'Saigon': Mở - khép phức cảm 40 năm

24/09/2018 - 15:50

PNO - Cánh cửa bật tung ra rồi đập vào, đung đưa cho tới khi im ắng có lẽ là hình ảnh ám ảnh nhất trong vở kịch Saigon của Caroline Guiela Nguyễn, hé lộ thân phận những con người bị mắc kẹt giữa hai nền văn hóa.

40 năm trên sân khấu Saigon

Sau nhiều tháng chờ đợi, vở kịch Saigon từng làm lay động Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon 2017 cũng “về” tới Sài Gòn. Hai suất diễn tại Nhà hát Bến Thành ngày 21, 22/9 cháy vé từ rất sớm.

Tác phẩm đề cập tới một giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt, ít được nhắc đến ở Pháp cũng như Việt Nam: sau chiến tranh Đông Dương vào năm 1956, những người Pháp cuối cùng buộc phải rời khỏi Việt Nam cho tới năm 1996, những người Việt sống ở nước ngoài được phép trở về nước.

'Saigon': Mo - khep phuc cam 40 nam
Saigon nói về giai đoạn hậu thuộc địa ít được đề cập trong lịch sử

Một nhà hàng Việt Nam được chọn làm bối cảnh sân khấu duy nhất cho toàn bộ câu chuyện, ở Pháp và cả ở Sài Gòn; trở thành điểm “hò hẹn” của những nỗi niềm di dân, nơi gặp gỡ, hoài niệm, chia ly, giận hờn, trách cứ. Suốt 40 năm đó, họ vẫn âm thầm sống với nỗi đau xa xứ của mình.

Caroline Guiela Nguyễn nói: “Saigon là nơi chất chứa những câu chuyện kể về sự ra đi và tha hương”, là “nơi hiện hữu sự thiếu vắng người thân trong nhiều gia đình”. Xem kịch, tôi cứ vương vấn mãi với chi tiết, khi cô con gái hỏi: “Việt kiều nghĩa là gì?”, nhân vật Hào đã phải suy nghĩ một hồi lâu mới trả lời: “Việt kiều là người Việt ở nước ngoài”. Chỉ đơn giản thế thôi sao? Chắc chắn là không.

Bà chủ nhà hàng Marie Antoinette nhớ người con trai đi lính đã mất, tối nào cũng khóc thầm ở góc bếp. Ông Hào - người hát trong các quán bar cho người Pháp, mấy chục năm đã qua, vẫn nhớ thương hình bóng người yêu cũ; 40 năm, hồi hương, Sài Gòn trở nên xa lạ, ông cảm thấy “lạc nhịp”.

Đó còn là Linh, hào hứng di cư sang Pháp cùng anh lính trẻ Edouard và vỡ mộng về “miền đất hứa”; về già, Linh trở nên “câm lặng”, đến mức đứa con trai không thể nào hiểu nổi mẹ… Những câu chuyện cứ thế đan cài, năm 1956 - năm 1996 đảo qua đảo lại, tiếng Pháp - tiếng Việt đan xen, người Pháp - người Việt, cánh cửa trên sân khấu cứ mở ra khép vào… suốt hơn ba giờ đồng hồ.

40 năm có thực

Để thực hiện vở kịch này, Caroline cùng các cộng sự đã đến Sài Gòn để “cảm” Việt Nam, rồi trở về Pháp khai thác thêm tư liệu của cộng đồng Việt kiều tại quận 13, Paris. Những câu chuyện trong Saigon được dựng lên từ các chi tiết, những chuyện có thật của các di dân sống trong giai đoạn biến động đó.

'Saigon': Mo - khep phuc cam 40 nam
Vợ chồng diễn viên Trần Nghĩa Hiệp - Trần Nghĩa Ánh

Trần Nghĩa Ánh (vai Marie Antoinette) sinh năm 1944 tại Tây Ninh, di cư sang Pháp vào năm 1968 với chút tiếng Pháp ít ỏi. Trước khi chuyển sang làm diễn viên, bà từng là chủ một nhà hàng Việt duy nhất trên đất Laon, tỉnh Aisne, từ năm 1979 tới năm 1990.

Bà nhớ lại: “Lúc mới sang, nhớ cha mẹ, nhớ người yêu, buồn dữ lắm. Thèm cơm không có mà ăn. Một ký cà rốt giá bao nhiêu cũng không biết nói. Mình nói tiếng Pháp nhưng giọng Việt rặt nên người ta nghe không hiểu. Giờ ngoảnh lại đã nửa thế kỷ rồi”.

Chồng bà, ông Trần Nghĩa Hiệp (vai Hào), sinh năm 1942 tại Tây Ninh, mồ côi cha năm 4 tuổi, được mẹ cho đi học trường Pháp từ bé nên lớn lên mong đi Pháp để “xem có gì khác không”.

Sang Pháp vào năm 1964, ông vừa đi học vừa phải đi rửa chén thuê, hát ở các quán ăn, nhà hàng Pháp để có tiền sinh hoạt. “Thời đó, người Pháp vẫn nhìn người Việt bằng tâm thế cao hơn, không coi người Việt ra gì, bị bóc lột nhiều lắm” - ông Hiệp nhớ lại.

Hai ông bà sống trong căn nhà rộng chừng 80m2 với nhiều cây cối, hoa lá. Dù ở Pháp, cách bài trí, trang hoàng nhà cửa, thói quen sinh hoạt… vẫn đậm chất Việt Nam. Đó là lý do mà Caroline Guiela Nguyễn đến thăm rồi “phải lòng khung cảnh rất Việt Nam ấy”. Gia đình ông bà vẫn thờ tổ tiên. Hằng ngày, bà Ánh làm những món ăn Việt như thịt kho, bánh cuốn, bánh xèo, muối dưa cà… cho cả nhà.

Ông bà có một người con trai, đi làm xa nhà, không thường liên lạc với cha mẹ. Hôm anh đi xem Saigon về, đã khóc rất nhiều. Sau đó, cứ 2-3 ngày, anh lại gọi điện về nhà cho mẹ. Bà Ánh nói, nỗi nhớ thương mà bà thể hiện trong tác phẩm là nỗi nhớ thương thực của bà, nên bà không cần phải diễn. Ngoài sao, lên sân khấu vậy.

Đảm nhiệm vai Linh lúc già là bà Nguyễn Thị Mỵ Châu, sinh năm 1953 tại Sài Gòn, đến Pháp năm 1969. Thụ hưởng nền giáo dục - văn hóa Pháp từ bé, sống ở Pháp 50 năm, tới nay, nỗi hoài niệm về Việt Nam trong bà vẫn rất mãnh liệt và rõ ràng. Hôm gặp bà Châu, nghe bà kể vanh vách về những tác phẩm văn chương Việt, về nhà thơ Nguyễn Công Trứ, về những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng… cũng đủ thấy bà nặng tình với quê hương như thế nào. Còn nhớ, bà cứ hỏi đi hỏi lại, không biết ở Sài Gòn bây giờ người ta bán cà phê vợt ở đâu. Khi qua Pháp, bà nhớ nhất mùi vị đó.

Năm 1989, bà Châu thành lập đoàn kịch La Graine d’Or, chuyên dựng các vở kịch chuyển thể từ chuyện cổ tích Việt Nam. Bà cũng điều hành một “Salon Nghệ thuật” từ năm 1999 tới năm 2015.

Saigon là sân khấu, nhưng cũng là cuộc đời. Họ đã gửi gắm ở đó ký ức, niềm hồi cố, những vết thương, những nỗi đau âm ỉ suốt cuộc đời tha hương. Nói như Caroline Guiela Nguyễn, họ là những người Việt trên đất Pháp và người Pháp trên đất Việt. Những phân đoạn xúc động nhất, cũng là những phân đoạn được thể hiện bởi những diễn viên Việt kiều này.

“Ở những nơi vở Saigon đi qua, nhiều khán giả đã bật khóc, nói rằng, những điều tác phẩm nói đến cũng chính là cuộc đời họ, dù là ở Đức với người Thổ Nhĩ Kỳ, Tiệp Khắc hay Hà Lan với người Indonesia… Nơi nào cũng có những người bỏ xứ ra đi mà lòng cứ nhớ thương nguồn cội. Đó là điều đặc biệt nhất mà tác phẩm của Caroline Guiela Nguyễn mang lại. Nhắc đến giai đoạn lịch sử này, người ta hay nói đến chiến tranh, đánh trận, đến những điều có vẻ… vĩ mô, to tát. Saigon lại nói tới những điều hiếm ai nhắc: cuộc sống của những con người bị mắc kẹt giữa những nền văn hóa, bằng một cách tinh tế, cụ thể, xúc động, gần gũi”.

Diễn viên Trần Nghĩa Hiệp

Cái hay và cái đáng tiếc của Saigon

Sân khấu được thiết kế đẹp mắt, gợi cảm giác gần gũi, chân thật, sống động. Vở kịch có nhiều lát cắt chồng ghép vào nhau; không gian, thời gian đồng hiện trên cùng một sân khấu, giàu tính điện ảnh. Tình ca Pháp, nhạc boléro, nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn điểm xuyết một cách hoàn hảo, dẫn dụ cảm xúc, gợi không khí hoài niệm. Những phận đời trôi nổi, lưu lạc theo dòng chảy lịch sử, nhiều giọt nước mắt đã rơi, tìm nhau trong đơn côi, run rẩy. Vở kịch nói về một câu chuyện cũ nhưng cách thể hiện mới mẻ, đương đại.

Tuy nhiên, trong một không gian quá rộng như Nhà hát Bến Thành, việc diễn viên nói “chay”, không dùng micro, khiến nhiều khán giả ngồi xa sân khấu không nghe rõ, khiến việc tiếp cận mạch truyện, tinh thần tác phẩm bị gián đoạn ít nhiều. Trong khi đó, thời lượng vở diễn quá dài (hơn ba giờ đồng hồ). Có một số chỗ còn lê thê, dài dòng. Có những nhân vật, như Mai - người yêu Hào “hơi thừa”, không cần thiết trên sân khấu.

Tất nhiên, có thể đây là dụng ý nghệ thuật của Caroline Guiela Nguyễn. Nếu quả thực vậy, Saigon sẽ là một tác phẩm thách thức khả năng thưởng thức của công chúng Việt Nam, ít nhất qua hai suất diễn kín rạp vừa qua.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI