Hôm ấy mát trời, tôi mặc chiếc váy hoa, đầu đội nón rộng vành, vắt thêm cái túi mây phía trước rồi thong thả đạp xe dạo phố. Đến ngã tư Đinh Tiên Hoàng -Nguyễn Thị Minh Khai, vài anh chạy xe máy quay lại nhìn tôi chỉ trỏ. Tôi nghĩ thầm “Chắc muốn xin số làm quen đây mà”. Nghĩ vậy, tôi ngẩng cao đầu kiêu hãnh, nhấn mạnh pê-đan. Một anh đi xe máy tiến sát bên tôi và nói: “Váy kẹt vô căm xe kìa em, coi chừng té” rồi phóng đi.
Đó là một trong số những câu chuyện vui nho nhỏ mà tôi đã có trong hơn 2 năm đi xe đạp ở Sài Gòn. Tôi có dịp đi qua nhiều thành phố của châu Âu, có nơi được mệnh danh là “thành phố xe đạp” (như Amsterdam), vì đâu đâu cũng có những làn đường dành cho xe đạp, ngăn nắp đâu ra đó. Nhưng không hiểu sao giữa những nền nếp tinh tươm đó, tôi vẫn luôn nhớ cảm giác đạp xe ở Sài Gòn, khi chiếc xe nhỏ bé của tôi chen lẫn trong dòng xe máy, ô tô tấp nập, thỉnh thoảng lại được nghe câu nhắc nhở quen thuộc “Em gì ơi, gạt chống xe…”
Sau nhiều năm dựa dẫm vào các anh tài xế công nghệ, tôi nghĩ đã đến lúc mình cần phải “lên đời”. Tôi lên Facebook đăng một dòng trạng thái rằng tôi cần một chiếc xe riêng để chủ động việc đi lại ở Sài Gòn. Khi thấy chữ “xe riêng”, bạn bè tưởng tôi định mua một chiếc ô tô, nên nhiệt tình tư vấn cho đủ hãng đủ dòng, từ sang chảnh, thanh lịch đến bền bỉ…
Khi tôi nói tôi cần tìm một chiếc xe đạp dành cho nữ, giá tầm 2 triệu đổ lại, bạn bè thả cho tôi hơn 200 cái “ha ha”. Cười vui vậy thôi chứ tôi biết không ai chê tôi cả. Ngược lại, nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã dõi theo hành trình đạp xe đi làm, đi dạy, đi hẹn hò… của tôi. Thỉnh thoảng có người còn nhắn hỏi: “Đi xe đạp vui không? Tui cũng đang tính mua một chiếc…”
|
|
Chiếc xe đạp đầu tiên tôi mua là của thương hiệu Thống Nhất, giá đâu đó tầm hai triệu rưỡi, xe giao tới tận nhà, màu trắng tinh khôi. Được hơn 1 năm, cái tính điệu đà con gái khiến tôi muốn đổi sang chiếc xe đi phố có hộc đựng được ly cà phê hay bình nước ở phía trước. Tôi nghĩ nó sẽ rất hữu ích khi tôi đạp những đoạn đường xa, chẳng hạn như 20km dọc hai bờ kè Trường Sa, Hoàng Sa mỗi cuối tuần, hay 7km từ nhà ra trạm xe nhận thùng quà quê mẹ tôi gửi lên… Thế là tôi mua một chiếc Momentum Latte của hãng Giant. Đó là chiếc xe mà những buổi sáng không vội vã, tôi chở anh con trai lớp Một tới trường, dọc trên con đường Trường Sa rợp bóng cây và nắng đầu ngày vẫn rất dịu.
Mấy đoạn đi qua gờ giảm tốc hay chỗ lồi lõm ở hầm chui cầu Điện Biên Phủ, xe nẩy lên, tôi giả bộ ê mông la chí choé, làm anh con cười khoái chí. Trò đùa đơn giản vậy thôi mà mỗi lần lặp lại, con tôi đều cười giòn tan như thế.
Trường con tôi học là một trường song ngữ tư thục nằm ở đầu đường Phan Xích Long, giờ đưa đón học sinh toàn xe hơi trước cổng. Thật may, chú bé con tôi chưa bao giờ thấy mình thua thiệt so với bạn bè. Trái lại, chú rất vui khi được ngồi xe đạp và vòng tay ôm mẹ từ yên sau. Đó là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của mẹ con tôi những ngày tháng ở Sài Gòn. Thành phố này bao dung, hào sảng, không câu nệ như thế đó. Dù đi ô tô, đi xe máy, hay đi xe đạp, bạn đều có niềm vui của riêng mình.
Mấy năm đi xe đạp ở Sài Gòn, tôi chưa từng gặp ánh mắt xem thường hay phán xét của ai. Tới văn phòng, thấy tôi đạp xe nên trán lấm tấm mồ hôi, bác bảo vệ còn lấy cho tôi chiếc ghế nhỏ, đặt gần quạt máy để tôi ngồi cho mát. Dù tôi dựng xe ở đâu, chiều tan làm đều thấy chiếc xe của mình đã được bác cẩn thận quay đầu ra phía cửa.
Có bữa tan làm, tôi vừa dắt xe ra thì thấy bánh sau đã xẹp lép, anh tài xế lái xe cho công ty kế bên nhanh nhảu lôi ra hẳn bộ đồ nghề bơm hơi cho tôi mượn. Phải nói rõ rằng tôi chưa bao giờ biết tên người tài xế đó, ấy vậy mà khi cần, anh xăng xái giúp. Đó, nhờ đi xe đạp mà tôi đã có bao nhiêu là câu chuyện đẹp và ấm áp làm “vốn lận lưng”, cái vốn nuôi dưỡng trong tôi một tình yêu, tình thương và lòng biết ơn với mảnh đất này.
Cũng chiếc xe đạp đó, ngày giáp Tết, tôi cùng nhỏ bạn thân đạp xe ra chợ mua một bó hoa đồng tiền đỏ rực, rồi 2 đứa mặc áo dài đạp ra khu trung tâm chụp bộ ảnh Tết.
Đi chụp ảnh tôi mới phát hiện ra một điều, thành phố này ngộ ghê! Sao mà ngộ? Trong nhiếp ảnh, mỗi bối cảnh thường chỉ phù hợp với một hoặc một vài phong cách nhất định mà thôi. Nghĩa là, có chỗ sẽ rất hợp với những bộ ảnh năng động hiện đại, chỗ lại lý tưởng cho phong cách vintage. Vậy mà trước những công trình kiến trúc đặc trưng như Bưu điện Thành phố, nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên bến Bạch Đằng… tôi thấy mình đặt để hình ảnh kiểu nào vào đó cũng vừa vặn.
Kiểu quý bà quý cô thanh lịch bước ra từ một chiếc ô tô cũng hợp, kiểu những cô cậu sinh viên đèo nhau trên chiếc xe máy cũng hay, người hàng rong quảy đôi quang gánh bước vội qua đường cũng thành một bức tranh đời sống đẹp đến nao lòng. Và mấy đứa con gái điệu đà thong dong dắt xe đạp như chúng tôi cũng thấy mình duyên dáng hẳn trong những khung cảnh ấy.
Ở Sài Gòn, dù đi xe máy, ô tô, xe đạp… tôi chưa bao giờ thấy mình lạc nhịp.
Cúc T. (Budapest, Hungary)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |