NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC

“Sài Gòn - vùng đất nghĩa tình, dễ sống và đáng sống”

10/03/2020 - 12:43

PNO - Sài Gòn - Ấn ngọc phương Nam là tác phẩm mới nhất của Lê Minh Quốc, vừa được nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành

Cuối năm 2019, nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc có nói: “Anh sắp ra một quyển sách về Sài Gòn”. Tôi đã lầm tưởng đó sẽ tiếp tục là những trang viết ít nhiều có hình ảnh bé Mì - con gái anh, và cuộc sống của những năm tháng bình yên ở đây.

Nhưng không phải, anh đã viết cho Sài Gòn cả một trường ca, viết chỉ vì “quá yêu vùng đất này”, như lời anh nói. Sài Gòn - Ấn ngọc phương Nam là tác phẩm mới nhất của Lê Minh Quốc, vừa được nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành. 

 

“Năm 1986, tôi đoạt giải nhất sáng tác nhân kỷ niệm mười năm thành lập Thanh niên xung phong TP.HCM với chùm thơ Hát với đất. Phải nói là sung sướng biết chừng nào, vì tiền thưởng có thể giúp một sinh viên đang học năm thứ ba là tôi ít nhiều sống thong dong. Tuy nhiên lúc ấy, thú thật tôi vẫn chưa thể quen Sài Gòn. Mỗi dịp tết, nghỉ hè về quê, đến ngày chen chân mua vé xe vào Sài Gòn, với tôi chẳng khác nào một chuyến lưu đày.

Xứ sở gì đâu mà lúc nào cũng xe cộ ầm ầm, hàng xóm sát vách nhưng chẳng ai chơi với ai… Một thời gian sau, tôi nhận ra Sài Gòn là nơi dễ sống nhất, bởi tình người nhẹ nhàng mà sâu nặng, ân cần mà dung dị. Không phải hoa hòe, khách sáo, rào trước đón sau, giữ kẽ” - nhà thơ Lê Minh Quốc bộc bạch. Anh đã gắn bó với Sài Gòn từ những năm tháng tuổi trẻ ấy, cũng như từ mảnh đất này mà gắn bó với nghiệp viết, cho đến tận bây giờ. 

Đọc trường ca Sài Gòn - Ấn ngọc phương Nam của anh, như được dõi lại toàn bộ quá trình của những lưu dân đi mở đất, đến những biến động của thời cuộc, những đổi thay của “hòn ngọc Viễn Đông” qua từng thời kỳ, từng thế hệ… Trùng trùng những tư liệu sử, những sự kiện, danh thắng, tên đất, tên người… được kể bằng cảm hứng thi ca, giàu cảm xúc. 

“Gánh lấy ca dao/ Bế bồng tục ngữ/ Vác đình làng văn hiến bốn ngàn năm/ Phù sa, bùn đen còn bám riết ngón chân/ Cư dân Ngũ Quảng/ Xuôi về phương Nam…”. Những dòng thơ khởi đầu tập trường ca mở ra “những thân phận con ong cái kiến”, với những “đêm tối đen, chó cắn người váy đụp”, “ngựa người người ngựa/roi vọt chất chồng hàng trăm thứ thuế…”.

Nhưng rồi từ trong đêm tối ấy, lại dần thấy một bước chuyển về phương Nam rất khác, với “Dạ cổ hoài lang vang khói sóng/Đàn kìm réo rắt nhắc Thăng Long”. Trong trường ca của anh, có dáng “câu thơ sông Hồng”, có thơ Đồ Chiểu, có tích Trầu Cau, Thánh Gióng, những trận đánh bi hùng, cả những “chia ly màu đỏ”…; có đất và nước, mẹ cha, em và anh và tình yêu, trọn vẹn và khởi sinh, như “Nước non vẫn nước non nhà/ Sài Gòn - Ấn ngọc chói lòa phương Nam”. 

Trường ca của anh còn có hình ảnh của chính mình, với “Thế hệ tôi lớn lên từ huyền thoại”, về thời đi thanh niên xung phong “Chiếc mũ tai bèo che nắng che mưa/ Anh đọc giữa hiện trường những câu thơ khỏe mạnh”; cho đến ngày “Tôi tìm thấy em/Xanh từng phiến lá...”. Sài Gòn - Ấn ngọc phương Nam gồm sáu chương: Xuôi về phương Nam, Vạch một chân trời, Trẻ như sức trẻ, Hoa trái sinh thành, Nỗi đau trở dạ, Tạo nên dáng ngọcVĩ thanh

Trong tất cả giai đoạn của đất nước mà tác giả chọn tái hiện bằng thơ, tôi cho rằng giai đoạn đổi mới là khó viết nhất. Những nghị quyết, những khẩu hiệu, phong trào, tuyên truyền, phê bình và tự phê bình, thi đua, hợp tác, đầu tư, phát triển… Vậy mà anh viết được.

Những câu thơ ngắn, những điệp từ, súc tích, không hề khô khan, lại chứa đựng hàm lượng thông tin nhiều. Rào rào chữ nghĩa. Sài Gòn - Ấn ngọc phương Nam của nhà thơ Lê Minh Quốc đã đưa người đọc đi qua một bước dài cùng mảnh đất này, từ lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị đến nhẹ nhàng ấm áp và bình yên, chân thành nhất vẫn là tình yêu. Một tình yêu lớn “đặt Tổ quốc trên vai”, ôm trọn lên tình yêu lứa đôi và những ân tình, hò hẹn. 

 “Đến nay, đã có thể nói rằng, nếu có làm được chút gì hữu ích cho cộng đồng, với tôi, chính là từ “bệ phóng” của Sài Gòn - TP.HCM. Một vùng đất nghĩa tình, dễ sống và đáng sống” - nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI