Tết thời bao cấp
Ngày 30/4/1975, Sài Gòn kết thúc chiến tranh, người Sài Gòn được sống trong hòa bình, độc lập, tự do nhưng đồng thời cũng bước vào thời bao cấp và sống chung với nó xấp xỉ 10 năm. Với người Sài Gòn, đó là những năm tháng có nhiều thứ muốn quên đi nhưng cũng có nhiều điều đáng nhớ. Vào những ngày cuối năm như thế này, nỗi nhớ ấy với riêng tôi chính là nỗi nhớ tết.
Tết với người Việt Nam mang một ý nghĩa rất thiêng liêng. Cho dù bao nhiêu tuổi, ngày tết, nhất định ai cũng phải sắm cho mình bộ quần áo mới; với trẻ con, càng không thể thiếu.
|
Cứ mỗi dịp tết, đường phố TPHCM lại rực rỡ sắc hoa để người dân náo nức du xuân - Ảnh: Phùng Huy |
Ngày xưa, ra đường, phụ nữ Sài Gòn thường hay diện áo dài. Dù chỉ là người bình dân, má tôi cũng có một tủ áo dài đủ màu sắc. Những năm đó, mỗi năm, má lấy ra một ít, cắt 2 tà áo may đồ mặc tết cho các con. Lũ em tôi 5 đứa toàn con trai chạy tung tăng khắp xóm như những bình bông di động nhưng gương mặt đứa nào cũng rạng ngời, vui sướng.
Chợ tết Sài Gòn chủ yếu tập trung vào các cửa hàng thương nghiệp. Hàng hóa thiết yếu ngày tết được phân phối theo tiêu chuẩn và định mức cho người dân. Mỗi thứ một ít nhưng cũng đầy đủ những mặt hàng cần thiết để ăn tết, có cả trà, rượu, pháo và hoa.
Không thể không kể đến sự vất vả của đội ngũ cán bộ, nhân viên thương nghiệp. Nhưng có lẽ hình ảnh đặc trưng đáng nhớ nhất trong những phiên “chợ tết” này là đôi mắt hình viên đạn cùng gương mặt lạnh lùng và giọng nói đầy hình sự của mấy cô mậu dịch viên. Nhưng vì một cái tết rủng rỉnh “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, ai nấy đều cố chịu đựng, cho qua.
Tết thời nay
Nếu như những khái niệm, thuật ngữ, ứng dụng công nghệ quá quen thuộc với các bạn trẻ - nhất là các bạn thuộc thế hệ được sinh ra khi thế giới bùng nổ kỹ thuật số, khi internet phổ biến nhờ vào các thiết bị di động - thì với những người xấp xỉ “thất thập cổ lai hy” như tôi, chúng khá khó hiểu, khó thích ứng được. Nhưng chúng tôi đều có chung một niềm kiêu hãnh vì cảm nhận được đó là sự bứt phá tuyệt vời trên hành trình tiến đến một đô thị văn minh hiện đại của Sài Gòn - TPHCM.
50 năm, mỗi mùa tết đến, hiện tại và quá khứ, tết xưa và tết nay lại đan xen làm cõi lòng tôi cứ tròng trành như con thuyền trôi trong đêm. Chợ tết truyền thống bây giờ ít nhiều “lép vế” so với các trung tâm mua sắm, siêu thị, sàn thương mại điện tử… Việc mua sắm tết hiện đại, phong phú và tiện lợi đến nỗi đôi khi tôi bỗng thèm được trở lại cái cảnh lăng xăng chạy tới chạy lui, bù đầu bù cổ chuẩn bị cho cái tết. Nào mua lạp xưởng, tôm khô, củ kiệu, nào muối dưa, sên mứt, nào giặt giũ, phơi phóng, quét dọn, lau chùi, chong đèn may may, cắt cắt.
|
Tết với người Việt Nam luôn mang một ý nghĩa thiêng liêng - Ảnh: Phùng Huy |
Tuy rằng câu “slogan” tết Việt Nam “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” không nói đến hoa, nhưng tết mà không có hoa cũng giống như nghệ sĩ ngâm thơ mà không có ai thổi sáo. Vì thế, bất kỳ chợ tết lớn nhỏ nào cũng không thể thiếu hàng hoa kiểng. Riêng Sài Gòn, từ năm 1960, chợ hoa Nguyễn Huệ chính thức là nơi chuyên mua bán hoa tết, cây cảnh vào mỗi dịp tết Nguyên đán.
Có một dạo, chợ hoa Nguyễn Huệ dời sang công viên 23/9. Tết Nguyên đán Giáp Thân 2004, chợ hoa mới được trả về vị trí cũ, được “nâng cấp” lên thành đường hoa Nguyễn Huệ. Có thể nói, đường hoa Nguyễn Huệ như một biểu tượng, một làn gió mới mang lại sắc xuân cho thành phố. Trong suốt 20 năm hình thành và phát triển, đường hoa xứng đáng là một hoạt động văn hóa độc đáo mang hương vị tết của Sài Gòn - TPHCM.
Mỗi năm, đường hoa đều được thiết kế, tạo hình theo chủ đề bằng nghệ thuật sắp đặt rất công phu, tạo cảm giác thích thú cho du khách bởi sự mới lạ nhưng gần gũi và ấm áp, gợi lên nỗi hoài vọng cố hương da diết nơi người xa quê.
Cho dù đường hoa mang chủ đề gì, bao giờ tôi cũng tìm thấy ở đó phảng phất một chút Sài Gòn xưa lẫn trong rười rượi gió xuân. Ngày tết, giữa không gian tràn ngập sắc màu, tôi hay chọn cho mình một góc nhỏ trên con đường hoa, lặng lẽ ngồi ngắm lũ trẻ tung tăng, tua lại một gian ký ức thời thơ ấu.
Ngoài đường hoa Nguyễn Huệ, TPHCM còn có chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông, quận 8 từ năm 2013. Đây là nơi để các thương nhân, nhà vườn trưng bày, kinh doanh sản phẩm hoa kiểng, trái cây chưng tết phục vụ người dân, cũng là chợ hoa mang màu sắc sông nước duy nhất ở TPHCM. Từ năm 2021, chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” còn có thêm các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội phong phú, hấp dẫn, khiến nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, thưởng lãm, mua sắm hằng năm.
Đặc biệt, tết năm nay - tết Ất Tỵ 2025 - người dân TPHCM sẽ chính thức được trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), vừa được đưa vào khai thác thương mại từ ngày 22/12/2024. Trong những chuyến chạy thử nghiệm lộ trình Bến Thành - Suối Tiên, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự thích thú khi ngắm nhìn thành phố từ trên cao, nhiều hành khách nhận xét tàu chạy nhanh, không gian mát mẻ, thoải mái, ga tàu sạch sẽ, thoáng mát, văn minh, hiện đại và rất đẹp, có thể làm nơi “chụp hình sống ảo” tuyệt vời.
Anh bạn tôi ở Cannada chuẩn bị về nước ăn tết xúc động nói: “Nghe em nhắn tin kể chuyện metro, anh đã khóc vì vui mừng xen lẫn tự hào. Anh háo hức trông chờ ngày về Việt Nam để được ngồi trên chiếc tàu điện đầu tiên của Sài Gòn, mặc dù ở Canada, anh thường xuyên đi làm bằng metro”.
Những ngày cuối năm bao giờ cũng mang cho tôi cảm xúc khó phân định. Đó là sự đan xen, trộn lẫn nhiều thứ: nỗi buồn và niềm vui, yêu thương và trắc ẩn. Nhưng hôm nay, giữa thời khắc đất trời chuyển mình chuẩn bị vào xuân, tôi chỉ nghĩ về một điều duy nhất, thật kỳ diệu, đó là việc tôi đã cùng thành phố này đi qua hết một đoạn đường 50 năm. Nửa thế kỷ với một đời người có thể gọi là dài nhưng với một thành phố, thời gian chỉ vừa vặn một vài nét bút trên trang quốc sử. Vậy mà, không những đã được tận mắt nhìn thấy chiến tranh kết thúc tại Sài Gòn, tôi còn được chứng kiến thành phố từng ngày thay da đổi thịt.
Tôi mãi mãi yêu Thành phố Hồ Chí Minh - nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nơi đang trở mình hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. Và tôi cũng yêu Sài Gòn một thời bề bộn khó khăn, thiếu mặc, thiếu ăn mà lớp trẻ bây giờ không thể hình dung cặn kẽ. Những cơ cực mà thế hệ chúng tôi đã trải qua càng nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, quyết tâm thực hiện thành công công cuộc đổi mới thành phố.
Lương Gia Cát Tường
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây |