Giữa thời buổi shipper đông như kiến chạy khắp đường phố, những người bán hàng rong vẫn tồn tại quanh ta. Hầu như ai cũng có ký ức về họ. Họ đại diện một kiểu thức buôn bán năng động mà người hưởng lợi hầu hết là phụ nữ nội trợ cùng người già, con nít không mấy khi lui tới trà đình tửu điếm.
Từng có bao nhiêu người bán hàng rong đã đi qua đời ta? Trong ký ức, đa số họ có dáng vẻ lam lũ, làn da sạm nắng gió. Nhiều người trong số đó là phụ nữ. Có người sở hữu giọng rao hàng mạnh mẽ, có người rao lí nhí như hết hơi. Đậm đà nhất trong ký ức chính là những người bán hàng ăn - loại hàng rong hấp dẫn nhất.
Khi tôi hỏi: “Dân Phú Nhuận cố cựu còn nhớ gì về những hàng ăn rong?”, các anh chị trên diễn đàn “Phú Nhuận ngày xưa” nhắc lại nhiều gương mặt khiến ký ức của tôi như lóe sáng vài hình ảnh, âm thanh tưởng đã quên từ lâu.
Trong các con hẻm ấp Tây Nhất, Tây Nhì… và chắc cả xã Phú Nhuận, nhiều người còn nhớ một ông bán đu đủ khô gan bò. Thực ra, món ăn đó thỉnh thoảng vẫn có người vào xóm bán nhưng ông người Bắc này độc đáo và đáng nhớ. Ông có khuôn mặt nhìn rất vui với đôi mắt nhỏ, cái miệng nhọn, khóe môi luôn bành ra như đang cười và nói tía lia bằng thứ giọng Bắc nông thôn xưa.
Mỗi ngày, ông cưỡi chiếc xe đạp khắp khu Phú Nhuận, thỉnh thoảng dừng lại chỗ nào đó với cây kéo nhấp lách cách để mời khách ra ăn gỏi khô bò. Nhiều người cho rằng món gỏi của ông là vô địch cho đến bây giờ, gỏi khô bò ở sát nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi trước đây cũng không sánh bằng. Không biết khô bò của ông có ngon được như của ông Huỳnh - một cư dân cũng ở Phú Nhuận nhà gần cổng xe lửa số 6 được mệnh danh là “ông già áo đen” chuyên bán khô bò gan cháy ngoài khu nước mía Viễn Đông đường Pasteur - hay không, nhưng ít ra ông đưa món ngon đến tận những cái hẻm xóm nhỏ như lỗ mũi, vậy là bà con vui rồi.
Một chị ở xóm Me (hẻm 100 đường Thích Quảng Đức, phường 5) chỗ khu Nhị Tì Nước Hẹ đi vào, cho biết trong hẻm này cũng có một ông người Bắc bán gỏi đu đủ khô bò còn vợ ông bán bánh ướt. Mỗi chiều tối, bà vợ tráng bánh, phi hành tại nhà, mùi hành phi thơm hết cả xóm. Xóm Me còn có một bà bán chuối xào dừa, một ông bán phở thường bận áo đen, một ông người Hoa bán huyết chén hấp. Còn ngoài đường Nguyễn Huệ, giờ là Thích Quảng Đức, có bà Ba Mùi nổi tiếng với món cháo lòng và bánh tráng cuốn lòng heo, lòng bò, bò lá lốt chấm mắm nêm.
Nhắc đến món huyết heo, một anh cho biết ngày xưa ở hẻm Ống Cống Dương Sơn (hẻm 55 đường Phan Đình Phùng hiện nay) có bà Hai Xẩm bán bánh ướt huyết heo. Cứ khoảng 2 giờ chiều, bà gánh hàng vô hẻm bán cho các chú thợ mộc, thợ sơn. Món bánh ướt ít thấy, vị ngon tuyệt vời đó giờ có lẽ đã thất truyền.
Nhiều người thích thú khi nghe nhắc đến ông người Hoa bán “cái bi ngon ngon, cái bi giòn giòn”. Những viên bánh của ông tròn như viên bi, nhai giòn rụm, xếp đầy đặn, ngay ngắn trong cái tủ kiếng vuông như tủ thuốc lá.
Một chị sống từ nhỏ trên đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) kể cho tôi về những hàng ăn quen thuộc ở Phú Nhuận cách nay 50 năm: “Nhớ lại thuở nhỏ mỗi lần nghe tiếng rao quen thuộc của gánh “Ai ăn bánh canh giò heo… hông” từ đầu hẻm là chị em tôi luôn trông ngóng xem má có mua quà sáng hoặc trưa cho chúng tôi.
