Sài Gòn trong tạp văn: Những tâm tình chưa bao giờ cạn

30/06/2020 - 23:37

PNO - Một tọa đàm chủ đề "Sài Gòn trong tạp văn" vừa được nhóm Văn học Sài Gòn (Hội Nhà văn TP.HCM) và nhà xuất bản Hội Nhà văn - chi nhánh phía Nam tổ chức. Đây cũng là buổi trò chuyện về văn chương hiếm hoi từ sau đại dịch COVID-19 đến thời điểm này.

Cô giáo Khánh Huyền - giáo viên trường THCS Đức Trí cho biết, cô từng cho học sinh thực hiện các đề tài về Sài Gòn. Kết quả là cô - trò có được những giờ học đầy hào hứng, hiệu quả, lan tỏa tình yêu, sự hiểu biết và khám phá vẻ đẹp thành phố trong lòng các em.

“Trong buổi báo cáo tổng kết, các em đã tổ chức lớp học thành một không gian cà phê đậm chất Sài Gòn. Sau đó, một nhóm sáu em yêu thích văn chương lập fanpage để tiếp tục viết, chia sẻ cảm nhận về Sài Gòn bằng những góc nhìn trẻ thơ nhưng nhiều cảm xúc” - cô Huyền chia sẻ. 

“Tôi đặt họ bên cạnh nhau, trong dòng sách viết về Sài Gòn có thể nói đó là đại diện rõ ràng cho ba thế hệ người viết: nhà văn Trần Tiến Dũng, blogger - tác giả Đàm Hà Phú và nhà văn trẻ Anh Khang. Ba văn phong khác nhau, cho dù là từng trải, trầm tĩnh hay hóm hỉnh, lãng mạn thì với tôi, họ đều là những cây bút viết về Sài Gòn thật hay. Mỗi góc nhìn đều lấp lánh vẻ đẹp về một Sài Gòn khoan dung, giản dị, đời thường mà bền vững theo thời gian” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhìn nhận. Bản thân chị cũng là tác giả đã in các cuốn sách: Sài Gòn bao giờ cũng thế, Nghĩ ngợi đường xa (trong đó có riêng một phần chủ đề Mưa nắng Sài Gòn)… 

Tọa đàm Sài Gòn trong tạp văn, nói theo nhà thơ Phan Hoàng - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, bước đầu là một khai mở cho những tọa đàm, hội thảo có quy mô lớn hơn sẽ được tiếp tục tổ chức về chủ đề này. Bởi lẽ, các tác phẩm viết về Sài Gòn khi được gọi tên thành một dòng sách riêng biệt, thì văn chương đã ôm trọn trong lòng nó những giá trị lịch sử, đất và người.

“Dường như người cầm bút nào đến Sài Gòn cũng muốn viết về nơi này. Có những trang viết hoài niệm về Sài Gòn trước năm 1975, cũng có những trang viết về Sài Gòn hôm nay của những cây bút trẻ. Sài Gòn quá khứ, hiện tại hay tương lai đều là những trang viết rất đẹp, những rung cảm về Sài Gòn hôm nay không khác ngày xưa, dẫu thành phố vẫn còn kẹt xe, ngập nước…” - nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ. 

Đề tài Sài Gòn xưa từng trở thành dấu ấn một thời của văn chương Việt, khi những tên tuổi nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà báo Phạm Công Luận, Trần Nhật Vy… liên tiếp cho ra mắt những tác phẩm, công trình nghiên cứu đặc sắc. Tiếp theo đó là những tạp văn, dự án, sách chuyên đề: Sài Gòn không phải ngày hôm qua (Phúc Tiến), Sài Gòn - ký ức vượt thời gian (Nguyễn Ngọc Hà), Sài Gòn mê (nhiều tác giả), Sài Gòn trong Sài Gòn (Nguyễn Duy Quyền), Sài Gòn - Thị thành hoang dại (Khải Đơn), Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ (Đào Thị Thanh Tuyền), Sài Gòn chữ vội trên vai (Vũ Minh Đức), Sài Gòn của em (dự án sách họa cho thiếu nhi của nhà xuất bản Trẻ)… Đặc biệt là những tác phẩm viết về Sài Gòn luôn best seller của Anh Khang và Đàm Hà Phú. 

Khi báo Thanh Niên phát động cuộc thi Thành phố tôi yêu, ngoài những bài viết của các cây bút hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM, còn rất nhiều tác giả ở các tỉnh thành. Có các tác giả từ Bắc Ninh, Kon Tum, Kiên Giang và cả Brandenburg (Đức) đoạt giải, cũng như những nhà văn viết hay về Sài Gòn, nhưng lại không sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này.  

Khi những tâm tình, cảm nhận về Sài Gòn chưa bao giờ cạn, thì sự đón nhận của độc giả dành cho dòng sách này cũng chưa bao giờ vơi. Họa sĩ trẻ Lê Rin, khi bắt tay thực hiện dự án artbook có chủ đề Sài Gòn đã nhận ra rằng, so với những đề tài anh từng làm, thì chủ đề Sài Gòn được quan tâm nhiều nhất. Mảnh đất hội tụ những giá trị, kết nối con người ở các vùng miền, nuôi dưỡng giấc mơ, gìn giữ ký ức này cũng là nơi đón nhận mọi tình cảm nguyên lành. Nhà báo Trần Nhật Vy nói rằng, nếu khai thác ở góc độ lịch sử, Sài Gòn vẫn còn rất nhiều nơi chờ được “giải mã”.

Như những ngôi biệt thự cổ “kín cổng cao tường” đang lưu giữ trong lòng nó những câu chuyện về đất, về người của một thời biến động. Kể cả qua mùa dịch COVID-19 vừa qua, có thể thấy một Sài Gòn rất khác (khởi đầu cho cảm xúc viết từ dịch bệnh có thể kể đến tập Đi qua hai mùa dịch của Dy Khoa, vừa được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ra mắt ngày 30/5 tại Đường sách TP.HCM). 

“Nếu viết truyện ngắn, tiểu thuyết, chúng ta có thể hư cấu. Nhưng khi viết để trao đổi, chia sẻ lẫn nhau những giá trị xưa cũ, nếu anh không đủ am hiểu thì phải rất thận trọng” - nhà văn Ngô Đình Hải, người vẫn âm thầm với những trang viết về Sài Gòn bày tỏ. Đó như một lời nhắc nhở thế hệ người viết trẻ cho những lần giở về ký ức Sài Gòn xưa và nay qua trang viết. 

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI