Ra mắt vào đầu tháng 7, Sài Gòn tôi sẽ của thầy giáo 9X Thái Dương nhanh chóng tạo nên cơn sốt. Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm, ca từ ý nghĩa. Bức tranh về Sài Gòn những ngày giãn cách xã hội được khắc họa ở phần đầu với nhiều nỗi buồn, sự khắc khoải, nhưng phía sau đó lại tràn đầy hy vọng về tương lai tươi sáng: “Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy/ Sẽ không có dây, phố thưa lại đầy/ Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời/ Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui...”.
|
Thầy giáo 9X Thái Dương vừa ôm đàn vừa hát Sài Gòn tôi sẽ |
Hàng loạt bản cover ca khúc này liên tiếp xuất hiện, trong đó có nhiều ca sĩ như: gia đình ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu, ca sĩ Ngọc Linh, nhạc sĩ Sa Huỳnh, ca sĩ Thái Trinh... Ngoài ra, còn rất nhiều phiên bản khác khán giả có thể tìm nghe như của nhóm Đồng Dao, Thuỵ Anh, Ngọc Phương Hoa...
Mỗi bản cover đều mang thêm một chút hương vị riêng. Chẳng hạn, gia đình ca sĩ Cẩm Vân là sự hoà giọng của 3 thành viên với màu giọng khác biệt với bản phối chuyên nghiệp, cuốn hút. Ca sĩ Ngọc Linh lại mang đến sự mộc mạc khi vừa cầm đàn, vừa hát. Thái Dương nói anh không dùng âm nhạc để kinh doanh, thu lợi nhuận nên “nhiều người hát thì càng vui”.
*Sài Gòn tôi sẽ - Thái Dương:
Với ca sĩ Cẩm Vân, Sài Gòn tôi sẽ là ca khúc đầu tiên nằm trong chuỗi ca khúc nằm trong dự án Mùa Sài Gòn buồn, được đăng tải trên kênh YouTube của gia đình bà. Thái Dương kể trước khi cover ca khúc này, gia đình ca sĩ Cẩm Vân đã ngỏ lời xin phép anh. Dĩ nhiên, thầy giáo vui vẻ đồng ý bởi với anh điều quan trọng trong thời điểm này là lan toả những điều tích cực, giúp mọi người vững tin hơn về tương lai.
Hôm 8/9, ca sĩ Cẩm Vân xin phép gọi anh 1 phút để trò chuyện, nhưng mãi đến khi kết thúc lớp học anh mới có thể trả lời. Nữ ca sĩ nói có chuyện cần phải nói với thầy giáo vì sợ anh buồn. Thái Dương thắc mắc, nhưng cũng nhanh chóng nhận ra câu chuyện chỉ có thể liên quan đến Sài Gòn tôi sẽ.
“Tôi đặt ra nhiều câu hỏi: Cô phải gỡ video đó xuống hay nhờ tôi xoá bài chia sẻ vì có nhiều khán giả bình luận trái chiều?... Thế rồi cô từ từ kể về việc cô mới ra video Sài Gòn buồn của nhạc sĩ Vũ Thành An. Cô bảo để dành từ từ đăng, nhưng đành phải đăng cùng lúc với bên tác giả. Trong khi tôi đã sẵn sàng tâm lý chờ đón khúc buồn thì cô bất ngờ chốt lại câu chuyện: “Đó, con đừng có buồn cô nghen!”. Cô giải thích là cô sợ tôi nghĩ cô tham lam, vì mới đăng bài do tôi sáng tác được hai ngày lại đăng bài của nhạc sĩ khác rồi”, anh tâm sự.
Dĩ nhiên, với Thái Dương, câu chuyện này không khiến anh buồn hay phiền. Ngược lại khiến anh rất ấn tượng bởi cách cư xử khiêm nhường của một ngôi sao lớn.
|
Gia đình ca sĩ Cẩm Vân, Khắc Triệu, CeCe Trương hoà giọng trong Sài Gòn tôi sẽ |
*Sài Gòn tôi sẽ - Cẩm Vân, Khắc Triệu, CeCe Trương:
Với ca sĩ Ngọc Linh, Thái Dương cho biết ban đầu khi chị liên hệ qua Facebook để xin cover ca khúc này anh không nhận ra, bởi trang cá nhân của nữ ca sĩ không đăng tải nhiều hình ảnh.
“Đặc biệt, điều khiến tôi không nhận ra chị nhất chính là đoạn tin nhắn chị xin phép hát bài Sài Gòn tôi sẽ, vô cùng khiêm nhường và lịch sự đến nỗi tôi không nghĩ được viết ra bởi một ngôi sao. Tôi còn nghĩ thái độ kính nhã này chắc hẳn là một học trò nhỏ tuổi hơn mình. Đoạn tin xin phép khá dài và rất trịnh trọng nhưng tôi chỉ có thể đáp lại vỏn vẹn: “Quá được Linh ơi. Vinh hạnh!”. Sẵn có bản nhạc ở đó, tôi tiện tay gửi luôn, như đáp lễ của người lịch sự. Bên đó lại cảm ơn rất chân tình. Tôi sực nhớ ra bản này vẫn còn chữ “tù đày” nên vội nhắn lại: “Bạn nhớ sửa chữ “sẽ thôi tù đày” thành “phố thưa lại đầy” nhé!”, anh kể.
Sau đó, khi vào trang cá nhân xem kỹ anh mới nhận ra đây là ca sĩ Ngọc Linh. Riêng Ngọc Linh cho biết khi nghe và khi hát bài này chị đã khóc nhiều vì xúc động.
|
Ca sĩ Ngọc Linh ôm đàn hát Sài Gòn tôi sẽ |
*Sài Gòn tôi sẽ - Ngọc Linh:
Qua 2 câu chuyện nhỏ, anh nghiệm ra rằng người nghệ sĩ tạo ra cái đẹp để cống hiến, không chỉ ở giọng hát, những bức tranh, những bản nhạc, hay những bộ quần áo lung linh, phấn son trên sân khấu, còn nằm ở cung cách ứng xử, ở lời ăn tiếng nói.
Sự lan toả của ca khúc thời gian qua khiến anh cảm thấy vui, hạnh phúc. Anh tin đó là cảm giác của người viết nhạc chuyên lẫn không chuyên. “Niềm vui đó càng lớn hơn khi người chọn hát bài của mình là những tên tuổi lớn, trong đó có cả thần tượng của mình. Tôi nghĩ giống như việc nấu ăn vậy, khi món ăn ta nấu càng nhiều người ăn thì người nấu càng hạnh phúc. Họ có thể cho thêm gia vị để hợp khẩu vị hơn. Với ca khúc này, mỗi người sẽ có cảm xúc, lăng kính khác nhau nên khi nghe mỗi bản cover tôi đều trân trọng cả”, anh tâm sự.
Ca khúc giúp thầy giáo 9X được biết đến nhiều hơn thời gian qua. Nhưng anh bảo ở tuổi này, niềm vui cũng không quá hưng phấn như trước đây. Một điều khiến anh phải thay đổi là cách xưng hô, khi ca khúc này nổi tiếng. Bởi trước đây người tìm đến anh chỉ là học trò, nên thường xưng thầy. Nay, người tìm đến anh gồm rất nhiều đối tượng, lứa tuổi, trong đó có những người lớn tuổi, vì thế, anh phải thêm từ quý vị để thể hiện sự trân trọng, hợp lễ nghĩa trong cách giao tiếp.
Điều khiến anh hạnh phúc là nhờ những ca khúc về Sài Gòn, anh có thêm bạn bè, đồng nghiệp, những tâm hồn thấu hiểu nhau qua những cảm xúc trong sáng, lạc quan.
Trung Sơn