Từ đơn tố cáo của tập thể y bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Trưng Vương (TP.HCM), chúng tôi đã tìm hiểu và làm rõ thêm các sai phạm tại khoa Bỏng - tạo hình thẩm mỹ do BS Phạm Trịnh Quốc Khanh làm trưởng khoa từ tháng 3/2012 đến nay.
Sửa chứng từ nhằm trục lợi
Theo đơn tố cáo, ông Khanh cùng với Phó trưởng khoa Đinh Phương Đông và một số BS, điều dưỡng khác tại khoa Bỏng - tạo hình thẩm mỹ đã vi phạm quy trình khám chữa bệnh của ngành y tế nhằm trục lợi. Cụ thể, họ đã đưa vật liệu nhân tạo như thanh silicon nâng sống mũi, silicon độn cằm, túi độn ngực, độn mông, thanh endotine căng da mặt và chỉ căng da mặt, botox xóa nhăn, filler làm đầy rãnh nếp nhăn... từ nguồn bên ngoài vào sử dụng trong các ca phẫu thuật thẩm mỹ tại khoa. Các vật liệu này không qua kiểm định của cơ quan chức năng cũng như không theo quy định đấu thầu công khai trang thiết bị vật tư y tế tại BV. Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe bệnh nhân.
|
Bệnh viện Trưng Vương |
Chưa hết, thông thường, người bệnh thanh toán toàn bộ chi phí phẫu thuật tại phòng tài vụ và nhận chứng từ. Thế nhưng, khoa lại có cách làm riêng: bệnh nhân đóng tất cả tiền phẫu thuật, tiền vật liệu nhân tạo cho bà Vũ Thị Thu Nhàn - điều dưỡng hành chính của khoa và ký vào sổ của bà này. Sau đó, điều dưỡng Nhàn giữ lại tiền vật liệu, chỉ đưa tiền công phẫu thuật cho hộ lý đi đóng cho phòng tài vụ, lấy hóa đơn đỏ. Bà Nhàn điền thêm số tiền vật liệu nhân tạo dùng trong phẫu thuật cùng số tiền tổng cộng vào hóa đơn đưa cho bệnh nhân.
Nhóm tố cáo cho rằng, đây là hành vi “sửa chứng từ, trốn thuế, qua mặt cấp có thẩm quyền nhằm tham ô, trục lợi”. Để chứng minh cho “cáo buộc” này, kèm với đơn tố cáo là các bằng chứng. Trong đó, nêu cụ thể sáu trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ với vật liệu đưa từ bên ngoài vào và hóa đơn thu tiền có vết tích được cho là của bà Nhàn như đã nêu trên.
Chúng tôi đã liên hệ với cơ quan quản lý nhằm xác minh các nội dung tố cáo. Ngày 10/4, BS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết, Thanh tra thành phố đang tiến hành thanh tra toàn diện BV Trưng Vương theo kế hoạch. Do vậy, sở chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan thanh tra tiếp tục làm rõ. Khoảng 30 ngày sẽ hoàn tất.
Nhờ xuất hóa đơn, hợp thức hóa vật liệu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong sáu trường hợp mà đơn tố cáo nêu, lần lượt trưởng và phó khoa “dính” mỗi người hai ca. Ông Khanh thực hiện nâng mũi và ngực với tổng tiền thực thu từ hai nữ bệnh nhân là 80 triệu đồng. Đóng cho BV 25 triệu đồng, BS “giữ” 55 triệu đồng còn lại. Ông Đông thực hiện độn cằm, nâng mũi cho hai trường hợp, thu của họ 35 triệu đồng, nộp cho BV 13 triệu đồng, 22 triệu đồng còn lại BS “giữ”.
|
Hóa đơn được nhân viên khoa Bỏng - tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương ghi thêm phần tiền vật liệu nhân tạo |
BS N.X.T. thực hiện một ca nâng mũi, thu 15 triệu đồng, nộp BV 5 triệu đồng và “giữ” 10 triệu đồng. Một ca nâng mũi nữa do BS T.L.H.N. thực hiện với chi phí 12 triệu đồng. BV thu 5 triệu đồng, BS giữ 7 triệu đồng.
Trước khi thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ có sử dụng vật liệu nhân tạo, BS tại đây sẽ tư vấn cho bệnh nhân lựa chọn vật liệu. Sau đó, hai bên thỏa thuận giá trọn gói để thực hiện. Nếu bệnh nhân đồng ý phẫu thuật, nhân viên của khoa (có khi là điều dưỡng Nhàn) sẽ “thu hộ” số tiền trọn gói này và tiến hành các bước “phù phép” trên chứng từ như đơn tố cáo đã nêu.
Khi có dư luận về những vấn đề này, các BS giải thích số tiền đã “giữ” lại được dùng để trả tiền vật liệu nhân tạo cho các công ty cung cấp, còn khoản chênh lệch các BS sẽ “bỏ túi” để chi trong các trường hợp bệnh nhân không hài lòng, có thể phẫu thuật lại hoặc các chi phí khác.
Thế nhưng, theo thông tin mà chúng tôi có được, khoản chênh lệch không hề nhỏ nếu so với giá bán thực tế tại các công ty vào thời điểm năm 2018. Để hợp thức hóa việc mua vật liệu nhân tạo, các BS nhờ Công ty TNHH Thương mại Đức Minh Long (Q.Tân Bình, TP.HCM) xuất hóa đơn bán hàng với tên bệnh nhân và số tiền bằng với con số họ đã “giữ” lại. Đơn cử, túi độn ngực mà BS Khanh đã mua có giá từ 10 triệu rưỡi đến hơn 19 triệu đồng/cặp. Ông đã “báo giá” 45 triệu đồng cho khách và nhờ xuất hóa đơn với tên khách hàng (bệnh nhân) cùng trị giá hóa đơn bằng số tiền này.
Còn với miếng silicon vùng mặt dùng trong phẫu thuật nâng mũi, độn cằm, có giá từ 7 đến 12 triệu đồng/miếng. Và các BS tại đây đã thu từ 7 đến 12 triệu đồng cho mỗi ca phẫu thuật mũi hoặc cằm. Tuy nhiên, xin nhớ rằng, theo giới chuyên môn thẩm mỹ, một miếng silicon như thế, có thể gia công thành từ 15-20 cái sóng mũi và từ 7-15 chiếc cằm nhân tạo. Có nghĩa là các BS đã “ăn” khá dày.
Có thể thấy, số tiền vật liệu và khoản chênh lệch (sau khi đã trừ giá mua thực tế) mà các BS đã thu của bệnh nhân không hề nhỏ. Theo những gì chúng tôi nắm bắt được, từ tháng 1 đến tháng 8/2018, tổng số tiền vật liệu mua bên ngoài mà năm BS của khoa đã thu và “hưởng” chênh lệch lên đến hơn 2 tỷ đồng.
Số tiền này đã chảy vào túi ai và những sai phạm như thế sao lại được làm ngơ trong thời gian dài? Vấn đề này sẽ được làm rõ trong bài tiếp theo.
Quốc Ngọc
Bài 2: Tiền tỷ chênh lệch vào túi ai?