Sài Gòn - thành phố của sách

14/07/2024 - 17:20

PNO - Tôi “mê đắm” đường sách, mê những nhà sách, thế giới sách cũ của Sài Gòn. Vào những ngày Hội sách ở thành phố, có cả ngàn lượt người khắp nơi đổ về “đông vui như chợ tết”.

Ảnh: Diễm Mi
Khách chọn mua sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Ảnh: Diễm Mi)

Từ khi tôi còn nhỏ, tôi đã được ba và các anh dẫn đi các nhà sách ở trung tâm Sài gòn. Các nhà sách như Khai Trí, Tinh Hoa… ngày ấy không chỉ là một thế giới tuổi thơ của những đứa trẻ như tôi mà còn là nơi hội ngộ của học sinh, sinh viên, trí thức và tất cả nhưng ai thích đọc sách.

Thuở ấy, các anh chị bà con của tôi ở các tỉnh lên Sài Gòn chơi thì chắc chắn các nhà sách sẽ là điểm “bắt buộc” phải đến trong những ngày ở Sài Gòn, nhất là các anh chị đang luyện thi tú tài I, tú tài II (lớp 11, lớp 12 ngày nay). Bởi vì sách ở Sài Gòn không thiếu một chủng loại nào và sách mới xuất bản đều có ở Sài Gòn sớm nhất. Các sách luyện thi tú tài thật phong phú và đủ các tác giả là thầy cô nổi tiếng trong giới sư phạm lúc ấy.

Theo thời gian, Sài Gòn có nhiều đổi thay nhưng nguồn sách phong phú ở thành phố luôn là niềm tự hào của người dân Sài Gòn. Các nhà sách to lớn hơn, đẹp đẽ hơn được mở ra. Các cháu tôi, con cháu của bạn bè tôi ở khắp các vùng miền của đất nước khi đến đây cũng ghé Phương Nam, Fahasa, Cá Chép, Nhã Nam… để tìm mua sách cho bản thân hay con cái, bạn bè.

Những ngày sắp vào năm học mới, sách giáo khoa nào khan hiếm thì chắc chắn tôi lại nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của người thân quen từ những tỉnh thành khác nhờ mua giúp sách giáo khoa ở Sài Gòn rồi gửi về cho họ vì sách ở Sài Gòn “muốn sẽ có, tìm sẽ gặp”.

Ngoài các nhà sách, đường Trần Nhân Tôn (quận 5) còn được gọi là đường sách cũ của thành phố. Bởi trải dài trên con đường này là các cửa hàng chuyên mua bán sách cũ. Đến đây, mọi người tha hồ tìm mua các cuốn sách bạn cần hoặc sách hiện nay không tái bản với giá rẻ bất ngờ.

Đến đây, mọi người cũng có thể bán lại các quyển sách mình không cần dùng nữa cho các cửa hàng. Ngoài sự trao đổi mua bán sách ở đây, người mua và người bán còn có thể nói với nhau rất nhiều về nội dung một quyển sách, một tác giả mà cả hai bên đều am hiểu. Thật thú vị biết bao khi sách làm những người xa lạ trở nên gần gũi, gắn kết nhau hơn.

Một không gian sách cũ tại TPHCM (ảnh: Diễm Mi)
Một không gian sách cũ tại TPHCM (ảnh: Diễm Mi)

Nhà sách ở thành phố rất nhiều, người mua sách cũng không ít. Thế nhưng, những ngày Hội sách ở thành phố thì cả ngàn lượt người của thành phố và người dân khắp nơi đã đổ về “đông vui như chợ tết”.

Tôi nhớ có lần Hội chợ sách được tổ chức ở công viên Lê Văn Tám. Cả gia đình tôi phải đi mấy lần mới vào được vì… bãi giữ xe không còn chỗ. Điều đó đã cho thấy sức hút mãnh liệt từ Hội chợ sách được tổ chức ở TPHCM.

Ngày tết ở bất kì nơi nào ở Việt Nam cũng có chợ tết, chợ hoa. Thế nhưng, ở TPHCM ngày tết lại có đường sách tết. Nhiều năm qua, đường hoa Nguyễn Huệ ngày tết luôn có đường sách tết nối liền. “Ngắm hoa rồi mua sách” như một cách đón tết độc đáo của người Sài Gòn mà hiếm nơi đâu có được. Nó như một sự kết hợp tuyệt vời để tạo ra “tâm an đón xuân lành” như mơ ước của mọi người, mọi nhà.

Từ nhiều năm qua, đường sách Nguyễn Văn Bình ở trung tâm quận 1, kế bên Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của cả nước và cả du khách nước ngoài.

Ảnh: Diễm Mi
Ngày tết đi mua văn hoá phẩm là một nét đẹp của người Sài Gòn (Ảnh: Diễm Mi)

Nơi đây là con đường sách đầu tiên của Việt Nam được xây dựng với không gian mở ngoài trời thoáng mát, mọi người có thể đến đây đi dạo dưới bóng mát của hàng cây xanh và thoải mái tham quan, mua sách. Nơi đây cũng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giới thiệu sách, giới thiệu tác giả. Nhưng buổi giao lưu ấy luôn đông đảo người yêu sách đến tham dự, nó đã trở thành một hoạt động văn hóa đẹp của thành phố.

Là người dân Sài Gòn vậy mà tôi vẫn “mê đắm” đường sách. Những ngày cuối tuần, tôi thường ra đây vào quán cà phê trên con đường sách này, chọn một quyển sách để đầy trên kệ trong quán, nhâm nhi ly cà phê đá - đặc sản Sài Gòn và đọc sách. Thỉnh thoảng dừng đọc sách, ngắm nhìn người người qua lại chọn sách với tâm thế bình an, vui vẻ, tôi cảm thấy lòng thanh thản, an bình và tự hào biết bao nhiêu về Sài Gòn - thành phố của tôi.

Lê Phương Trí (Q.4, TPHCM)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI