Sài Gòn vẫn hát

01/08/2021 - 06:48

PNO - Những ngày này, Sài Gòn vẫn ngoan cường chiến đấu trước cơn đại dịch lan nhanh. Những tưởng sẽ là một Sài Gòn im ắng khắc khoải. Nhưng không, Sài Gòn vẫn hát. Từ tâm dịch, Sài Gòn luôn biết cách động viên và cùng nhau lan tỏa thông điệp vững tâm.

"Dòng máu nối con tim đồng loại… dựng tình người trong ngày mới…" - tiếng hát vang vọng đầy khí thế ấy bắt nguồn từ Bệnh viện dã chiến số 6 (phường An Khánh, TP. Thủ Đức) - nơi đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Có thể họ chính là dân của thị thành này, cũng có thể họ là lưu dân tứ xứ đến đây mưu sinh nhưng hiện tại, họ chung một chiến trận. Từng ngày, họ đang phải chống chọi với căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Giữa không gian tĩnh lặng của bệnh viện, tiếng hát cất lên như lời tri ân, động viên  y, bác sĩ lẫn bệnh nhân trong cuộc chiến với đại dịch - Ảnh: Nguyễn Á
Giữa không gian tĩnh lặng của bệnh viện, tiếng hát cất lên như lời tri ân, động viên y, bác sĩ lẫn bệnh nhân trong cuộc chiến với đại dịch - Ảnh: Nguyễn Á

Gần 6.000 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 6 nhưng nơi đây chỉ có chưa tới 400 y, bác sĩ. Bạn có thể hình dung được không: một người hỗ trợ cho hơn 100 người? Lúc này đây, mỗi nhân viên y tế vừa là người chăm sóc sức khỏe, vừa là chuyên gia tâm lý, vừa là người giúp chuyển đồ cho bệnh nhân khi nhập viện hoặc khi người nhà tiếp tế… Hàng ngàn F0 ấy luôn trong tâm trạng lo âu. Hàng trăm nhân viên y tế ấy luôn quá tải với lượng công việc mỗi ngày. Tất cả đều cần được sẻ chia và động viên, giúp sức…

Và chẳng rõ do ai khởi xướng, mỗi tối, các bệnh nhân của Bệnh viện dã chiến số 6 đều đổ ra ban công hô vang: "Cảm ơn bác sĩ, tình nguyện viên. Cố lên, Sài Gòn chiến thắng”. Họ vỗ tay vang rền từng hồi. Cả không gian như bừng sáng bởi mấy ngàn con người đều dùng ánh đèn flash của điện thoại hướng về tòa nhà trung tâm của đội ngũ y, bác sĩ và tình nguyện viên. Đêm trong khu điều trị như được ngàn sao chiếu sáng - thứ ánh sáng lấp lánh của lòng biết ơn.

Nghĩa đồng bào thời khắc này chính là thành trì giúp ta vững tâm đương đầu với cơn nguy biến. Những đêm Sài Gòn vẫn hát đã nối tiếp nhau. Ban đầu, từ các dãy nhà gần khu trung tâm, các bệnh nhân tận mắt chứng kiến nỗi nhọc nhằn của đội ngũ y, bác sĩ và tình nguyện viên, đã rủ nhau ra ban công sau giờ cơm tối để vỗ tay hô vang lời cảm ơn. Rồi, như một lời hiệu triệu của muôn trái tim, các dãy nhà tiếp theo đồng thanh hưởng ứng, thành một nếp sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân nơi đây.

Đội ngũ y, bác sĩ như cũng cảm nhận được tấm chân tình của người bệnh, mỗi đêm lại ra sân trung tâm, giữa hơn chục dãy nhà, cúi người cảm ơn và dùng loa để hát đáp lời. Có những hôm, sân bệnh viện dã chiến trở thành sân khấu khi các nghệ sĩ tình nguyện xuất hiện. Với loa thùng, micro thô sơ, họ say sưa hát, như một lời động viên.

Tiếng ca tiếp nối tiếng ca gắn kết những trái tim mới cách đây ít ngày vẫn còn xa lạ. Có nụ cười lẫn nước mắt đã rơi trong những đêm Sài Gòn vẫn hát. Có những lời hẹn sau ngày ra viện sẽ quay lại để hỗ trợ nơi đây bởi hơn ai hết, chính bệnh nhân đã thấm thía và thấu tận nỗi cực nhọc của tuyến đầu chống dịch. 

Đất Sài Gòn vẫn luôn dang rộng vòng tay hào sảng chở che cho biết bao con người. Mà ngộ lắm, xứ này chẳng bao giờ bỏ rơi ai. Dẫu trong những ngày hối hả quay cuồng với khó khăn chồng chất, lòng người Sài Gòn vẫn cứ lạc quan. Giữa hoàn cảnh đầy khắc nghiệt, Sài Gòn vẫn hát, vẫn bát ngát tình người len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm.

Về sau, khi nhắc đến một thời gian khổ đã qua, tôi tin nhiều người sẽ không quên những đêm Sài Gòn vẫn hát; sẽ cay mắt bởi những câu chuyện tử tế giản dị mà đầy ắp nghĩa tình. 

Tống Phước Bảo

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI