Sài Gòn thương nhau

03/08/2021 - 07:13

PNO - Những ngày đã qua thật khó khăn. Những ngày sắp tới có lẽ cũng vậy. Các thành viên tham gia không có ngày nghỉ. Chúng tôi luôn bắt đầu công việc từ sáng sớm và trở về ăn bữa cơm chính trong ngày vào lúc 22g.

28/7 là ngày thứ 15 P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức bị phong tỏa vì dịch COVID-19 và là ngày thứ tám các đoàn thể phường cùng chung sức thực hiện “Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà mẹ đang mang thai và các em nhỏ”.

Những ngày đã qua thật khó khăn. Những ngày sắp tới có lẽ cũng vậy. Các thành viên tham gia không có ngày nghỉ. Chúng tôi luôn bắt đầu công việc từ sáng sớm và trở về ăn bữa cơm chính trong ngày vào lúc 22g. Nhiều bạn khuân vác nặng cả ngày nên bờ vai như sụp xuống, tay không thể cử động bình thường. Một số khác vừa lo phân phối thực phẩm, vừa hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, mặc đồ bảo hộ vào là không dám ăn, không dám uống nước, rồi ngất xỉu vì mệt. Chúng tôi có sợ dịch bệnh không? Câu trả lời là có, rất sợ! Nhưng anh em vẫn động viên nhau, bấy nhiêu cực nhọc đã là gì so với buồn lo hằn sâu trong ánh mắt bà con. 

Ban đầu, chúng tôi dự định đi chợ giúp bà con trong khu vực phong tỏa, tiếp nhận và mang nguồn thực phẩm từ thiện đến tận nhà cho những hộ quá khó khăn. Rồi cả phường bị phong tỏa mới thấy bà con mình thiếu thốn đủ thứ. P.Bình Chiểu có sáu khu phố với 73.825 nhân khẩu, trong đó rất đông bà con tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức, công nhân, lao động tự do và con cháu cùng ở trọ.

Chị Nguyễn Thụy Khánh tiếp tế thực phẩm cho người dân trên địa bàn  P.Bình Chiểu - Ảnh: M.N.
Chị Nguyễn Thụy Khánh tiếp tế thực phẩm cho người dân trên địa bàn P.Bình Chiểu - Ảnh: M.N.

Mỗi ngày chúng tôi đều nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi nhờ mua giúp hoặc tiếp tế thực phẩm. Chị Thảo viết trên Facebook của tôi: “Em đang bầu, gần tám tháng, ở khu phố 6. Khu trọ em ở có mấy phòng có em bé rất khó khăn, có thể hỗ trợ không ạ?”. Một chị công nhân tên Hạnh, đang mang thai tháng thứ bốn, chồng làm nghề hớt tóc, lâu rồi cả hai thất nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn. Hạnh phải tách ra ở riêng vì chị đã nhiễm COVID-19.

Những dòng tin đó khiến chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Đang tìm mua sữa hộp, sữa tươi, trứng và các loại trái cây gửi tặng hai chị thì lại có tin nhắn kèm theo tấm hình hai em nhỏ mười tuổi và sáu tuổi. Hai bé sống cùng mẹ nơi phòng trọ. Mẹ làm công nhân, nhưng mới được đưa vào bệnh viện điều trị COVID-19 nên hai em thui thủi ở nơi phòng trọ, sống nhờ cô hàng xóm tốt bụng. Nhưng cô ấy cũng chẳng biết trụ được bao lâu. Vậy là chúng tôi lại chở gạo, bánh, sữa xuống cho các khu trọ. 

Nhờ kết nối của các cấp Hội, chúng tôi nhận được nhiều rau củ quả, gạo, thực phẩm từ những chuyến xe nghĩa tình chia sẻ cho bà con nghèo. Riêng trái cây, trứng, bánh, sữa cho mẹ bầu và bé sơ sinh thì phải tìm mua khắp nơi. May mắn là dù sống trong vùng phong tỏa, nhưng nhiều dì, chị cán bộ, hội viên phụ nữ địa phương rất nhiệt tình tiếp sức bằng những khoản tiền tiết kiệm, chủ động liên hệ bạn bè thân quen ở các tỉnh/thành giúp thêm. Chị Kiều Thơ ở khu phố 2, chẳng những góp tiền, lấy xe nhà ra chở thực phẩm mà còn tự làm kim chi, cải muối gửi vào các khu trọ công nhân. 

Hiện không hiếm những em bé sống một mình nơi phòng trọ vì ba mẹ đã đi cách ly, điều trị COVID-19. Mong lắm những anh chị chủ nhà trọ, những hàng xóm tốt bụng sẽ chìa tay ra với các em, và nếu cần gì hãy gọi cho chúng tôi, chúng tôi sẽ đến ngay. 15 ngày với gần 1.000 phần quà cho bà con đặc biệt khó khăn và hơn 500 phần dành riêng cho mẹ bầu và các bé có lẽ là con số rất nhỏ giữa bộn bề dịch bệnh. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực kết nối nguồn cung thực phẩm, kết nối những tấm lòng cùng chung tay. Sài Gòn thương nhau, chúng ta sẽ sớm ổn thôi. 

Nguyễn Thụy Khánh 
- Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI