|
Sài Gòn - thành phố của những người phụ nữ không chịu ngồi yên (Ảnh: Kim Dung) |
Sinh sống ở nước ngoài từ Úc sang Âu, một trong những điều tôi nhớ nhất về Sài Gòn chính là sự tiện lợi từ đủ loại dịch vụ mà các bà, các mẹ ở những khu chung cư tạo ra. Tôi tự gọi họ là “những người phụ nữ không chịu ngồi yên”.
Tôi viết những dòng này khi châu Âu đang lạnh. Thời tiết khiến cả trẻ con lẫn người lớn dễ đau ốm, nhất là những bệnh như cảm, cúm, sốt siêu vi… Tôi và cậu con trai nhỏ bị bệnh, nằm nhà suốt mấy ngày liền. Tôi muốn nấu một tô cháo nóng với thịt bằm, cho thật nhiều tiêu và hành lá, ăn vừa dễ tiêu hoá, vừa giải cảm, nhưng trong tủ lạnh không có đủ nguyên liệu, người thì uể oải không đủ sức để bước chân ra siêu thị.
Đó là lúc tôi da diết nhớ Sài Gòn - thành phố tiện lợi với đủ loại dịch vụ, cần gì cũng có. Tôi nhớ chị Hoa, một người giúp việc theo giờ cho tôi trong những năm tháng sống trong chung cư ở quận Bình Thạnh. Chị Hoa là một phụ nữ trung niên, quê ở Bình Phước. Khi con gái đậu đại học, chị quyết định nghỉ việc công nhân ở nhà máy, theo con vào Sài Gòn, vừa ở cạnh chăm sóc cơm nước, vừa đi làm kiếm tiền nuôi con ăn học.
Công việc của chị là giúp việc theo giờ cho những gia đình trong chung cư với mức phí là 50 ngàn đồng/ giờ. Nhờ có chị mà những phụ nữ vừa đi làm vừa chăm con nhỏ như tôi được đỡ đần. Thật tình là với mức lương của một nhân viên văn phòng, nếu phải chi ra 7 - 8 triệu/ tháng để thuê hẳn một người giúp việc toàn thời gian thì quả là chật vật. Và quan trọng là trong nhà cũng không có quá nhiều việc để thuê người xuyên suốt. Vậy là những chị, những cô giúp việc theo giờ trở thành lựa chọn vô cùng lý tưởng cho những người có thu nhập trung bình như tôi và nhiều chị em khác.
Một tuần 3 lần, chị Hoa đến giúp tôi đi chợ mua thịt cá, rau củ về sơ chế, đóng hộp cất tủ lạnh, dọn dẹp nhà cửa, ủi quần áo. Thỉnh thoảng, chị kiêm luôn những việc lặt vặt như đi đóng tiền nước, tiền quản lý chung cư… Ngoài giúp việc nhà, chị còn là một đầu mối mua bán thực phẩm quê, khi thì gà thả vườn, khi thì cá mực, khi thì bánh bột lọc nhà làm. Chị không nề hà một công việc gì, đảm đang tháo vát để có tiền chăm lo cho gia đình.
Chị Hoa chỉ là một trong số nhiều người phụ nữ hay lam hay làm mà tôi đã gặp khi sống ở Sài Gòn. Trước chị Hoa, tôi có vài cô giúp việc khác, người từ Bắc vào, người từ miền Tây lên. Ngày thường, họ giúp việc nhà, gom ve chai. Đến ngày rằm hay mồng Một họ còn bán thêm xôi, chè và các loại bông cúng.
Chỉ sau vài tin nhắn trao đổi qua Zalo, các bà các cô sẽ giao hàng đến tận cửa nhà. Tôi gọi họ là những người phụ nữ không chịu ngồi yên. Họ luôn kiếm một việc gì đó để mà luôn tay luôn chân, để có thêm chút tiền trang trải trong ngoài. Nhưng cũng có khi họ không thật sự cần tiền, chỉ đơn giản là rảnh rỗi và không muốn thời gian trôi qua vô ích. Tôi nhìn thấy ở họ sự hồn hậu, chân chất của những người phụ nữ Việt chịu thương chịu khó, luôn muốn mình có ích cho ai đó.
Những người phụ nữ không chịu ngồi yên đâu chỉ có trong những chung cư. Họ hiện diện khắp nơi trên mọi nẻo đườngthành phố. Có lần, anh bạn người Singapore của tôi khoe rằng anh vừa trở về sau một kỳ nghỉ dài một tuần ở Sài Gòn.
Tôi hỏi anh nhớ điều gì nhất về thành phố của tôi, trong lòng thầm nghĩ chắc anh sẽ nói về những món ăn đường phố, về xe máy đông ken, về sự thân thiện, hồn hậu của người dân nơi đây... Nhưng câu trả lời của anh khiến tôi bất ngờ. Anh nói: “Tôi có cảm giác nền kinh tế vỉa hè ở Sài Gòn là nền kinh tế của phụ nữ. Đằng sau một chiếc xe đẩy, dưới một đôi quang gánh, trên một tấm bạt ven đường… đa số đều là phụ nữ”.
Sau cuộc trò chuyện ấy, mỗi lần ra đường, tôi cố tình quan sát và đếm thử xem có đúng là phụ nữ đang “thống lĩnh” nền kinh tế vỉa hè ở Sài Gòn không. Sáng sáng, khi vừa bước chân xuống sân chung cư, khi đứng chờ xe ôm công nghệ, kế bên tôi là một xe bánh mì chả cá nóng của một cô trạc chừng 50 tuổi.
Đối diện đó là một xe cà phê “cóc”, chiếc xe nhỏ đến nỗi không đựng được hết mớ đồ nghề lỉnh kỉnh, nhưng không sao, bờ tường và góc cây to kế đó đã trở thành kệ để đồ của hai chị em trung niên.
Vị trí đó, ban ngày, hai cô bán cà phê bình dân chỉ 12 ngàn đồng/ ly cho dân lao động, buổi tối bán nước mía cho mấy gia đình đi dạo công viên. Quẹo ra đầu chợ Thị Nghè thì tôi gặp ngay một xe bột chiên của hai vợ chồng trẻ, người vợ vừa thoăn thoắt đập trứng, chiên bột, í ới tính tiền, người chồng phụ cho thức ăn vào hộp giao cho khách…
Tôi không biết liệu việc làm của những người phụ nữ như cô Hoa hay những bà những chị buôn gánh bán bưng trên đường phố Sài Gòn có được thống kê đầy đủ và tính vào GDP của thành phố hay không. Dẫu vậy, có một điều tôi biết chắc chắn và cảm nhận rõ rệt, đó chính là những người phụ nữ ở Sài Gòn luôn luôn tìm được cách mưu sinh. Họ không chê việc lớn việc nhỏ, họ sẵn lòng đón nhận mọi cơ hội để kiếm đồng tiền chân chính và để tạo ra một giá trị nào đó cho cuộc sống này.
Cúc T. (Budapest, Hungary)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |