Do mưa lớn kéo dài, ngày 9/12, TP.Đà Nẵng hứng chịu trận ngập được xem là nặng nhất trong nhiều thập niên qua.
Cư dân thành phố sốc
Từ rạng sáng 9/12, mưa nặng hạt trút xuống Đà Nẵng. Tiếp đó, nước bắt đầu dâng lên khắp các con đường, ngõ ngách. Khoảng 3-4g sáng, người Đà Nẵng hốt hoảng chạy lụt. Nhóm (group) “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - xanh - sạch - đẹp” trên Facebook do chính quyền TP.Đà Nẵng quản lý tràn ngập các hình ảnh ngập lụt được cư dân thành phố đăng lên. Họ nói sốc vì có những nơi chưa bao giờ biết nước ngập là gì, nay ngập nặng. Có người miêu tả nước ùn ùn từ ống cống tràn vào nhà, chặn không kịp. Cả thành phố nhộn nhạo.
|
Người dân TP.Đà Nẵng bơi thuyền giữa phố |
Rạng sáng, dân Đà Nẵng choáng váng khi quanh mình mênh mông nước. Nước tràn từ sông Hàn vào các đường 2 Tháng 9, Tống Phước Phổ, Hàm Nghi, Hùng Vương, Lê Duẩn… Nhiều khu dân cư đông đúc khác như khu vực ngã ba Huế, quanh bờ hồ Hàm Nghi, Phan Thanh, nước tràn vào nhà dân. Các khu trọ sinh viên, công nhân khốn khổ khi nước lên quá mép giường. Hàng loạt ô tô đậu khắp các tuyến đường bị nước nhấn chìm la liệt, giao thông ách tắc.
Chị Như Hoài - ở dãy trọ số H101/04 kiệt 1 đường Phạm Như Xương, Q.Liên Chiểu - cho biết: “Nước bắt đầu ngập vào khu nhà trọ từ 8g sáng nay. Do các nhà đều là nhà trệt cấp 4, nên nước đến đâu, phải chạy kê đồ đến đó. Chúng tôi phải tận dụng mặt bàn, trần tủ để kê đồ đạc, vừa dọn đồ, vừa kiếm gói mì tôm ăn khô cầm hơi vì không có điện, không có gas để nấu, cũng không thể lội nước ra ngoài. Tôi ở đây đã mấy năm nhưng chưa từng thấy cảnh này”.
* Bờ biển Mỹ Khê bị xé toạc, đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt
Đến tối 9/12, mưa vẫn rất lớn ở Đà Nẵng. Các tuyến phố tiếp tục ngập nặng. Bờ biển bị xé toạc do mưa to kéo dài kèm sóng lớn. Đường sắt đi qua thành phố cũng bị sạt lở, nhiều đoàn tàu Bắc - Nam tê liệt.
|
Chị Lam Phương - ở trọ trên đường Tôn Đức Thắng, tổ 23, P.Hòa Khánh Nam, tại Q.Liên Chiểu - cho biết, dãy trọ ở đây có tầng trên nên mọi người ở tầng trệt vác đồ đạc chạy lên tránh nước từ 7g sáng, nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ ở tầng trệt xin di tản lên tầng trên.
Vào khoảng 8g40 sáng 9/12, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Q.Hải Châu đã phải điều động lực lượng để cứu 4 phụ nữ tại ngôi nhà số 640/10 Trưng Nữ Vương. Khi tới hiện trường, tuyến đường trước nhà nước ngập sâu hơn 1m và chảy xiết. Chiến sĩ của đội phải bơi vào để tiếp cận. Lúc này, 4 phụ nữ trong ngôi nhà đang rất hoảng loạn vì ngoài đường nước chảy xiết, trong khi nước trong nhà ngày càng dâng cao. Họ chỉ biết trèo lên gác lửng ngồi và điện thoại cho đội cứu nạn.
Ông Đặng Công Tâm - Chủ tịch UBND P.Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu - cho hay, tại khu vực ngập sâu nhất của phường nằm sau kiệt 640 Trưng Nữ Vương, nước đã lên tới cổ. Một hộ dân sống trong khu vực bị ngập nặng, nhà chỉ có người mẹ và đứa con trai 4 tuổi đã được lực lượng cứu hộ giải cứu thành công, đưa về trụ sở UBND phường để chăm sóc. Những hộ dân có nhà cấp 4 đã được vận động tìm nơi trú tránh an toàn.
|
Nhiều tuyến phố ở TP.Đà Nẵng ngập sâu, ô tô bị nhấn chìm la liệt |
Sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã vào tận nhà đưa nhiều trẻ nhỏ về trụ sở UBND phường. Hiện các bé được chăm sóc, nghỉ ngơi tại đây. Năm sinh viên ở trọ tại khu vực này cũng được đưa đến phường để trú ngụ vì phòng trọ ngập quá cao. Ông cho biết thêm, nếu nước không rút, phường sẽ tổ chức đưa thức ăn tới từng hộ bị cô lập, đồng thời đề nghị hỗ trợ ca-nô để tới tận nhà dân cứu những người trong các nhà bị ngập nặng.
Trước tình hình mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông Nguyễn Hiền và Trường tiểu học Phan Đăng Lưu (Q.Hải Châu) thông báo cho học sinh nghỉ học ngày 10/12, do hai trường này bị ngập sâu tới 1,5m. Đối với các trường khác, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Đà Nẵng cho biết, vẫn đang theo dõi sát tình hình để có kế hoạch thông báo cho học sinh nghỉ học vì theo dự báo, mưa lớn còn kéo dài trong vài ngày tới.
Quy hoạch sai, chỉ mưa đã ngập nặng
Đến cuối chiều 9/12, nước vẫn ngập sâu khắp TP.Đà Nẵng. Theo báo cáo của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP.Đà Nẵng, nhiều tuyến phố chính của TP.Đà Nẵng ngập từ 0,3m đến hơn 0,6m. Ngập nặng nhất là tại các nút giao Hàm Nghi - Hùng Vương - Hoàng Hoa Thám, Lê Đình Lý - Nguyễn Văn Linh, Núi Thành - Duy Tân, Đống Đa - Lý Tự Trọng... Lực lượng cảnh sát giao thông, công an các quận, huyện được tăng cường cắm chốt ở những điểm ngập để ngăn người dân đi qua, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho biết, qua kiểm tra, một lượng rác thải lớn như bao ni-lông, chăn màn, áo quần bị cuốn ra biển. Trong thành phố, nhiều tuyến cống bị rác thải sinh hoạt bít cửa khiến nước thoát không kịp. Để xử lý tạm thời, ngay sáng 9/12, UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương huy động lực lượng khơi thông miệng cống, các trạm bơm cũng chạy hết công suất để chống ngập.
|
Đường Nguyễn Tri Phương ngập lênh láng |
Chính quyền TP.Đà Nẵng cũng chỉ đạo các ban quản lý dự án yêu cầu nhà thầu đào dẫn dòng, phá dỡ đê quai nhằm thoát nước tạm tại các công trình đang thi công như tuyến cống Khe Cạn, cống qua đường Tôn Đức Thắng tại kênh Yên Thế - Bắc Sơn, tuyến cống công viên Châu Á... Về lâu dài, TP.Đà Nẵng yêu cầu ban quản lý dự án hạ tầng ưu tiên triển khai hoàn thành các công trình thoát nước chính như: cống tại kiệt 447 đường Nguyễn Lương Bằng, tuyến cống trên đường Hải Hồ, trạm bơm cuối tuyến cống đường Ông Ích Khiêm…
Nhận định về đợt mưa lũ này, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.Đà Nẵng - nói: “Năm 1999, Đà Nẵng cũng ngập như thế này nhưng do mưa kéo dài và kèm theo bão. Còn năm nay, chỉ có mưa vài tiếng mà ngập”.
Theo ông Diệm, nguyên nhân ngập chủ yếu là do quy hoạch và con người. Thứ nhất là sai lầm về quy hoạch: về phía nam TP.Đà Nẵng, có một vùng gần 1.000ha đất đồng ruộng, là hồ chứa nước tự nhiên; năm nào mưa lụt, vùng đó cũng ngập và bồi lắng phù sa, năm sau người dân lại cấy hái. Vùng đó thu hết nước trên núi xuống, khi thủy triều xuống thì chảy ra biển nên thành phố không ngập.
Sau này, người ta quy hoạch vùng đó thành khu đô thị Nam Hòa Xuân (gồm 2 phường Hòa Xuân và Hòa Quý), khi mưa về không có chỗ trũng để chứa nước nữa, và nền đất thành phố ở vùng cũ thấp hơn nên nước tràn vào, thành ra bị ngập. Rồi những đường bao của thành phố làm mới lại được làm cao hơn, nên khi mưa xuống thì nước đọng lại ở những khu đô thị cũ, không thoát được.
Thứ hai là về mặt con người: năm nay mưa ít, người ta nghĩ lụt 23/10 qua rồi, nghĩ những cơn lụt lớn không có, nên không cảnh giác, không tổ chức nạo vét cống rãnh. Một số dự án đào thi công, nạo vét không khơi thông dòng chảy, một số trạm bơm không hoạt động… Ý thức người dân còn kém, nên ném rác, đổ xà bần khắp các mương, cống. ”Tất cả gây ra tình trạng ngập úng như thế này” - ông Diệm phân tích.
Theo ông Diệm, nếu không thay đổi từ bây giờ, tương lai Đà Nẵng sẽ còn ngập kéo dài như hiện nay. Đà Nẵng cần điều chỉnh lại quy hoạch, không chỉ là điều chỉnh về thoát nước mà còn phải điều chỉnh nhiều vấn đề khác, trong đó có việc quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị. Ông Diệm cho rằng, hiện TP.Đà Nẵng triển khai rầm rộ các khu đô thị sinh thái nhưng thực tế là… dỏm. “Quy hoạch sinh thái là phải có cây xanh nhiều, hồ chứa nước nhiều, công trình công cộng nhiều và nhà ở ít. Nhưng thực tế, anh chia lô bán nền, hình thành các khu đô thị dày đặc nhà ở và không có các hồ điều tiết nước thì sẽ tiếp tục ngập thôi”.
Quảng Ngãi: Nước các sông lên, nhiều vùng bị ngập
Từ sáng 9/12, tại Sông Vệ (H.Tư Nghĩa), sông Trà Câu (H.Đức Phổ), nước bắt đầu dâng cao lên mức báo động 2-3. Tại các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, dự báo nhiều khả năng sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tại H.Nghĩa Hành, một số vùng trũng nằm ven sông Phước Giang, đoạn qua các xã Hành Dũng, Hành Nhân, nước tràn qua đường, gây ngập cục bộ ở các khu dân cư. Tại thôn Kim Thành, xã Hành Dũng, rạng sáng 9/12, nước lũ lên nhanh, gây ngập các nhà ở vùng trũng. Do lũ lớn bất thường vào lúc 3g sáng nên nhiều người dân không hay biết.
|
Phan Thanh Nhân