Bà bán bánh canh giò heo luôn bỏ bánh thẳng vào nồi nhưng nước trong, váng hành mỡ nổi lên rất ngon mà bánh không nát. Không nhớ bao nhiêu tiền một tô nhưng thỉnh thoảng má mới mua cho chúng tôi ăn, bánh canh trộn thêm cơm nguội ăn sáng là quá tuyệt. Phở, dù là phở bình dân nhưng đối với chị em tôi thì đã là vượt tiêu chuẩn nên chưa bao giờ được ăn, họa hoằn lắm ba má mới dắt con cái đi ăn hủ tíu bò viên của một người Hoa bán ở đầu hẻm Chu Mạnh Trinh. Quán thường thắp đèn dầu mờ mờ, trong không khí gần tết tiết trời se lạnh, đường phố về đêm thưa vắng người qua lại.
Xế trưa có bà bán bánh khổ qua chan nước dừa. Bà lẳng lặng rao, nhỏ tiếng thôi nhưng khi thấy bà xuất hiện từ đầu hẻm là bà con trong xóm lác đác ra mua ủng hộ vì cái bánh được nắn rất khéo, giống trái khổ qua y chang. Lại có thêm bà bán chuối xào dừa với nước cốt dừa béo ngậy, trong nước cốt dừa còn có bột báng, thêm nhúm đậu phộng rải lên rất bắt mắt. Đổi bữa, có khi là bà bán khoai mì hấp bào sợi trộn với dừa nạo và đường cát. Đó là những món quà xế hết sức hấp dẫn của chị em tôi. Sau này, nghe nói bà sang Úc đoàn tụ với con trai”.
|
Hàng rong ngày xưa (tranh/ảnh minh họa) |
Có lần, tôi đọc được bài viết trong một cuốn sách của một bác ở nước ngoài (tác giả Vĩnh Nhơn) tả một bà bán bánh hỏi thịt nướng ở khu Đa Kao. Qua bài viết, qua lớp mù sương ký ức, tôi như đã từng thấy người đàn bà đó vô xóm mình bán món ăn ngon lành này. Có lẽ vậy vì từ Đa Kao xuống Phú Nhuận chỉ hơn 2 cây số, cách nhau một đoạn đường và một cây cầu.
Bà người Nam, hơi thấp và mập, dáng khỏe. Gánh bánh hỏi của bà thật nặng, đòn gánh cong vòng mà gánh đi như không. Điều đặc biệt tác giả nhấn mạnh là mức độ phức tạp của món ăn. Ông quả quyết đây là gánh hàng rong phức tạp nhất và người bán phải bỏ nhiều công nhất để phục vụ khách.
Đáng phục nhất ở người viết là ông tả tỉ mỉ các động tác, từ cách bà lấy cái lò nhỏ có than cháy âm ỉ ra; lấy thịt heo đã xắt sẵn và ướp gia vị rồi nhét vào cây đũa chẻ đôi, sau đó ghim trong lò, quạt than nướng thịt. Khi thịt đang nướng, bà lấy tràng ra trải lá chuối rồi xếp bánh hỏi lên, phết mỡ hành; xếp giá sống, rau thơm, mấy miếng huyết heo luộc và mít non luộc xắt vuông vức, chuối chát, dưa leo xắt khoanh; múc chén nước mắm có đồ chua tương ớt… Sau đó là công đoạn bày ra cho khách ăn theo thứ tự.
Đọc cả trang miêu tả món ăn, không chỉ thấy thèm mà còn thấy thương làm sao những người đàn bà lam lũ ngày xưa. Nếu không có chiến tranh lan tràn khắp nông thôn miền Nam từ những năm 1960, bàn tay khéo léo của họ sẽ làm những món ngon như vậy cho chồng con, cho những ngày giỗ quảy thay vì gánh gồng lang thang khắp phố xá bụi bặm, mong kiếm tiền nuôi đám con khi chồng ở chiến trường xa. Họ làm món ăn bán cho khách trong thói quen giữ gìn công thức chế biến nghiêm ngặt như giữ gìn một thứ phẩm giá dù gian bếp chỉ là vài thứ chất trên đôi quang gánh nặng nề và chút vỉa hè, hàng ba trước nhà người lạ.
|
Ảnh: Nguyễn Quang |
Người chị trên đường Chi Lăng viết lên điều tôi vẫn nghĩ: “Có những người dù không là thân thuộc nhưng lại gặp nhau hằng ngày, lại gặp trong thời thơ ấu nên họ với chúng tôi trở thành thân thuộc tự hồi nào, như có sợi dây vô hình nối kết nhau dệt nên bằng những tiếng rao và món quà ngon. Rồi họ bỗng dưng biến mất, đến mấy chục năm sau, hồi tưởng, như thấy một niềm vui nhè nhẹ nhưng cũng bâng khuâng ngơ ngẩn. Họ vẫn rõ mồn một trong tâm trí với đôi gánh tần tảo, chiếc áo bà ba, chân đi dép hoặc guốc mộc. Những bước chân của họ từ lúc nào đã trở thành hồn phố thị…”.
Phú Nhuận hình thành từ một làng ngoại ô nghèo, nhà dân không kín cổng cao tường nên hàng rong dễ lui tới. Chút ký ức nhỏ nhoi về những người bán rong qua lại suốt bao năm như để nhớ về những người một thời đã đi qua cuộc đời chúng ta.
Phạm Công Luận