Sài Gòn vào mùa ngập mới với những “căn bệnh” cũ

22/05/2020 - 07:52

PNO - Sau cơn mưa ngắn giữa trưa 20/5, tuyến đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân, TPHCM) như biến thành sông, người dân phải tất tả be bờ, vây tường chắn, ngăn nước bẩn xộc vào nhà. Điều đáng nói là, tuyến đường này vừa được sửa chữa.

Chỉ trải qua vài cơn mưa chuyển mùa, số tuyến đường bị ngập ở TPHCM đã tăng gấp đôi. Theo lý giải của đơn vị chống ngập, một số đường bị ngập là do… nước từ hẻm đổ về nhiều.
Chỉ trải qua vài cơn mưa chuyển mùa, số tuyến đường bị ngập ở TPHCM đã tăng gấp đôi, theo lý giải của đơn vị chống ngập, một số đường bị ngập là do… nước từ hẻm đổ về nhiều. Ảnh: Sơn Vinh

Bất ngờ vì mưa nhỏ lại gây ngập to
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong lúc người dân sống trên đường Hồ Ngọc Lãm bì bõm chống ngập giữa trưa, lượng mưa đo được ở trạm An Lạc gần đó cũng chỉ có 36,6mm. Lúc đó, mực triều trên sông và kênh rạch ở TPHCM vẫn rất thấp: mực triều đo được ở trạm Bình Triệu (sông Sài Gòn) vào lúc 13g15 chỉ đạt 0,72m.

“Nếu lượng mưa dưới 40mm và mực triều dưới 1m mà đường bị ngập lênh láng thì thật khó hiểu, vì trong năm 2019, đường Hồ Ngọc Lãm đã được nâng cấp, cải tạo một số đoạn cơ bản. Cần phải xem lại công tác duy tu, nạo vét cống cũng như tính kết nối của hệ thống cống thoát nước ở khu vực này” - một chuyên gia nhiều năm theo dõi các dự án chống ngập ở TPHCM bày tỏ sự ngạc nhiên.

Trước trận mưa cục bộ ở quận Bình Tân trưa 20/5, chiều 19/5, với một cơn mưa tương tự, quận Gò Vấp vốn là vùng cao của TPHCM cũng có nhiều tuyến đường bị ngập. Cụ thể, lượng mưa đo được ở trạm Quang Trung chiều 19/5 chỉ 28,5mm và thời điểm mưa, mực triều trên sông Sài Gòn cũng xuống thấp (0,87m).

Dù vậy, theo báo cáo nhanh của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM, tuyến đường Nguyễn Văn Khối bị ngập kéo dài khoảng 65 phút. Gần điểm ngập này, còn có ba điểm bị ngập như Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu.

Chỉ vài cơn mưa chuyển mùa cuối tháng Tư cũng khiến nhiều khu vực của TPHCM bị ngập. Cụ thể, các trận mưa từ ngày 25-27/4 với vũ lượng không cao (chỉ từ 34-59,4mm) cũng làm ngập ít nhất tám tuyến đường.

Các điểm ngập lặp đi lặp lại từ tháng 4/2020 đến nay được xác định là: đường song hành với Quốc lộ 22, đường Phan Văn Hớn (quận 12 và huyện Hóc Môn), Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè)… Trong đó, đường Hồ Ngọc Lãm từng bị ngập trước khi mùa mưa bắt đầu.

Người dân ở đường Hồ Ngọc Lãm khổ sở chống ngập sau cơn mưa trưa 20/5 - Ảnh: Sơn Vinh
Người dân ở đường Hồ Ngọc Lãm khổ sở chống ngập sau cơn mưa trưa 20/5 - Ảnh: Sơn Vinh

Số tuyến đường ngập tăng gấp đôi

Theo số liệu do chúng tôi thu thập được, tính từ đầu năm 2020 đến hết ngày 30/4, tổng số ngày có mưa giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2019, tổng lượng mưa chỉ tăng khoảng 10% và những trận mưa có vũ lượng lớn hơn 50mm bằng nhau nhưng số tuyến đường bị ngập ở TPHCM lại tăng gấp đôi.

Theo lý giải của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TPHCM), nguyên nhân gia tăng số tuyến ngập là do mưa có cường độ lớn trong thời gian ngắn kết hợp với triều cường. Đối với các điểm ngập cụ thể, theo giải thích của trung tâm này, phần lớn là do đường trũng thấp, hệ thống cống thoát nước xuống cấp hoặc do mưa và triều cường cùng lúc gây ngập. Để xóa ngập những khu vực này, cần phải chờ dự án nâng cấp đường.

Cả thành phố chỉ còn bốn tuyến đường bị ngập triều

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, tính từ đầu năm 2020 đến nay, TPHCM chỉ có bốn tuyến đường bị ngập triều, gồm: Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh).

Tính đến tháng 4/2020, trung tâm này đã nạo vét hơn 172.000m lòng cống thoát nước, nạo vét hơn 7.400 hầm ga, thay hơn 2.190 nắp hầm ga, sửa chữa hơn 1.130 miệng ga thu nước… ở khu vực trung tâm TPHCM.

Trung tâm cũng vận hành hơn 10.077 van ngăn triều, 27 trạm bơm cùng 5 cống kiểm soát triều lớn như Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Cụ thể, theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, đường song hành Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn) bị ngập do cường độ mưa lớn trong thời gian dài kết hợp với địa hình trũng thấp, tiết diện cống thoát nước nhỏ, thiếu đồng bộ do đầu tư qua nhiều giai đoạn làm giảm tốc độ dòng chảy từ thượng lưu xuống hạ lưu.

Để hết ngập khu vực này, cần phải thực hiện dự án đầu tư nâng cấp đường Nguyễn Ảnh Thủ, đồng thời hoàn thiện dự án sửa chữa đường Phan Văn Hớn (khu vực huyện Hóc Môn)…

Tuy nhiên, trên thực tế, đoạn đường Phan Văn Hớn đoạn qua quận 12 vừa được nâng cấp, mở rộng chưa lâu, cũng thường xuyên bị ngập. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cho rằng, do khu vực này có địa hình trũng thấp cục bộ, nước thoát về đường Tân Thới Nhất ra cầu Sa chậm do cống ở đường Tân Thới Nhất có tiết diện nhỏ, không đồng bộ, trong khi cửa xả ra cầu Sa lại nằm sâu nên ảnh hưởng đến khả năng thoát nước…

Dù đã có hệ thống đê bao sông Sài Gòn nhưng Trường tiểu học Hà Huy Giáp nằm bên trong bờ đê khoảng 1,5km vẫn thường xuyên bị ngập - ẢNH: HOÀNG NHIÊN
Dù đã có hệ thống đê bao sông Sài Gòn nhưng Trường tiểu học Hà Huy Giáp nằm bên trong bờ đê khoảng 1,5km vẫn thường xuyên bị ngập - Ảnh: Hoàng Nhiên

Đối với điểm ngập “kinh niên” Hồ Ngọc Lãm, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết, nguyên nhân ngập là do hệ thống cống thoát nước đã cũ, một số vị trí đã xuống cấp, cao độ mặt đường thấp hơn đỉnh triều. Trước mắt, để chống ngập, phải duy tu cống thường xuyên và vận hành cống ngăn triều. Về lâu dài, phải kết hợp với dự án đầu tư tuyến đường Vành đai 2 ở phía nam. Dự kiến, dự án này sẽ khởi công trong năm 2020. 

Chờ vận hành dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng
Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết, dự án giải quyết ngập triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I) do Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam thực hiện chỉ mới thi công đạt gần 80%. Dự kiến, khoảng tháng 9/2020, sáu công trình kiểm soát triều thuộc dự án này mới hoàn thành, đưa vào vận hành.

Theo kế hoạch, cuối tuần này, lãnh đạo UBND TPHCM sẽ đi khảo sát thực tế và giải quyết các vấn đề về quản lý vận hành khi công trình ngăn triều hoàn thành. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan và nhà đầu tư xem xét, chuẩn bị tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả và công tác vận hành dự án. Với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự án chống ngập triều này được kỳ vọng sẽ chống ngập triệt để cho vùng trung tâm TPHCM. 

Hoàng Nhiên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Lieutien 22-05-2020 10:22:10

    Mới có lượng mưa nhỏ mà Thành phố đã thất thủ rồi!. Chuyện này nói nhiều năm nay, nhưng những nhà kỹ trị hầu như cũng bó tay rồi. Muốn chống ngập quan trọng là quí ngài nên tìm cái gốc mà giải quyết. Chứ cứ loay hoay, ngập nâng đường, vét cống, bờ bao .....thì cũng vô ích. Tốn tiền mà không hiệu quả.

  • Dân quê 22-05-2020 08:30:22

    Chống ngập theo kiểu ngập tới đâu nâng cao tới đó thì quá đau khổ cho dân. Nếu trời sắp mưa mời nhà báo về Hồ học Lãm để xem cho rõ sự tình. Chống ngập rồi nâng đường (để lập thành tích xóa ngập) thì dân tình trong các con hẻm lại vô cùng khốn đốn vì đường cao hẻm + nhà dân thấp nên bao nhiêu nước cống + nước bẩn mà các nhà máy tại đây lợi dụng cơn mưa xả ra đường làm cho người dân lãnh đủ. Do đó ngập ngụa là chuyện nhỏ mà sống chung với nước bẩn độc hại từ ống cống và nước thải của các nhà máy mới là chuyện đau khổ của người dân. Do đó kiến nghị các cấp lãnh đạo đừng lập thành tích chống ngập theo kiểu nâng nền còn người dân lãnh hậu quả. Mời nhà báo đến tham quan - Mong lắm thay

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI