống - Việt (1075-1077), về chiến công của quân và dân Đại Việt trước quân xâm lược nhà Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu, tỉnh Thái Bình hiện nay). Dưới sự chỉ huy tài tình của thái úy Lý Thường Kiệt và sự dũng lược của binh tướng nhà Lý, chiến thắng Như Nguyệt đã đập tan mộng xâm lăng, buộc nhà Tống công nhận chủ quyền Đại Việt.

Giai đoạn lịch sử này từng quen thuộc với khán giả mộ điệu qua vở diễn nổi tiếng Câu thơ yên ngựa trên sân khấu đoàn Minh Tơ. Nếu Câu thơ yên ngựa chủ yếu khai thác âm mưu chốn hậu cung triều Lý gây “nội loạn” thì Sấm vang dòng Như Nguyệt kể chuyện trên chiến trường. Những mưu tính quân sự, tâm tư 2 bên tham chiến hiện lên sinh động, tạo sự khác biệt, hấp dẫn.

Sấm vang dòng Như Nguyệt là vở cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử hoàn toàn mới
Sấm vang dòng Như Nguyệt là vở cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử hoàn toàn mới

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Hà Minh Hồng - Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - trong lịch sử, “án binh bất động” thường chỉ được nhắc qua hoặc ghi lại vài dòng ngắn gọn nhưng ở đây, vở diễn đã lấy việc “án binh bất động” làm mạch chính với kịch tính xuyên suốt nhiều màn. “Rõ ràng, đấy là các tình tiết hư cấu, nhưng đều đảm bảo dòng chính của lịch sử” - ông Hà Minh Hồng nhận định.

Xem vở, khó ai ngờ rằng, đây là kịch bản của một tác giả gần như không chuyên. Yến Ngân hiện là nhân viên kế toán một công ty nước ngoài, viết tuồng đúng nghĩa là vì đam mê. Sấm vang dòng Như Nguyệt chỉ là kịch bản thứ hai của Yến Ngân được dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp và là lần đầu cô thử sức ở đề tài lịch sử.

“Trước khi viết tuồng, tôi cũng là khán giả, coi tuồng sử Việt cứ thấy… tức mình vì chỉ diễn tới khúc chuẩn bị đánh, lễ xuất quân là hết hoặc chỉ thêm được tiếng báo tin thắng trận rồi cảnh chào mừng đoàn quân chiến thắng. Diễn biến chiến trường, cảnh đánh trận với các mưu lược, kịch tính… ra sao thì không thấy. Tôi biết quân mình chiến thắng, lại càng muốn biết vì sao mà thắng. Từ tâm lý đó, ở Sấm vang dòng Như Nguyệt, tôi thử viết luôn cả phần đánh trận đến toàn thắng xem hiệu ứng như thế nào” - Yến Ngân chia sẻ.

Thêm sự dàn dựng của đạo diễn Chí Linh, Sấm vang dòng Như Nguyệt thực sự là một khúc ca đầy hào khí và đậm chất thanh xuân. Tác phẩm không chỉ khắc ghi một chiến công oanh liệt trong lịch sử dân tộc mà qua đó nêu cao hình ảnh những người trẻ yêu nước.

Dù lỗ vẫn làm

Sấm vang dòng Như Nguyệt là tác phẩm đề tài lịch sử đầu tiên, tạo dấu ấn mới cho sân khấu Chí Linh - Vân Hà. Với một sân khấu xã hội hóa chuyên diễn tuồng cổ thì việc dựng tuồng sử là nỗ lực lớn. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vân Hà cho biết, sân khấu có lượng khán giả khá ổn định. Tuy nhiên bao năm qua, chỉ duy nhất vở Trung liệt Dương gia tướng bán hết vé. Dù các nghệ sĩ ngôi sao chỉ nhận thù lao tượng trưng nhưng vở chỉ lời được… 5 triệu đồng. Các vở còn lại ít nhiều đều phải bù lỗ.

Vở diễn quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ với các vai diễn gây bất ngờ cho người xem.
Vở diễn quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ với các vai diễn gây bất ngờ cho người xem

Vì thế, đề tài lịch sử càng là nỗi trăn trở khi chi phí dựng cao hơn nhiều so với tuồng Trung Hoa mà khả năng doanh thu lại thấp. “Làm vở sử Việt, luôn phải chuẩn bị tinh thần bù lỗ nhiều hơn bình thường. Với Sấm vang dòng Như Nguyệt, theo tính toán ban đầu, nếu bán hết vé thì lỗ khoảng 70-100 triệu đồng” - NSƯT Vân Hà chia sẻ.

NSƯT Vân Hà nói, sau khi bồi dưỡng lớp diễn viên thì sân khấu Chí Linh - Vân Hà bắt đầu chú ý đến lực lượng sáng tác trẻ. Được sự giới thiệu của nghệ sĩ Hoàng Hải, NSƯT Chí Linh đã dàn dựng kịch bản đầu tay của Yến Ngân là Lan Lăng vương nhập trận khúc. Vở diễn mới mẻ và hấp dẫn, được khán giả lẫn báo chí đánh giá cao.

“Qua Lan Lăng vương nhập trận khúc, có thể thấy Yến Ngân có tư duy biên kịch, kỹ tính, biết lắng nghe và tiếp thu góp ý nên chúng tôi cũng động viên bạn viết thêm. Năm rồi, Yến Ngân có 2 kịch bản, trong đó có Sấm vang dòng Như Nguyệt. Kịch bản có ý tưởng, có kịch tính, phù hợp dựng sân khấu” - NSƯT Vân Hà kể.

Để có được tác phẩm hoàn chỉnh ra mắt công chúng, đạo diễn Chí Linh đã góp ý chỉnh sửa nhiều để hoàn thiện kịch bản. Yến Ngân cho biết, quá trình làm việc cùng đạo diễn Chí Linh đã giúp mình học hỏi nhiều điều, nhất là việc bổ sung kiến thức về bài bản cải lương, các tình huống đặt bài ca và cách hành văn gần gũi, đời thực. “Các bạn trẻ đam mê sáng tác có thể gửi kịch bản đến sân khấu Chí Linh - Vân Hà. Chúng tôi sẵn sàng đọc và góp ý, hướng dẫn cũng như chọn lọc. Nếu kịch bản đạt yêu cầu và phù hợp sẽ sử dụng” - NSƯT Vân Hà nói.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI