Sài Gòn vọng - “Bắt tai” quảng cáo đồ uống trên báo Sài Gòn xưa

26/11/2022 - 07:47

PNO - Dùng hình ảnh để “bắt mắt” kèm lời mời gọi ngắn gọn để “bắt tai” độc giả, nhiều mẩu quảng cáo đồ uống trên báo chí Sài Gòn trước năm 1945 giúp chúng ta cảm nhận được mánh đánh vào tâm lý khách hàng rất thông minh của các nhà buôn.

Dùng câu chuyện cụ thể, thuốc ho Pneumosérum đánh vào tâm lý khách hàng
Dùng câu chuyện cụ thể, thuốc ho Pneumosérum đánh vào tâm lý khách hàng

Rượu uống không say, chỉ toàn “đại bổ”

Trên báo chí, rượu được quảng cáo với những lời lẽ “gây mê” như chính chất cồn của nó, đánh vào tâm lý ham muốn của người tiêu dùng. Quảng cáo dùng hình ảnh minh họa và lời lẽ ngắn gọn, súc tích nhưng sức truyền tải lại rất lớn vì dễ nhớ. Đơn cử như Tổng xã báo số 79, ra ngày 9/5/1941 quảng cáo rượu bổ máu bò lọc Néo Tonique hiệu Đầu beo tại 90 Đại lộ Bonnard (nay là Lê Lợi), Sài Gòn, bên cạnh logo đầu beo là thông tin công dụng: “Ăn ngon - Dễ ngủ - Mau tiêu - Ngừa bịnh lao - Dưỡng thai - Thêm máu - Trị rét - Không nóng - Không bón uất - Công hiệu chắc chắn”. Để tăng sức mua, hãng rượu còn có chính sách khuyến mãi hấp dẫn đối với người tiêu dùng. 

Công luận báo số 59, ra ngày 14/6/1917 quảng cáo rượu hiệu Courvoisier
Công luận báo số 59, ra ngày 14/6/1917 quảng cáo rượu hiệu Courvoisier

Trên Công luận báo số 59, ra ngày 14/6/1917, hiệu Courvoisier nhãn vàng có địa chỉ ở 183-185 đường Catinat (nay là Đồng Khởi), Sài Gòn không chỉ quảng cáo rượu cognac của mình là cognac thượng hạng, bổ sức khỏe mà khách hàng “mỗi khi mua ba chai thì khỏi trả tiền gởi và tiền thùng”. 

Hãng rượu Dubonnet có trụ sở ở đường Kinh Lấp (nay là Nguyễn Huệ), Sài Gòn đã đăng quảng cáo tác dụng của loại rượu này trên tờ Lục tỉnh tân văn số 521, ra ngày 28/2/1918 là bổ nguyên khí, trừ nóng lạnh, giúp khỏe mạnh. Không chỉ vậy, sản phẩm còn “giúp cho mau có con”. Để tăng sự sinh động cho phần quảng cáo tác dụng, quảng cáo rượu Dubonnet còn có hình cu li xe kéo kéo 1 chú khách to lớn với lời chú “Từ thuở nay tôi chưa hề kéo chú khách nào mà nặng như vầy. Rồi đây tôi mới phải đi uống một ly rượu Dubonnet đặng lấy sức lại chớ!”.

Đại Quang dược phòng quảng cáo  thuốc bằng cách… xin lỗi
Đại Quang dược phòng quảng cáo thuốc bằng cách… xin lỗi

Chẳng biết nếu mấy tay cu li xe làm theo quảng cáo, thì đường xe kéo sẽ… “uốn lượn” đến mức nào! Ở Lục tỉnh tân văn số 531, ra ngày 9/5/1918 vẫn hãng rượu này minh họa bằng màn biếu rượu của lính cho Đội kèm chú thích: “Mình muốn mua đồ ngon mà đi tết ông Đội mới được thưởng Mề đay công trận, thì có chi ngon cho bằng thứ rượu Dubonnet nầy đâu!”. 

Trên Đàn bà mới số 84, ra ngày 12/10/1936, quảng cáo nước giải khát Antésite giới thiệu đây là “vị giải khát rất ngon lành, đúng vệ sinh, uống bao nhiêu cũng không độc” và kể lể thêm thâm niên có mặt 30 năm của Antésite trên thị trường, cũng như đã được dùng ở nhiều quốc gia Algérie, Tunisie… Phần công dụng dĩ nhiên được nhấn mạnh: “Nước đó rải [giải] khát, giúp cho sự tiêu hóa, rất bổ mà chừ [trừ] các chứng sốt rét. Đã thơm tho, lại không có tí rượu nào, uống không bứ, uống một ít là đủ khỏi khát. Thật là một vị giải khát đích đáng cho các sứ [xứ] nóng”.

Trên Lục tỉnh tân văn số 609, ra ngày 23/3/1919 quảng cáo nước khoáng Vichy (nước muối kim thạch) khiến thứ nước sạch này như còn có thêm những công dụng ghê gớm khác (chữa đau thận, đau bàng quang, phong, đau gan cho tới có đàm). Thương hiệu này cũng cảnh báo khách hàng tránh dùng đồ giả với khuyến cáo: “Hãy coi chừng đồ giả mạo, khi mua phải sài [xài] cho trúng thứ nước nào mình muốn dùng” và chia Vichy thành 3 loại (Sel Vichy-état, Pastilles Vichy-état, Comprimés Vichy-état) kèm công dụng riêng. 

Nước khoáng Vichy được quảng cáo trên Lục tỉnh tân văn số 609 với công dụng thần kỳ
Nước khoáng Vichy được quảng cáo trên Lục tỉnh tân văn số 609 với công dụng thần kỳ

“Nestlé sữa con chim tốt nhứt”

Đảo qua nhiều báo ở Sài Gòn giai đoạn đó, độc giả sẽ thấy hãng sữa Nestlé khuynh đảo thị trường sữa khi quảng cáo trên rất nhiều báo, ở mỗi báo lại có một giọng quảng cáo sản phẩm khác nhau. Trên Thần chung số 309, ra ngày 8/2/1930, hãng này chỉ trưng hình hộp sữa kèm dòng giới thiệu rất tự tin: “Sữa hiệu con chim Nestlé là tốt hơn hết trong thế giới”. Bao nguyên bìa 4 của tạp chí Trong khuê phòng số 87-88, ra ngày 20 - 31/8/1938, Nestlé dùng hình ảnh trực quan người mẹ cho em bé uống sữa, cùng dòng chữ “Nestlé sữa con chim tốt nhứt”. Quảng cáo này đúng theo kiểu khẩu ngữ Việt Nam hay dùng là “Không cần nói nhiều”. 

Quảng cáo sữa Nestlé trên tạp chí  Trong khuê phòng số 87-88
Quảng cáo sữa Nestlé trên tạp chí Trong khuê phòng số 87-88

Đồ uống không chỉ có rượu, nước giải khát mà còn có các loại thuốc nước để uống. Cách tiếp thị sản phẩm của các hãng dược rất thông minh. Bằng chứng là Diệp Vĩnh Xuân dược phòng tại 15 đường Canton (nay là Triệu Quang Phục), Chợ Lớn đăng quảng cáo trên Tân văn số 1, ra ngày 4/8/1934 đã tiếp thị sản phẩm thuốc “Tiêu ban Thối nhiệt đơn” (có tác dụng chữa cảm lạnh, thương hàn, trái rạ… cho trẻ em) cực kỳ hấp dẫn. Đó là độc giả chỉ cần cắt hình ve (chai) thuốc trong mẩu quảng cáo đem đến tiệm sẽ được tặng 1 ve thuốc. Sản phẩm cho không này có hạn cho 30 ngày, “quá kỳ thì mỗi ve bán 0$10” (tức 1 hào). 

Cũng là thuốc nước nhưng món này trị “bệnh khó nói” của nam giới. Báo Sài Gòn số 29, ra ngày 7/6/1933 giới thiệu thuốc Đức Trọng trị bệnh di tinh cho giới mày râu theo phong cách hài hước chứ không đến nỗi làm độc giả đỏ mặt khi đọc bởi hiệu thuốc quảng cáo bằng thơ: 

Đức Trọng Annam hiệu thuốc mình,
Thuốc nầy chuyên trị bịnh di tinh.
Ấy ai bịnh hoạn nên dùng thữ [thử],
Hiệu nghiệm thần kinh, quĩ [quỉ] cũng kinh.

Tổng xã báo số 79, ra ngày 9/5/1941 quảng cáo rượu bổ máu bò lọc Néo Tonique hiệu Đầu beo
Tổng xã báo số 79, ra ngày 9/5/1941 quảng cáo rượu bổ máu bò lọc Néo Tonique hiệu Đầu beo

Với thuốc trị ho, quảng cáo thuốc Pneumosérum của đại lý thuốc ở đường Bonnard trên Điễn tín số 983, ra ngày 6/5/1938 chuyên nghiệp không kém quảng cáo trên truyền hình bây giờ khi lấy một ví dụ rất cụ thể với hình nam giới ôm ngực ho và dòng tựa to “Anh nầy ho… đã lâu rồi”. Tiếp theo đó là phần câu chuyện với ý là uống thuốc gì cũng không khỏi; chỉ đến khi dùng chai Pneumosérum mới hết ho, ngủ yên. 

Lại còn có kiểu quảng cáo thuốc bổ rất ư sáng tạo bằng cách… xin lỗi. Lỗi ở đây không phải vì thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng mà là vì… hết thuốc để bán trong khi nhu cầu của khách hàng thì nhiều. Đại Quang dược phòng ở Chợ Lớn đưa mẩu tin quảng cáo “Nhà thuốc Đại Quang xin lổi [lỗi]” lên Tân tiến số 329, ra ngày 25/3/1939 về loại “Thuốc mạnh”. Do chế ra không đủ bán nên “thật là đã phụ lòng tốt của quí khách đã chiếu cố”. Sau lời xin lỗi dễ thương là phần giới thiệu công dụng “Thuốc mạnh” sẽ tăng lên khi pha cùng rượu hoặc nước sôi để uống. 

Bài và ảnh: Trần Đình Ba

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI