Sài Gòn - xa rồi mới biết đánh vần chữ "thương"

21/02/2025 - 14:32

PNO - Tôi từng không mấy thương gì Sài Gòn cho đến khi xa nó.

Ngày đó, tôi quyết định về quê luôn sau vài tháng thất nghiệp. Trong cơn mưa chiều nhập nhoạng, tôi ôm cái ba lô vội bước lên xe và thấy mình như mới phụ rẫy một mảnh tình mà tôi chỉ biết vơ vét ít lộc rồi cuốn áo ra đi.

Sài Gòn
Một góc Sài Gòn

Sài Gòn – nơi ươm mầm cho những điều tốt đẹp

Tôi đến Sài Gòn năm 17 tuổi. Lúc ấy Sài Gòn vẫn chưa đông đúc như bây giờ, thương xá Tax vẫn còn đó, hàng cây xanh ngợp bóng mát trên đường Tôn Đức Thắng vẫn thẳng tắp chở che những ngày nắng chói trên đầu.

Căn phòng trọ đầu tiên tôi ở ngay khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân. Nơi tôi có thể bơi giữa mênh mông, thăm thẳm biển người vào những buổi sáng công nhân đi làm và những giờ tan ca.

Căn phòng sâu trong hẻm nhỏ, rộng vài mét vuông, tất cả vuông vức như một chiếc hộp. Quanh khu công nghiệp này, những “chiếc hộp” như thế nhiều không kể xiết. Đời sống lao động đông đúc, nhếch nhác, đường xá đầy rác và chen lấn xe cộ, hàng rong bày trên vỉa hè cho công nhân mua nhanh gọn lúc tan ca.

Ở lâu dần tôi hiểu được đời sống công nhân, vội vào ca buổi sáng, tan ca lúc khuya lắc lơ, bữa cơm có một con cá kho vội, vài lát dưa leo, tằn tiện từng đồng để gửi về quê hoặc góp nhặt cho một tương lai nào đó.

Chợ công nhân nên bán gì cũng rẻ. Kỷ niệm tôi nhớ nhất trong thời gian đó là thau xôi vàng hực nghi ngút khói nơi góc chợ. Người bán xôi quê ở Đồng Tháp, mỗi gói xôi 5.000 đồng, rẻ hơn nhiều chỗ khác. Thau xôi rất to nhưng chỉ loáng một cái hết sạch. Cô cười nói, đời sống xa quê thiếu nhất cái tình, nên một chút chia sẻ biết đâu cũng ấm lòng ai đó. Tôi nghe xong thấy cơn nhớ nhà dịu đi một chút.

Sau đó ba mẹ gửi tôi đến ở nhờ nhà một người bà con ở quận 6, sống giữa xóm người Hoa ngay bùng binh Cây Gõ. Mỗi ngày phải chạy qua con đường Trần Hưng Đạo hoặc Nguyễn Trãi để đến Trường Đại học Luật ở quận 4.

Thời đó, bùng binh Cây Gõ chưa có cầu vượt như bây giờ, lại là rốn ngập nên có khi đi học về, chiếc xe cà tàng tắt máy, tôi kẹt ngay điểm bùng binh ấy mấy tiếng đồng hồ mới thoát được.

Một năm sống ở đó, tôi quen đường đi nước bước rồi say mê khám phá khu thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, phố lồng đèn Lương Nhữ Học, những ngôi đình, chùa, miếu cổ ở quận 5, mê món sủi cảo trên đường Hà Tôn Quyền, cơm tấm Phú Lâm, chè Hà Ký Châu Văn Liêm, bột chiên ngay chân cầu Chà Và và canh bún ngay cửa Chợ Lớn.

Quen hơn với trường lớp, tôi dọn về quận 7 ở trọ với mấy đứa bạn để đi học cho gần. Ngày ngày đi đường Huỳnh Tấn Phát, ngang khu chế xuất Tân Thuận, qua Khánh Hội đến trường, con đường chật hẹp lại nhiều xe tải, những mùa nóng là cầm chắc cái bỏng rát giữa trưa.

Tôi quen dần với bến Nhà Rồng, cơm chay chợ Xóm Chiếu, bò né quận 4, cơm phần đường Nguyễn Thị Thập. Hoặc từ trường, tôi đi bộ sang chợ cũ Tôn Thất Đạm, bánh mì Như Lan Hàm Nghi, công viên 23/9 để tụ tập cùng nhau. Ở quận 7, khi căng thẳng ngột ngạt lại qua công viên khu Phú Mỹ Hưng hóng gió sông mát dịu.

Những năm tháng thiếu thốn, tôi nhọc nhằn đánh vật với tiền nong cơm áo. Con hẻm trọ nhỏ tối mù mỗi đêm đi làm thêm về, gói mì húp xì xụp đêm mưa, cơn đói neo giấc ngủ lại cồn cào, ánh sáng duy nhất trong những ngày tháng đó chính là bà chủ trọ, mỗi tối hay luộc khoai đi chia cho từng phòng, mỗi người vài củ.

Năm 2011, tôi đi làm và chuyển qua quận 10 ở cho tiện việc di chuyển. Tôi bắt đầu quen với “thiên đường ăn uống” đường Tô Hiến Thành, Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Tri Phương.

Về khu vực này, tôi vẫn chưa thoát được nạn ngập nước. Chiếc xe cũ đi từ hồi sinh viên vẫn hay tắt máy. Nhưng đời còn may, nhiều lần được người đi đường giúp, có hôm được một chú sửa xe ngay góc ngã tư sửa giúp. Tôi móc mớ tiền nhàu nhĩ trong túi ra trả, chú khỏa tay bảo không cần, chú làm miễn phí. Nhìn người chú quay đi ướt sũng, tay chân lem luốc, lòng tôi thấy ấm lại giữa chiều mưa.

Sài Gòn chen chúc, nhọc nhằn nhưng cũng tại Sài Gòn, nhiều điều tốt đẹp lại đâm mầm từ đó. Những thiếu thốn được xoa dịu, những tổn thương được quan tâm, những hờn ghét được hoá giải và những ước mơ được chắp cánh bay cao.

Nghĩa tình Sài Gòn dễ gì quên được

“Sài Gòn chật hẹp, xô bồ lắm, có gì mà mê, cực chẳng đã mới bươn chải, chứ không tui ở quê cho sướng” là câu nói cửa miệng của tôi khi có ai đó hỏi “đi Sài Gòn ở chắc sướng lắm hả?”.

Câu trả lời dửng dưng như kiểu Sài Gòn tự nó chật chội chứ không phải vì dung chứa những người nghèo khổ tứ xứ đổ tới như tôi. Đến nay Sài Gòn – TPHCM vẫn dẫn đầu dân số cả nước. Mọi người thi nhau đến ở rồi chê Sài Gòn chật chội, kẹt xe… mà không thấy rằng chính mình là một phần nguyên nhân.

Nhưng Sài Gòn không giận hờn ai. Sài Gòn vẫn bao dung khẳng định vị thế của mình như người đứng đầu tiến tới. Sài Gòn không chê ai nghèo, cứ dang tay đón nhận. Nếu có người đói, Sài Gòn mở đầy những quán ăn 0 đồng.

Khi có người thiếu thốn, Sài Gòn cũng hào phóng mở ra bao nhiêu cửa tiệm “Ai cần đến lấy”, mùa dịch Sài Gòn còn có ATM gạo, giữa đêm vẫn có người đi hút đinh trên đường, trên cầu, vá xe miễn phí. Trời nóng, có bao nhiêu thùng trà đá miễn phí đặt khắp các nẻo đường tần tảo.

Ở Sài Gòn, vẫn dễ dàng bắt gặp những cô chú có hoàn cảnh khó khăn nhưng sẵn lòng chở che những con chó, con mèo cơ nhỡ mặc kệ số phận thắt thẻo của mình.

Mưa tuôn ngoài cửa xe làm tôi nhớ mùi khoai đêm mưa nơi con hẻm trọ tối mù, nhớ ánh mắt sáng lên nụ cười của chú sửa xe, nhớ thau xôi vàng óng cứu đói và hàng ngàn lần tôi được Sài Gòn bảo bọc, chấp nhận.

Không lâu sau tôi trở lại Sài Gòn với tâm thế hiểu và thương khác hẳn những lần về trước. Tôi xem Sài Gòn là nhà, chuyến quay lại này như là một lần nối lành tình cảm. Mối duyên nào cũng cần có một chút trắc trở để mặn mà đằm thắm hơn. Và mối duyên của tôi với Sài Gòn cũng vậy. Sau lần hàn gắn, càng khắng khít cảm tình.

Sài Gòn đã cho tôi một hành trình gần 20 năm gắn bó, tôi đã đi qua nhiều quận huyện, thay đổi chỗ ở không biết bao nhiêu lần, xuôi ngược dọc ngang khắp thành phố, đã đi qua bao nhiêu cơn mưa cũng như ngày nắng cháy, đã có được một cuộc sống đầy rực rỡ thăng trầm.

Sài Gòn dạy tôi cách sống khẳng khái, nghĩa tình, tôi cũng muốn đáp lại bằng nghĩa tình để đất này sẽ là nơi cắm rễ, đâm chồi và nở ra cho thành phố tôi thương một đời sống hiện đại, phát triển nhưng không bỏ quên lối sống trọng nghĩa tình - vốn đã là nét đặc trưng trong văn hóa của người phương Nam.

Sài Gòn,

Hằn học nhọc nhằn cho nghĩa sâu với đất,

Khó khăn gian khổ cho tình nặng với người.

Đó chính là thành phố của tôi.

Theo thể lệ, từ ngày 1/1/2025, cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” đã dừng tiếp nhận bài dự thi. Tuy nhiên, Báo Phụ nữ TPHCM vẫn tiếp tục đăng tải những bài dự thi có chất lượng tốt. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trên báo điện tử Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

Ngô Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI