|
Sài Gòn mỗi mùa xuân đến lại chăng đèn kết hoa (ảnh: Phùng Huy) |
Tôi chưa từng nghĩ sẽ có một ngày mình rời xa Sài Gòn, vậy mà thấm thoát tôi xa thành phố đã tròn 5 năm. 5 năm đong đầy nỗi nhớ trong tôi về Sài Gòn. Mỗi lần bắt gặp hàng quán nào đó ở xứ người có ghi 2 chữ “Sài Gòn” thương mến thì bao ký ức lại dạt dào tìm về. Nào là góc phố thân quen bên ly cà phê sữa đá, nào là hàng me bên hiên nhà ai lung linh dưới nắng, nào là con đường ướt mưa lấp lánh về đêm hay giọng nói ngọt thanh và tấm chân tình cởi mở của người Sài Gòn… Sài Gòn như mảnh tình vắt vai, cho tôi tuổi xuân rực rỡ, có nhớ nhung, có hy vọng và cả đợi chờ.
Ngày tôi còn bé, chừng 7-8 tuổi, nhà tôi đón tiếp người bà con xa lắc xa lơ của ba ở Sài Gòn về chơi. Đó là lần đầu tiên tôi nghe người ta nhắc về Sài Gòn, nghe được giọng người Sài Gòn, nghe kể về sự hiện đại của Sài Gòn qua chất giọng mà tôi như bị thôi miên. Nó nhẹ nhàng, ngọt ngào như mây bay lững lờ, khác hẳn với phương ngữ nặng trịch của người miền Trung xứ Quảng quê tôi. Tôi đã ước được vào Sài Gòn một lần trong đời, kể từ ngày hôm ấy.
Năm dồn tháng cộng, khi tôi đủ lớn, tôi nói với má tôi đi Sài Gòn. Hôm tôi ra xe, má khóc, má nói hết lời để níu chân tôi ở lại: “Ở nhà với má có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, gia đình đủ đầy. Chứ vào chi tận trong Sài Gòn, một mình bơ vơ cho khổ vậy con!”.
Tôi cố kìm lại những tiếng nấc nghẹn, cố giữ đôi mắt không ngấn lệ, giữ đôi chân vững vàng bước. Bởi chỉ cần tôi chùng lòng một xíu thôi, tôi sẽ chẳng thể thấy được ước mơ, thấy được Sài Gòn.
Sài Gòn như điểm tựa để bao khát vọng của tuổi trẻ được chắp cánh. Sài Gòn đã mở ra cho tôi nhiều ngã rẽ để nuôi lớn những giấc mơ. Những ngày đầu đặt chân lên đất Sài Gòn, tôi chông chênh trên con đường tìm việc cùng nỗi nhớ nhà quay quắt. Đi giữa Sài Gòn thênh thang, nhộn nhịp phố phường mà lòng cứ trống rỗng.Thế nhưng, với sự giúp đỡ của bạn bè mới quen trong xóm trọ, của anh chị đồng nghiệp ở chỗ làm mới, tôi nhanh chóng thích ứng với nhịp sống hối hả. Càng có nhiều trải nghiệm sống, càng tìm hiểu khám phá ngóc ngách trong lòng Sài Gòn, tôi càng yêu thành phố này.
Tôi thích cách giao tiếp lịch thiệp, văn minh nhưng thân tình của anh chị đồng nghiệp nơi tôi từng làm việc. Mỗi khi anh chị cần tôi hay rủ tôi đi đâu, họ thường nói: “Nhung ơi, cưng làm cái này giúp chị nha!” hay “Gái hôm nay đi ăn trưa với chị hông?”, “Em hoàn thành gấp mục này cho anh nghen!”.
Chữ “cưng”, chữ “hông” hay “nghen” trong cách nói của người Sài Gòn sao mà nhẹ nhàng, trìu mến đến lạ! Bây giờ, mỗi lần nhớ thanh âm Sài Gòn, thèm nghe phương ngữ của người Sài Gòn, tôi lại bật podcast để thả mình miên man qua những tản văn, những bài viết thấm đượm nỗi niềm được đọc bởi chất giọng mượt mà của người Sài Gòn.
Cũng từ bạn bè xóm trọ, từ các mối quan hệ trong công việc, tôi lại có cơ hội làm quen với nhiều chất giọng mang âm hưởng vùng miền khác nhau như Bình Định, Thái Bình, Đà Lạt, Đắk Lắk, Cà Mau… Và tôi nhận ra, mọi người dường như đã pha trộn thanh âm Sài Gòn vào trong âm ngữ địa phương để giọng nói dịu dàng hơn, dễ nghe hơn, cũng như thuận tiện hơn cho việc giao tiếp hằng ngày và cho công việc.
Bạn bè xóm trọ chúng tôi coi nhau như chị em một nhà, tình cảm cứ lớn dần, bền chặt. Người ta thường nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Sài Gòn giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi quy tụ biết bao doanh nghiệp lớn nhỏ, đem lại vô vàn cơ hội việc làm cho người lao động. Cơ hội càng nhiều thách thức cạnh tranh càng lớn, buộc người trẻ phải nỗ lực hết mình, ý chí bền bỉ nếu muốn có một chỗ đứng vững vàng, một công việc đủ tốt, một cuộc sống đủ đầy giữa thành phố rộng.
Sinh viên hay bất kỳ bạn trẻ nào chọn Sài Gòn dựng xây tương lai đều có thể đã trải qua năm tháng làm thêm với các nghề bồi bàn, phục vụ, gia sư, hay chạy Grab để trang trải chi phí khi học tập và sinh sống ở đây. Có một câu chuyện của chị đồng nghiệp khiến tôi cảm động. Chị và em gái mất mẹ từ lúc lên 5, người cha bỏ đi xa, hai chị em được nhận nuôi và lớn lên trong Làng Hy Vọng ở ngoài Bắc. Đặt chân lên vùng nắng gió miền Nam xa xôi, chị từng ước tìm được một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp đại học để dìu dắt và hỗ trợ em gái của mình cùng vào Nam.
Tuổi mười tám đôi mươi, chị đã khép lại tất cả thẹn thùng để dấn bước vào đời, bắt đầu từ nghề bảo vệ ở các công trình, bệnh viện hay xí nghiệp, nhà máy. Ai gọi thì chị sẵn sàng làm thuê, để dành dụm tiền đóng học phí và lo liệu cho em gái. “Bảo vệ” là nghề đòi hỏi sức khoẻ, chịu khó, cẩn trọng và gan lì. Nhưng chị vẫn chọn, lặng lẽ thắp sáng ước vọng tương lai.
Sài Gòn sẵn sàng nâng đỡ, cưu mang bao phận đời thấp bé, yếu thế. Một gánh xôi, gánh chè, gánh bún, xe đẩy trái cây, lượm ve chai, đánh giày, bán vé số… Người nghèo dựa vào Sài Gòn mà mưu sinh, chắt chiu vốn liếng gửi về quê nhà phụ giúp gia đình, nuôi nấng con thơ. Năm dài tháng rộng trôi qua, họ trở thành mạch đập trong nhịp sống của phố phường Sài Gòn. “Sài Gòn đẹp lắm” khi người người hướng về nơi đây, vui vẻ kiếm sống, lạc quan hy vọng.
|
Sài Gòn chào đón người tứ xứ về làm ăn (Ảnh Phùng Huy) |
Đất Sài Gòn quy tụ nhiều Mạnh Thường Quân cùng bao người trẻ hăng hái tham gia các phong trào quyên góp từ thiện, giúp đỡ các mảnh đời thiếu thốn, bất hạnh ở phố và những tỉnh xa trên mọi miền tổ quốc. Mùa dịch COVID-19, ở phương xa nhìn về quê hương, tôi không khỏi cảm phục, mến mộ tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm chung tay chuẩn bị và trao đi các suất ăn, lương thực tiếp tế cho đồng bào trong cơn hoạn nạn mà không ngại đi giữa tâm dịch...
Với người đã gắn bó một đoạn đời ở đất Sài Gòn rồi đi thật xa, con đường trở về bao giờ cũng chan chứa hoài niệm. Sài Gòn hôm nay lộng lẫy hơn, nhưng tình người và nhựa sống vẫn mãi chảy tràn, những giấc mơ vẫn không ngừng nảy nở...
Đặng Nhung (Landskrona, Thụy Điển)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài dự thi: 31/12/2024 Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây |