Sài Gòn trong tôi

21/10/2023 - 07:11

PNO - 2 chữ “Sài Gòn” hiện diện đâu đó đều mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi, bình dị, khiến lòng người nao nao...

 


Quay qua quay lại, tôi đã sống ở thành phố này gần 50 năm kể từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất. 

Với thế hệ cư dân “sau năm 1975” như tôi, Sài Gòn - TPHCM có quá nhiều điều đáng nhớ, từ sự ngạc nhiên trong ngày đầu nhìn thấy thành phố rộng lớn, hiện đại, người xe nườm nượp, trang phục có phần xa lạ, rồi muôn vàn khó khăn trong những năm bao cấp sau đó mà Sài Gòn đã vượt qua bằng sự chịu đựng và nỗ lực “xé rào”... đến thời gian “cách ly toàn xã hội” do đại dịch COVID-19 năm 2021, thành phố bỗng vắng ngơ vắng ngắt. Khi đó, tất cả căng mình chống chọi với dịch bệnh và thiếu thốn bằng sự đùm bọc, chia sẻ, bằng tình người chưa bao giờ thiếu ở mảnh đất này, bằng sức và lực được phát huy ở mức cao nhất. Những năm tháng ấy đã dệt nên ký ức về một Sài Gòn của riêng tôi, của riêng mỗi người...

Tại nơi này, một đô thị lớn luôn sôi động, là nơi nhập cư của những người tứ xứ, 2 chữ “Sài Gòn” hiện diện đâu đó đều mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi, bình dị, khiến lòng người nao nao... Đó là vì thành phố có thể thay đổi theo hướng hiện đại hơn nhưng vẫn còn đó một hệ thống di sản văn hóa vật chất hiện hữu bằng những cảnh quan quen thuộc “trên bến dưới thuyền”, những con đường với hàng cây trăm tuổi hiền hòa, những công trình kiến trúc nghệ thuật, những ngôi đình, chùa, đền, miếu lâu đời... Và còn là di sản tinh thần của người Sài Gòn khoan dung, nhân nghĩa, phóng khoáng không dễ mất đi, có khi chỉ tạm khuất lấp bên dưới những bộn bề của một đô thị có quá nhiều vấn đề nóng bỏng trong quá trình phát triển.

Gần 50 năm, thành phố có biết bao thay đổi, bao nhiêu người đến đây rồi ở lại, bao nhiêu người vì hoàn cảnh riêng đã ra đi. Nhưng, tất cả đều mang trong mình một cảm tình tưởng nhạt nhòa mà vô cùng sâu đậm với Sài Gòn. Bởi vì, TPHCM hiện nay là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, một đô thị hiện đại mà vẫn dung chứa trong mình nhiều truyền thống văn hóa - lịch sử độc đáo và quý giá.

Lịch sử Sài Gòn - TPHCM cho thấy tiến trình phát triển của một vùng đất có vị thế địa - lịch sử độc đáo, để từ đó hình thành bản sắc địa - văn hóa đa dạng, năng động và cởi mở trên nền tảng truyền thống chung của cả nước, đó là cần cù lao động, yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm. Sài Gòn được hình thành ở vị trí trung tâm vùng đất Nam Bộ, nối liền 2 miền Đông - Tây. Nằm trên trục giao thông thủy bộ quan trọng ở Nam Đông Dương, có “mặt tiền” nhìn ra biển Đông là khu vực Cần Giờ, có vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông từ thời tiền sử đến ngày nay. 

Từ khi Sài Gòn hình thành một đô thị ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn, đây đã là nơi dân tứ xứ thường xuyên đổ về, không chỉ lưu dân Đại Việt mà còn có nhiều sắc dân khác nữa. Sách Gia Định thành thông chí đầu thế kỷ XIX đã chép: “Gia Định là cõi Nam nước Việt. Lúc mới khai thác, lưu dân nước ta cùng người Đường, người Tây Dương, Cao Miên, Đồ Bàn... đến ngụ cư đông đúc xen lẫn”. 

Công cuộc khai khẩn và xây dựng vùng đất mới phải trải qua nhiều gian nan, khó nhọc, bao lớp người đã phải đối mặt với thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt, phải học cách nhận biết và thích nghi với hoàn cảnh khác biệt với quê hương bản quán, tìm cách hòa hợp lối sống và học tập kinh nghiệm lao động, sản xuất của cộng đồng bản địa. Kinh nghiệm thành công của người Nam Bộ thật đơn giản: thích nghi, hội nhập, tôn trọng sự khác biệt, tứ hải giai huynh đệ, sống thật thà và tương thân tương ái... 

Sài Gòn - TPHCM là một trung tâm kinh tế lớn, “đất làm ăn” của nhiều cộng đồng dân cư, nơi tiếp cận và tiếp nhận những phương thức làm ăn mới. Vì vậy, với người Sài Gòn - TPHCM, tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu, cùng với sự rạch ròi, linh hoạt và quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu cũ, nhạy bén với những mầm mống tốt đẹp, năng động, sáng tạo tiếp thu khoa học, kỹ thuật mới... Tất cả hướng đến hiệu quả thực sự của “công chuyện làm ăn”, không lý thuyết suông, không giáo điều. 

Đồng thời, sự liên kết, hỗ trợ nhau trong làm ăn, trọng tình nặng nghĩa trong những mối quan hệ cá nhân và cộng đồng... được coi là truyền thống nổi bật của người Sài Gòn - TPHCM. Đặc biệt, người Sài Gòn nói riêng, người Nam Bộ nói chung thường có tính cách lạc quan, không hay than thở, không mặc cảm sợ sai nên sửa sai nhanh, vì vậy nơi này dễ dàng quy tụ và lan tỏa những điều mới mẻ và tốt đẹp.

Truyền thống của một vùng đất, một cộng đồng là những gì được lắng đọng và lưu truyền qua quá trình lịch sử dài lâu, từ sự thích ứng với thiên nhiên và văn hóa của cộng đồng. Truyền thống mang tính bền vững, thường được bổ sung qua từng giai đoạn, trở thành “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của cộng đồng, vùng đất đó. Sự hội tụ nhân lực từ mọi miền, mọi nguồn gốc được nhiều thế hệ dân cư ở Sài Gòn - TPHCM duy trì, phát triển.

Cho đến nay, “người Sài Gòn - TPHCM” được coi là tất cả những ai sinh sống, làm việc tại đây và cả những người ở xa luôn nhớ thương thành phố này. “Chất” Sài Gòn là ở suy nghĩ, hành xử trong làm ăn, trong đối xử với người lạ người quen, chứ đâu phải là có nhà cửa, có mấy đời đã sinh sống ở đây.

ảnh: hải long
Ảnh: Hải Long

Nhìn lại một chặng đường chưa dài của TPHCM nhưng là một phần đời của mỗi người, nếu tình cảm đừng quá thiên vị với nơi “chôn nhau cắt rốn” thì có lẽ ai trong chúng ta cũng có lần muốn nói một điều gì đó với thành phố này - nơi ta từng ít nhiều được sẻ chia một cơ hội trong cuộc sống. 

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, đã rất nhiều người viết về Sài Gòn - TPHCM được đồng cảm và chia sẻ, rất nhiều tác phẩm, công trình về Sài Gòn đã ra đời và được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng có sao đâu. Mỗi người đều có những kỷ niệm và trải nghiệm riêng với Sài Gòn, từ đó hình thành sự hiểu biết và nuôi dưỡng tình cảm của riêng mình dành cho thành phố này. 

Và để ghi lại những câu chuyện dung dị, thấm đượm tình yêu dành cho vùng đất nghĩa tình, dễ sống và đáng sống cùng những con người luôn hào sảng, chưa bao giờ hết yêu thương này, Báo Phụ nữ TPHCM - Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức cuộc thi viết “Thành phố của tôi”. Cuộc thi nhằm tôn vinh các thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hóa, những công trình làm thay đổi diện mạo thành phố, những di sản có giá trị văn hóa -  lịch sử của thành phố.

Đặc biệt cuộc thi nhằm tôn vinh những con người bình thường mà hào sảng qua những câu chuyện dung dị mà bạn là người trong cuộc hay chứng kiến. Những chuyện dù nhỏ nhưng có giá trị lan tỏa sự tử tế trong xã hội, góp phần “di truyền” những truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của Sài Gòn - TPHCM cho những thế hệ cư dân thành phố trong tương lai.

Xin mời các bạn cùng chung tay lưu lại một phần lịch sử - văn hóa của thành phố từ những công trình, những thành tựu to lớn, đồng thời từ câu chuyện của những “người Sài Gòn”. Đất nước nào, thành phố nào mà không bắt đầu được xây dựng từ những con người bình dị, phải không? 

Thể lệ cuộc thi viết “Thành phố của tôi”

1. Đối tượng dự thi
Mọi công dân Việt Nam sinh sống ở Việt Nam và nước ngoài, đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài quan tâm đến TPHCM.
2. Nội dung
Qua chặng đường gần 50 năm xây dựng và phát triển, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu, được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước trong đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, cuộc thi này tập trung vào các nội dung:
- Lối sống văn minh, hiện đại, nghĩa tình của người dân TPHCM thông qua các câu chuyện, việc làm, hành động cụ thể. 
- Sự hội tụ, đa dạng về văn hóa, con người của vùng đất Sài Gòn - TPHCM.
- Quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, con người Sài Gòn - TPHCM.
- Dấu ấn về sự gìn giữ bản sắc trong quá trình phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại của TPHCM.
- Nỗ lực của chính quyền, người dân TPHCM trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.
- Dấu ấn về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đô thị của chính quyền các cấp ở TPHCM.
- Sự đổi thay tích cực về mọi mặt của Sài Gòn - TPHCM từ năm 1975 đến nay.
- Hiến kế về những giải pháp cho những vấn đề cấp bách của TPHCM như ngập nước, kẹt xe, quy hoạch đô thị, thu hút nhân tài, cải cách hành chính…
3. Hình thức
Thi viết, dưới dạng phóng sự, ghi chép, tường thuật, bình luận, xã luận, tùy bút, bút ký, tản văn… của 1 tác giả hoặc nhóm tác giả. Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm.
Mỗi tác phẩm dự thi từ 700 đến không quá 2.000 chữ, được viết tay hoặc đánh máy bằng tiếng Việt, có ngôn ngữ trong sáng, phù hợp thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật Việt Nam.
Các tác phẩm dự thi sẽ được chọn, biên tập, đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM, Phụ nữ Online và được trả nhuận bút theo quy định của Báo Phụ nữ TPHCM.
Tác phẩm dự thi phải ghi rõ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có).
4. Cách thức và thời gian 
gửi bài dự thi 
- Bài dự thi gửi qua email saigon-tphcm@baophunu.org.vn, gửi qua đường bưu điện về Báo Phụ nữ TPHCM, số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi: Bài dự thi “Thành phố của tôi” hoặc đến gửi trực tiếp ở tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM.
- Thời gian nhận bài dự thi: từ ngày 20/10/2023 đến ngày 31/12/2024 (theo dấu bưu điện và hộp thư điện tử).
- Điện thoại của ban tổ chức cuộc thi: 0913 15 93 15.
5. Cơ cấu giải thưởng
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Bên cạnh các giải thưởng, trong quá trình diễn ra cuộc thi, ban tổ chức cuộc thi sẽ chọn lọc tác phẩm dự thi có chất lượng để đăng trên báo in, báo điện tử Phụ nữ TPHCM. Kênh HTV9 của Đài Truyền hình TPHCM (HTV) sẽ trích giới thiệu tác phẩm dự thi trong chuyên mục “Sách hay cuối tuần”, phát lúc 6g sáng Chủ nhật và chương trình “Văn nghệ Chủ nhật” phát lúc 10g sáng Chủ nhật hằng tuần. 
Tác phẩm được ban tổ chức bình chọn để trao giải hay nhất trong tháng sẽ được công bố trên Báo Phụ nữ TPHCM và giới thiệu trong chương trình “Văn nghệ Chủ nhật” của HTV. 
Sau lễ trao thưởng cuộc thi, HTV sẽ chọn những tác phẩm xuất sắc dựng thành video clip giới thiệu rộng rãi đến công chúng. 
Các tác phẩm vào chung kết sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).
6. Thời gian công bố và trao giải thưởng
Dự kiến ngày 8/3/2025.
7. Các quy định khác 
- Thành viên ban tổ chức, ban giám khảo, cơ quan giúp việc tổ chức cuộc thi không được dự thi. 
- Tác phẩm dự thi chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào, không có tranh chấp bản quyền; thông tin trong tác phẩm phải chính xác. Tác giả hoặc nhóm tác giả dự thi tự chịu trách nhiệm về bản quyền đối với bài dự thi của mình cũng như tính chính xác trong tác phẩm. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm về tranh chấp liên quan đến bản quyền, các khiếu nại liên quan đến tác phẩm và nhân vật trong tác phẩm. Nếu phát hiện sai phạm, ban tổ chức sẽ thu hồi nhuận bút, giải thưởng. 
- Ban tổ chức xin phép không hoàn trả bản thảo, hình ảnh của tác phẩm dự thi và được sử dụng các tác phẩm dự thi để phục vụ cho công tác quảng bá, tuyên truyền hoặc in sách sau cuộc thi. 
- Ban tổ chức sẽ thông báo đến tác giả có tác phẩm đoạt giải và sẽ có thư mời dự lễ trao giải thưởng.
- Trong quá trình tổ chức cuộc thi, nếu có những vấn đề phát sinh ngoài quy định của thể lệ này, ban tổ chức sẽ bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. 

Báo Phụ nữ TPHCM

Nguyễn Thị Hậu

(Tiến sĩ khảo cổ học)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI