Ngộ nhận về "thần dược" TCA
Bị mụn trứng cá nhiều năm nhưng điều trị không khỏi, mới đây, chị H.T.N. (ngụ tỉnh Thái Bình) tìm tới Bệnh viện Da liễu Trung ương với hy vọng cải thiện được “góc con người”, lấy lại sự tự tin. Quá trình điều trị đang tiến triển tốt, các đầu mụn bắt đầu se lại thì trong một lần đi spa ở gần nhà, chị được cơ sở khuyên nên peel - thay da.
|
Các bác sĩ khuyến cáo không nên tùy tiện chấm TCA tại nhà hay các cơ sở không được cấp phép dịch vụ bởi có thể gây sẹo, viêm da, bỏng a-xít… (Trong ảnh: Bác sĩ Nguyễn Quang Minh tư vấn điều trị nám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu Trung ương) |
Theo chủ cơ sở, sử dụng a-xít trái cây sẽ tái tạo làn da, trị mụn và làm đầy những vết rỗ từng để lại trước đây. Nghe bùi tai, chị N. đồng ý thực hiện dịch vụ. Chỉ một ngày sau khi làm đẹp, chị N. lại phải tức tốc tới Bệnh viện Da liễu Trung ương để thăm khám do khuôn mặt trở nên đỏ rát, sưng nề dù chị đã bôi kem dưỡng ẩm để làm dịu cảm giác khó chịu.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết theo chị N. mô tả, sản phẩm khi bôi thấy mùi chua và sau đó mang lại cảm giác nóng rát… Đây là những điểm đặc trưng thường thấy ở TCA - một chất “kinh điển” trong chuyên ngành da liễu. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân đang điều trị mụn, các bác sĩ tuyệt đối không chỉ định sử dụng TCA bởi dễ gây ra kích ứng trên da. Trường hợp như chị N. vừa tổn thương da mặt lại ảnh hưởng tới quá trình điều trị mụn đang thực hiện.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh cũng đã từng tiếp nhận một số bệnh nhân “gặp họa” sau khi chấm TCA để điều trị sẹo, tàn nhang. Do nồng độ TCA quá cao, người thực hiện chấm đi chấm lại nhiều lần khiến tổ chức da bị cháy, hình thành trên các hố sâu chi chít trên mặt. Sau vài ngày thực hiện, các hố này khô lại và đóng đen như muội than khiến bệnh nhân hoảng loạn và tìm tới bệnh viện để tìm cách khắc phục.
Trên thị trường, không khó để có thể mua các sản phẩm có thành phần TCA, đặc biệt trong điều trị sẹo rỗ và peel da. Chủ một cơ sở spa rao bán dung dịch TCA 70% chấm sẹo rỗ với mức giá 500.000 đồng/lọ. Theo đó, sản phẩm này hỗ trợ làm đầy sẹo rỗ, giúp bong tróc lớp da sừng hóa, thúc đẩy tăng sinh collagen, làm đầy cấu trúc da và thu nhỏ lỗ chân lông.
Cách thức theo hướng dẫn khá đơn giản, chỉ cần dùng tăm đầu nhọn, liên tục chấm TCA vào lỗ đáy sẹo với lực chấm mạnh. Sau khi chấm TCA da sẽ nổi mảng trắng và có cảm giác nóng rát. Sau đó, chỉ cần chờ da bong sạch, dùng kem dưỡng và chờ lành sẹo là có thể lấy lại làn da trẻ hóa, căng mướt và còn sáng màu hơn thông thường. Tương tự, tại cơ sở này, TCA nồng độ 50% được quảng cáo chấm thẳng vào tàn nhang, đồi mồi sẽ đem lại hiệu quả như ý sau bảy ngày sử dụng.
Bên cạnh đó, có rất nhiều sản phẩm khác với nồng độ 35% được hướng dẫn để lột da với hàng tá công dụng thần kỳ như xóa nếp nhăn, khắc phục màu da không đồng đều, sẹo mụn, tàn nhang, cũng như điều
trị mụn…
Tuyệt đối không sử dụng tùy tiện
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Minh, TCA bản chất là một loại a-xít được ứng dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu, đặc biệt là điều trị sẹo rỗ, tàn nhang, mụn thịt… Đặc trưng của TCA nằm ở nồng độ sử dụng bởi sẽ đem lại các công dụng khác nhau.
Ví dụ như, nồng độ nhẹ từ 15 - 20% có thể sử dụng để lột da, thay da hóa học, TCA ở nồng độ này chỉ tác động làm bong lớp sừng trên thượng bì của da. Với nồng độ từ 50% trở lên, TCA có thể phá vỡ lớp trung bì, tác động tới hạ bì... và được ứng dụng trong điều trị sẹo lõm, sùi mào gà, mụn cóc, hạt cơm…
“Là bác sĩ da liễu, chúng tôi luôn phải kiểm tra tình trạng da, mục đích sử dụng để quyết định nồng độ sử dụng TCA một cách chính xác nhất. Điều này quyết định tính an toàn và hiệu quả”, bác sĩ Nguyễn Quang Minh chia sẻ. Theo vị chuyên gia, do bản chất là a-xít TCA có tính phá hủy mạnh nên xác định nồng độ không chính xác sẽ khiến chất này trở thành con dao hai lưỡi. Nếu dùng TCA nồng độ cao để chấm tổn thương nông ở vùng mặt, vùng da nhạy cảm, nguy cơ cháy bề mặt rất cao, từ đó gây ra viêm da do hóa chất.
Kỹ thuật chấm TCA cũng đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối đến từ các bác sĩ chuyên khoa có nhiều kinh nghiệm. Chất này tuyệt đối không được để dính vào các khu vực nhạy cảm như niêm mạc miệng, mắt. Khi thực hiện chấm phá sẹo trên vùng mặt phải có phương tiện bảo vệ các vùng kế cận, đề phòng khả năng bỏng a-xít những vùng nhạy cảm này nếu không may vương ra. Ngoài ra, trên nền một sẹo lõm, phải chấm gọn ở đáy sẹo, nếu chấm chờm ra thì sẽ cháy khu vực xung quanh.
Vị chuyên gia cũng thông tin, ông từng theo dõi một số clip quảng cáo điều trị sẹo rỗ tại spa và thấy rằng cách thức làm hoàn toàn sai. Cụ thể, sau khi chấm TCA, cần tránh mọi tác động bởi lúc này làn da nhạy cảm, dễ tổn thương song nhân viên thực hiện lại ngay lập tức lăn kim. Với cách làm này, người làm đẹp phải đối diện với rất nhiều nguy cơ như kích ứng, sưng nề, thậm chí để lại sẹo khi thực hiện.
“Sử dụng TCA bắt buộc phải do các bác sĩ chuyên khoa chỉ định và thực hiện. Tự ý chấm chữa tại nhà hay thực hiện tại các cơ sở spa không được cấp phép dịch vụ sẽ mang lại những nguy cơ, hậu quả đáng tiếc với làn da”, bác sĩ khuyến cáo.
Không chỉ với người làm đẹp, bác sĩ Nguyễn Quang Minh cũng nêu thực tế, có một số bà mẹ đang mua sản phẩm chứa TCA về để chấm, trị u mềm cho trẻ. Bên cạnh tác động tới làn da, nếu không cất giữ cẩn thận, vô tình để trẻ tiếp xúc với dung dịch thì có thể gây ra các tai nạn bỏng a-xít nguy hiểm.
Huyền Anh