Hình ảnh chiếc Mobylette nhẹ nhàng lướt đi trên phố gợi lại một thời mà người Sài Gòn chưa bị nhấn chìm bởi vô số vấn nạn kinh khủng trên đường phố, thời mà người Sài Gòn mỗi khi ra đường là một dịp để tận hưởng những khoảng không văn hóa trong lành.
|
Những chiếc Mobylette cổ trên hành trình xuyên Việt năm 2009 |
Xin được nói ngay, xe Mô ở đây không phải những chiếc mô-tô phân khối lớn mà chính là xe Mobylette - dòng xe đã rất cũ của một thuở Sài Gòn xưa. Cái chuyện chơi trái đời ấy đang là phong trào và hiện có không ít thanh thiếu niên thế hệ 8x, 9x Sài Gòn, Hà Nội đang tha thiết tương tư một con Mô tới mất ăn mất ngủ.
Bạn còn nhớ chiếc Mobylette không? Nếu là người miền Nam và tuổi trên năm mươi, tôi chắc là mỗi khi nhớ về chiếc xe nhập khẩu từ nước Pháp này, bạn sẽ sống lại rất nhiều kỷ niệm. Nào là hình ảnh ông hương, ông cả, cậu ấm… mặc đồ bốn túi trắng, đội nón cối trắng, mang giày trắng, cỡi chiếc Mô phun khói thơm phức mùi xăng pha nhớt lượn trên những con đường thị trấn nhỏ hẹp để lý le - ve vãn các bà, các chị. Mobyletter chính là hình ảnh biểu trưng mức sống no đủ, nếp sống sang trọng của giới trung lưu miền Nam vào những thập niên đầu thế kỷ XX.
Có người cho rằng thủ phạm kết thúc thời kỳ huy hoàng của Mobylette chính là dòng xe Honda Nhật, nhưng một số người khác lại chứng minh: khi bị các hãng xe máy Nhật cạnh tranh, Mobylette có xuống phong độ nhưng chưa bao giờ vắng bóng trên thị trường miền Nam.
Ngày nay, bất cứ chiếc Mô nào thuộc hai dòng xe, dòng Mobylette đũa và Mobylette xám mà chưa bị “giết” thì dù là đang treo giàn bếp hay nằm trong đống sắt vụn đều được moi ra để “trưng bày cái thân xác huy hoàng” trước con mắt ham muốn của giới chơi xe Mô.
Ông N., một người làm nghề sửa xe đạp ở Gò Công kể: “Có vợ chồng chạy Dylan từ Sài Gòn xuống, không biết ai chỉ mà xộc thẳng vào nhà tôi đòi mua chiếc xe Mô xám của ông già tôi để lại, đã rã banh chành. Tôi thấy ngại quá mới nói họ chờ tôi gom đồ dựng lại xe coi cho đàng hoàng, chớ bán sao được cái đống sắt sét đó. Vậy mà họ nói khỏi, có bao nhiêu đồ cứ gom hết vô bao bố, họ chở đi liền, giá cả không thành vấn đề”.
Ở Sài Gòn - Chợ Lớn ngày nay vẫn còn nhiều điểm sửa xe giữ nghề “truyền thống” - chuyên sửa xe Mobylette. Anh Hai, nhà trên đường Hùng Vương là một người như vậy. Nếu có ai băn khoăn liệu anh có đủ sống không, anh cười nói: “Đủ hay không là do mình. Tôi quen nghề rồi, không muốn bỏ”. Tất nhiên anh có nghề tay trái là hàn gió đá, nhưng niềm đam mê sửa xe Mô của anh thì vẫn vậy.
Anh kể: “Tôi mê Mobylette từ nhỏ. Máy xe này đơn giản nên dễ sửa. Gặp thời buổi khó khăn, tôi nhận sửa cho mấy tay người Hoa chạy hàng ở Chợ Lớn, chủ yếu là sửa xe Mobylette xanh. Mobylete thời trước toàn chủ cả, công chức đi không hà. Xuống đời xe để cõng hàng chạy chợ. Thấy xe mà thương!”.
Tất nhiên là anh Hai hay một số ít người lớn tuổi làm nghề sửa xe Mobylette trên đường Nguyễn Tiểu La hay khu cầu Bông cũng không ngờ có lúc chiếc Mobylette được sống lại, và sang trọng đi vào thế giới của những người chơi đồ cổ. Chúng được thế hệ trẻ hôm nay ưa chuộng. Xác một chiếc Mobylette loại hai đũa hoặc xám giờ có giá gần chục triệu đồng. Từ xác xe qua các công đoạn sơn sửa, trang trí… đến lúc có thể nổ máy chạy được có khi giá trị không thể tính bằng tiền.
Ông Năm, một người Hoa ở quận 11, nói: “Mobylette là ông tổ của xe tay ga hạng sang bây giờ”. Còn một bạn trẻ, sau cả năm lùng sắm được một xác xe thì nói: “Đi Dylan hay Vespa tay ga là chuyện thường. Có một con Mô mới là sành điệu”. Khi được hỏi bạn thấy gì ở chiếc xe già nua này. Người bạn trẻ nói: “Cá tính bác ơi. Sài Gòn có cả một dòng thác xe máy. Đi chiếc xe mà ai cũng phải ngoái nhìn mới sướng”.
Những người chơi xe Mobylette trước đây thường tụ tập ở công viên bên cạnh nhà thờ Đức Bà vào mỗi sáng chủ nhật để khoe xe và trao đổi với nhau niềm đam mê các loại xe cổ của miền Nam xưa. Nay khu vực này đã có nhiều thứ khác nên dân chơi xe không còn tụ về đây nữa. Nhiều người dự đoán trong vài năm tới, khi đường phố không còn chỗ để cục cựa thì chuyện chạy một chiếc xe cổ quý hiếm, nhẹ nhàng, thanh thoát như chiếc Mobylette sẽ là hình ảnh bao người khát khao.
Thời bao cấp, chiếc xe đạp của các gia đình bình dân miền Nam được giữ cẩn thận như giữ bổn mạng. Chính trong thời khốn khó đó, xe Mobylette được nhiều gia đình rã ra, lấy sườn làm xe đạp để đi thồ gạo, đường, than... trên khắp các nẻo đường đất nước. Giờ nhìn lại, có người nói: “Chiếc Mô thồ hàng là ân nhân của gia đình tôi”, tưởng cũng chẳng có chi quá đáng. |
Trần Tiến Dũng