Theo một báo cáo mới đây của Trường đại học Andrew, trong năm 2018, có khoảng 40 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, đạt 8 tỷ USD. Vị chi trung bình mỗi người tiêu khoảng 210 USD/năm cho hoạt động này.
Đến năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu doanh số thương mại điện tử sẽ tăng thêm 20%, đạt 10 tỷ USD/năm. Ước tính mỗi người Việt sẽ dành khoảng 350 USD/năm cho việc mua sắm qua mạng. Đây là con số chứng minh Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á. Người tiêu dùng ngày càng yêu thích mua sắm trực tuyến bởi sự tiện lợi, đa dạng, nhiều ưu đãi, chương trình hậu mãi đi kèm.
Còn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Dù mua sắm trực tuyến đang phát triển với tốc độ nhanh nhưng người tiêu dùng vẫn còn nhiều điểm chưa hài lòng. Thường gặp là chất lượng hàng hóa khác xa so với mẫu mã quảng cáo, chi phí vận chuyển cao, dịch vụ chăm sóc khách hàng còn kém.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cục thường xuyên nhận được phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng nhà bán hàng cung cấp sai lệch thông tin về sản phẩm. Ví dụ có khách hàng mua USB 256GB nhưng nhận được USB 128GB; hàng xuất xứ Trung Quốc nhưng thông tin là hàng Nhật, Mỹ…
Không ít khách hàng phản ánh, các trang thương mại điện tử vẫn còn “ăn gian làm dối” khi không điều chỉnh thông tin khuyến mãi; giao hàng hư hỏng cho khách nhưng khi khách khiếu nại thì từ chối hoặc đổ lỗi cho người tiêu dùng, đơn vị vận chuyển.
Đó là chưa kể những rủi ro tiềm ẩn khác. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết, kênh mua sắm trực tuyến phổ biến của người tiêu dùng là Facebook và Zalo (chiếm đến 66%), tiếp đến mới là các trang thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki… Trong khi đó, Facebook và Zalo lại là kênh mua sắm tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất, người tiêu dùng chỉ liên lạc với người bán qua điện thoại hoặc một địa chỉ trang.
Sau khi thanh toán, không ít người tiêu dùng không nhận được hàng hoặc nhận hàng hoàn toàn khác so với quảng cáo, ví dụ gần đây nhất là mua điện thoại nhưng nhận được hộp đựng một viên gạch. Sau khi bán hàng, người bán lập tức chặn điện thoại, facebook của người mua… Thậm chí khi lượng người tiêu dùng khiếu nại lớn hoặc cơ quan quản lý vào cuộc, người bán lập tức bỏ số điện thoại, tài khoản facebook…
Người tiêu dùng còn đứng trước rủi ro mua phải hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng khi chọn mạng xã hội làm kênh mua sắm chính.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, thậm chí là các sàn thương mại điện tử đang là kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
Thậm chí tình trạng lừa đảo còn xảy ra ngay trên các trang thương mại điện tử chính thống. Các nhà bán hàng lợi dụng các trang này để quảng cáo, khi khách đặt hàng sẽ giao riêng sản phẩm mà không qua hệ thống vận chuyển của các trang thương mại điện tử.
Như trường hợp anh P.P.K. (ngụ Q.3, TPHCM) đặt mua điện thoại OPPO Pro 128GB trên một trang thương mại điện tử. Sau khi thanh toán, mở sản phẩm, anh K. phát hiện điện thoại không lên nguồn, bị cắt lớp bao bì, cục sạc không có logo của thương hiệu. Anh K. phản ánh đến trang thương mại điện tử thì được trả lời rằng có dấu hiệu giả mạo bên ngoài hệ thống để lừa đảo người dùng.
Làm người mua sắm trực tuyến thông thái
Để mua sắm trực tuyến thực sự là hình thức mua sắm mang lại nhiều tiện ích, bên cạnh nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng cần chủ động tiêu dùng thông thái và tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này.
Trước khi mua một sản phẩm qua kênh trực tuyến, bạn nên tập thói quen sử dụng công cụ tìm kiếm kèm các từ khóa “nhận xét”, “chất lượng”, “có tốt không”, “lừa dối”, “lừa đảo”… Nếu thấy xuất hiện những dòng nhận xét không tốt trong mục kết quả thì nên cân nhắc. Bạn cũng nên tìm hiểu giá ở nhiều trang hoặc vào website so sánh giá để kiểm tra. Có thể xem thêm bên dưới trang quảng cáo xem sản phẩm có được đăng ký thông báo với Bộ Công thương hay không. Không có chuyện một sản phẩm là đồng hồ Rolex mà chỉ có giá 500.000 đồng hoặc cặp kính mát Gucci lại có giá 399.000 đồng.
Gần đây, để kích cầu tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử và các website bán hàng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi bằng các mã giảm giá. Người tiêu dùng cần cẩn trọng với những website yêu cầu người dùng tải phần mềm hoặc điền các thông tin tài chính, cá nhân để nhận mã giảm giá, do tiềm ẩn nhiều rủi ro bị đánh cắp thông tin cá nhân để thực hiện các hành vi bất chính. Người tiêu dùng có thể kiểm tra mã giảm giá này bằng các công cụ tìm kiếm trên google với cú pháp: tên công ty “giảm giá”, “voucher”, “miễn phí giao hàng”... để xem có đúng của đơn vị bán hàng không.
Khi thanh toán trực tuyến, khách hàng cần cẩn trọng với việc chuyển tiền trước nhận hàng sau, nhất là tại các website lạ. Nên chọn trang bắt đầu bằng “https” (chữ “s” là viết tắt của “security”, dịch sang tiếng Việt là an toàn).
Các sàn thương mại điện tử đều có quy định đổi trả nếu sản phẩm có sự cố, không đúng như quảng cáo, việc đọc kỹ các điều khoản và điều kiện, chính sách đổi trả, dịch vụ hậu mãi là rất cần thiết. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền lợi khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần có ý kiến đến các sàn thương mại điện tử hoặc vào website online.gov.vn (hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương) để báo cáo vi phạm hoặc liên hệ tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng: 1800.6838, địa chỉ email: bvntd@moit.gov.vn.
Nhận diện những “cái bẫy” khi mua sắm online
Giả Facebook bán hàng có uy tín
Các đối tượng lừa đảo này theo dõi, tìm hiểu rất kỹ các shop bán hàng online có uy tín, đông khách mua. Những kẻ này lập Facebook giả y hệt người bán, tìm cách kết bạn với càng nhiều người quen của người bán càng tốt, rồi kết bạn với nhóm khách hàng có nhu cầu mua sắm cao để “săn mồi”.
Vờ giảm giá
Đối tượng đăng tin bán sản phẩm chỉ bằng 30 - 50% so với giá thị trường nhưng yêu cầu người mua chuyển trước 50% giá trị tiền hàng. Sau đó, đối tượng điện thoại thông báo tới người mua rằng đăng nhầm và đưa giá mới cao bằng hoặc hơn giá trên thị trường. Vì đã trót chuyển tiền nên người mua đành chấp nhận giá mới.
Nhận tiền cọc rồi… biến mất
Những người bán này thường giảm giá sản phẩm ở mức rất sốc, rồi giục người mua chuyển khoản trước để giữ hàng, nếu không sẽ không mua được giá đó. Thậm chí, họ còn cử đồng bọn giả làm nhân viên dịch vụ giao hàng, gọi cho khách hàng xác nhận địa chỉ và thời gian giao hàng. Người mua thấy sản phẩm của mình sắp được giao, giá lại rẻ, sợ chậm chân sẽ mất “món hời” nên vội vàng chuyển tiền và rồi đợi mòn mỏi mà chẳng nhận được hàng.
Đánh cắp thông tin khách hàng
Facebook của người kinh doanh qua mạng có uy tín luôn bị các đối thủ kinh doanh chầu chực theo dõi. Hễ ai comment hay like bài viết giới thiệu sản phẩm liền được nhóm đối tượng này kết bạn Facebook, rồi nhắn tin “rỉ tai” rằng có bán sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn.
|
Thanh Hoa