Sài Gòn - TPHCM: Đề tài cho nhiều câu chuyện điện ảnh hấp dẫn

13/04/2024 - 07:31

PNO - LTS: Từ ngày 6 - 13/4/2024, Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần I đã diễn ra. Trong chương trình có cuộc tọa đàm quốc tế về phát triển điện ảnh tại TPHCM với sự tham dự của các nhà điện ảnh quốc tế và trong nước. Giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú có bài tham luận ở tọa đàm. Chúng tôi xin giới thiệu một phần bài tham luận của ông.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập toàn cầu mạnh mẽ. Đoàn kết và hữu nghị là nguyên tắc sống còn để tạo nên những điều kiện tiên quyết của mỗi quốc gia trong thế kỷ XXI, vì có hội nhập là có thị trường, có hội nhập là có phát triển. Hội nhập là yếu tố sống còn để phát triển, không chỉ kinh tế mà cả của văn hóa.

TPHCM là đô thị lớn nhất Việt Nam, có vai trò đầu tàu cho cả nước. Cư dân TPHCM quy tụ từ cả nước và Việt kiều trên khắp thế giới, có gần đủ 54 dân tộc anh em. Vì vậy, nền văn hóa thành phố rất phong phú, đa dạng, hội tụ đủ các yếu tố của cả nước.

Thành phố đang trong thời kỳ phát triển của cơ chế thí điểm, tôi tin thành phố sẽ có định hướng và lộ trình tối ưu cho việc hội nhập quốc tế để phát triển nền văn hóa nói chung, văn học và điện ảnh nói riêng.

Vợ chồng Nghệ sĩ ưu tú Mạnh Dung và Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu xem triển lãm Vẻ vang 77 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam  tại Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần I - ẢNH: DIỄM MY
Vợ chồng Nghệ sĩ ưu tú Mạnh Dung và Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu xem triển lãm Vẻ vang 77 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam tại Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần I - Ảnh: Diễm My

Nền văn hóa và nền điện ảnh thành phố sẽ hội nhập nhanh và phát triển ngang tầm thời đại khi có cơ chế để cất cánh. Các nhà nghiên cứu quản lý điện ảnh đã đánh giá vị trí, vai trò to lớn của điện ảnh. Là một người làm công tác khoa học, là một nhà văn, tôi hiểu điện ảnh là nghệ thuật cao cấp, mang tính tổng hòa của văn, của thơ, nhạc, họa, kịch…, được đưa đến công chúng nhờ các nhà biên kịch, đạo diễn và diễn viên tài năng. Vì vậy, nếu nói văn hóa là hồn cốt của dân tộc, thì điện ảnh là hồn cốt của hồn cốt.

Khi điện ảnh cất cánh và trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, sẽ là động lực đưa tâm thức con người lên, đưa kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế du lịch. Điện ảnh chính là nhịp cầu để kết nối con người với nhau. Nói cách khác, điện ảnh là đại sứ của nhân loại, đại sứ không có biên giới. Điện ảnh có sứ mệnh tiên phong, có sứ mệnh quảng bá đất nước. Chúng ta nhớ phim Đông Dương đã giúp thế giới biết vẻ đẹp kiều diễm của Hạ Long. Phim Người Mỹ thầm lặng đã một phần nhắc đến vẻ đẹp xưa của Sài Gòn. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã giúp Phú Yên đón nhiều khách du lịch. Và bộ phim King Kong: đảo Đầu Lâu đã làm thế giới rung động về những vùng hang động, phong cảnh sông núi hữu tình ở Ninh Bình, Quảng Bình. Phim Chuyện của Pao đã làm người xem thích thú bởi phong cảnh thơ mộng, hùng vĩ của vùng núi rừng Hà Giang.

Đặc biệt mới đây, phim A Tourist’s Guide to Love giới thiệu cảnh đẹp và những nét văn hóa đậm bản sắc Việt Nam thông qua cuộc hành trình du lịch từ TPHCM đến Hà Nội, Hà Giang của một du khách là cô gái nước ngoài. Bộ phim làm nức lòng người xem. Sau đó, nhiều du khách đến Việt Nam cho biết, họ thích đến Việt Nam từ sự hấp dẫn của bộ phim.

Nói như vậy để thấy, vai trò đại sứ, vai trò quảng bá đất nước, kích cầu du lịch của điện ảnh.

TPHCM là một kho đề tài to lớn và phong phú cho điện ảnh và văn học nghệ thuật. 300 năm hình thành và phát triển của TPHCM có biết bao điển tích, sự kiện. Sài Gòn là nơi đã diễn ra ngày toàn thắng. Chúng ta có Củ Chi trong kháng chiến, chỉ cách trung tâm đầu não của cuộc chiến tranh xâm lược có 30 cây số, là căn cứ vững chắc của cách mạng với 250 cây số địa đạo.

Ở đó, có biết bao câu chuyện về những mối tình đẹp của các đôi nam nữ chiến sĩ cách mạng, có biết bao câu chuyện về sự hy sinh tinh thần, vật chất và thân xác. Sự hy sinh anh dũng và lẫm liệt ấy, ngàn năm sau vẫn là ngọn lửa sáng, nồng ấm. Một Cần Giờ dưới tán rừng đước, cửa ngõ ra biển của thành phố, ẩn giấu biết bao câu chuyện mà mỗi lần nhắc đến, mỗi trái tim đều rung cảm.

Một Sài Gòn từ cơ chế bao cấp đã thoát thân, đổi mới để trở thành TPHCM - đầu tàu của cả nước và đang ngoan cường đổi mới bằng cơ chế thí điểm, để luôn là đầu tàu mạnh của đoàn tàu Việt Nam. Đây chính là đề tài cho những câu chuyện dài nhiều tập rất sâu sắc và hấp dẫn cho điện ảnh, cho văn học nghệ thuật.

Tôi hy vọng TPHCM sẽ đưa điện ảnh, văn hóa ngang với kinh tế và có đầu tư đúng mức, đặc biệt có cơ chế phù hợp để phát triển điện ảnh. Trong cơ chế, tôi nghĩ bắt buộc phải có cơ chế về vốn, cơ chế để có kịch bản hay, có đủ điều kiện để xây dựng những bộ phim có tầm cỡ. Thành phố cũng cần có cơ chế hợp tác quốc tế thật thoáng cho điện ảnh, để không chỉ chúng ta làm phim mà thế giới đến Việt Nam làm phim và cùng chúng ta làm phim về thành phố, về Việt Nam. Có cơ chế thích hợp, các nhà văn, các biên kịch, đạo diễn, các diễn viên điện ảnh sẽ dành tâm huyết để làm nên những tác phẩm ngang tầm thời đại.

Giáo sư Trình Quang Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI