Sài Gòn trong tâm tưởng chị Jeanne Huỳnh, Chủ tịch Hội Arebco

14/04/2015 - 07:28

PNO - PN - Năm 1955, chị Jeanne Huỳnh - tên Việt là Huỳnh Ngươn Trực - rời Sài Gòn, khi tròn hai tuổi. Bố công tác ở cơ quan ngoại giao nên chị được đến nhiều nước và năm 1970 định cư tại Pháp. Sống ở xứ người từ nhỏ, chị luôn tự...

edf40wrjww2tblPage:Content

Năm 1992, lần đầu tiên chị trở về Việt Nam. Lúc ấy, chị nghĩ về một Sài Gòn sau chiến tranh vẫn còn đói nghèo, rách nát như nhiều báo chí phương Tây đã viết. Thế nhưng, thực tế khác xa so với những gì chị đã đọc, nghe kể. “Dù không gian, cảnh quan, môi trường sống hoàn toàn xa lạ nhưng tôi cảm thấy thân thiện vô cùng. Sài Gòn thật gần gũi”, Jeanne Huỳnh tâm sự.

Với tất cả sự hăm hở khám phá vùng đất mà mình đã chôn nhau cắt rốn, chị tập đi xe gắn máy, tìm đến nhiều ngóc ngách, từng hẻm phố Sài Gòn. Rong ruổi, chị cảm nhận rằng, tình người nơi đây thật ấm áp. Bị ngã xe giữa phố, lập tức nhiều người đang buôn bán, đang đi đường chạy đến đỡ dậy, ân cần hỏi: "Có sao không?".

Khi một nhóm bạn bè ở Pháp thành lập Hội Arebco (Hội người về hưu và tự nguyện hợp tác phát triển an sinh) hướng về Việt Nam, chị tham gia ngay. Một trong nhiều hoạt động ý nghĩa của Hội là cấp học bổng, tài trợ cho học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giúp vốn cho nông dân nghèo vùng sâu vùng xa; cứu trợ bà con bị thiên tai...

Năm 2001, chị đảm nhận chức chủ tịch Hội. Đến nay Hội vẫn duy trì đều đặn mỗi năm trao từ 140-150 suất học bổng cho học sinh-sinh viên tại Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Cần Thơ,… Hội đã trao gần năm tỷ đồng cho học sinh-sinh viên, người nghèo khó.

Sai Gon trong tam tuong chi Jeanne Huynh, Chu tich Hoi Arebco

Chị Jeanne Huỳnh và tác giả

Làm thế nào để có tiền thực hiện nghĩa cử hào hiệp trong hơn 20 năm qua? Theo chị Jeanne Huỳnh, trong thời gian ở Pháp, Hội thường tổ chức những “Bữa cơm gây quỹ” mời hàng trăm người đến dự. Các anh chị trong Hội trình bày ý nghĩa công việc mình làm và kêu gọi lòng hảo tâm. Việc trưng bày, giới thiệu các hình ảnh về Sài Gòn của Hội đã tác động tích cực đến tình cảm kiều bào. Vì thế, họ sẵn sàng chung tay với Hội.

Ngày nay, trên sân khấu lớn, công chúng thường gặp MC Nguyên Khang lịch lãm. Ít ai biết, anh cũng từng nhận học bổng của Hội Arebco. Nhắc chuyện này, anh xúc động: “Lần đầu tiên tôi gặp cô Jeanne Huỳnh cách đây tám năm. Ấn tượng của tôi đó là một người phụ nữ mạnh mẽ, hay cười và có giọng nói ngọt ngào. Ngày ấy ba anh em tôi được nhận học bổng của Arebco. Tôi còn nhớ đó là một buổi trưa nắng gắt, ba anh em tôi lóng ngóng ngoài cổng trường để tìm địa điểm phát học bổng. Cô Jeanne Huỳnh lên phát biểu và chia sẻ rất cảm động. Cô nói để có những suất học bổng này, những thành viên của Hội đã trích từ lương hưu, nấu những bữa cơm gây quỹ học bổng. Với tôi, học bổng của Arebco có ý nghĩa vô cùng to lớn, nó giúp chúng tôi bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn trên con đường thực hiện ước mơ của mình”.

Có thể kể thêm nhiều trường hợp khác, chẳng hạn bạn Lê Chí Nhựt (Vĩnh Long), mồ côi cha mẹ, vừa đi học vừa đi làm thuê kiếm sống. Qua sự giới thiệu của nhóm Mái ấm Tre xanh, Hội đã giúp những khoản tiền học phí định kỳ mỗi năm học để Nhựt học đại học. Những suất học bổng của Hội là nguồn động viên quý giá cho anh Trần Văn Tiến (Nam Định) trở thành bác sĩ. Sinh viên Sơn Thị Tha (Sóc Trăng) nhờ những suất học bổng này mà yên tâm hơn trên con đường học tập…

Jeanne Huỳnh bộc bạch: “Điều khiến tôi vui nhất là có những người từng được giúp đỡ, nay đã thành tài, khấm khá, đã cùng với Hội tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác”. Dù các con định cư ở nước ngoài nhưng chị vẫn về sống tại Sài Gòn. Tình người ở Sài Gòn ấm áp, thân thiện là một trong những yếu tố mà người đã từng sống xa xứ luôn nghĩ đến.

Chị bảo, sự chọn lựa này cũng là một cách để con cháu chị có dịp quay về Sài Gòn, nơi chị sinh ra. Việc chị thành lập Hội Arebco như một sự tri ân với quê nhà. "Năm 2013, khi Arebco ra Trường Sa phát học bổng, sau buổi chiều cầu siêu, chúng tôi thả hoa đăng xuống biển. Kỳ lạ thay, dù sóng gió nhiều hướng, nhưng hoa đăng vẫn dần hội tụ về chân đảo. Tôi xác định ở lại Việt Nam để các con tôi quay về, nhớ đến nguồn cội".

Hiện, chị Jeanne Huỳnh đã có quốc tịch Việt Nam. Với chị đây là niềm tự hào. Và, chị vẫn tiếp tục công việc tiếp sức cho những hoàn cảnh khó khăn.

LÊ MINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI