Sài Gòn - sợ mà thương

24/07/2024 - 16:41

PNO - Sài Gòn dạy cho tôi nhiều bài học, học cách tự lập, đối đầu với thử thách, chông gai. Vấp ngã phải biết tự đứng lên, tiến về phía trước. Trưởng thành là phải biết cảm thông, nhân ái với cuộc sống này.

Giữa phố sá ồn ã, cần làm những phút thảnh thơi. Tác giả uống cà phê bệt bên đường Công xã Pari
Khi cần những phút thảnh thơi, tôi thường uống cà phê bệt ở khu Công xã Paris (ảnh tác giả cung cấp)

Tôi từng rất sợ Sài Gòn

Tôi ở xứ núi Ban Mê Thuột. Ngày xưa mỗi lần xuống Sài Gòn, tôi đúng kiểu... nhà quê lên tỉnh, lơ ngơ, lóng ngóng, sợ sệt đủ thứ. Trước tiên tôi sợ lọc lừa, cướp giật. Cầm điện thoại trên tay lướt hoặc đưa lên tai nghe, không cẩn thận ngó trước sau thì có thể bị cướp giật. Kẻ cướp còn quay lại chọc quê tôi: “Có không giữ, mất đừng tìm”...

Tiếp theo tôi sợ thời tiết Sài Gòn. Nắng nóng Sài Gòn đặc trưng, không giống nơi khác. Hầm hập, gay gắt, oi nồng. Ngày mưa thì Sài Gòn thê thảm ảm đạm, có khi nước dâng cao, kẹt xe nhiều tuyến đường. Có ngày mưa đường ngập, xe chết máy, tôi phải dắt xe đi sửa, rồi lao nhanh đến chỗ làm. Thời tiết Sài Gòn sao mà khổ ghê!

Sợ Sài Gòn là sợ đường sá, giao thông chằng chịt cùng các đám kẹt xe. Thời tiết nóng nực hoặc trời mưa mà gặp kẹt xe nữa thì y như rằng “duyên trời định”. Tắc đường, lạc đường là nỗi ám ảnh của tôi, nhất là lúc tôi mới xuống Sài Gòn lập nghiệp. Tôi lạc đường, vừa đi vừa hỏi mà rơm rớm nước mắt.

Ở Sài Gòn điều tôi sợ nhất là cô đơn. Cảm giác trống trải, không quen biết ai, lủi thủi một mình nhưng tôi phải cố gắng thích nghi. Có ai từng như tôi không? Cô đơn mà lái xe máy trên đường gặp cảnh kẹt xe, gặp trời mưa ngập úng, nước mắt chỉ trực trào ra. Cảm giác cô đơn giữa chốn đông người, giữa ồn ã phố xa chen chúc người qua lại, sao tôi thấy mình chênh vênh. Cũng có thể tôi nhạy cảm trước cuộc sống xô bồ náo nhiệt, trước Sài Gòn phồn hoa đô hội chăng?

Tôi nhạy cảm chứ tôi không yếu đuối. Theo tôi, đó là cảm xúc thật sự của con người khi phải đối diện, vượt thử thách chông gai. Cô đơn chạy xe giữa Sài Gòn cùng nỗi nhớ nhà xâm chiếm, nếu tinh thần không vững, tôi sẽ chùn bước vì thấy mình lạc lõng giữa đám đông, người người qua lại.

Vì cuộc sống, vì sự nghiệp, không còn cách nào khác phải học cách thích nghi. Biết là phải như vậy, nhưng nhiều lúc cũng tủi thân lắm, như lúc lúc ốm đau không người thân thích. Ở Sài Gòn tôi đã tự mình học cách chăm sóc bản thân, học cách tự lập.

Tôi rất thích gắm lũ bồ câu ở khu trung tâm thành phố (ảnh tác giả cung cấp)
Tôi rất thích gắm lũ bồ câu ở khu trung tâm thành phố (ảnh tác giả cung cấp)

Thương nhớ Sài Gòn

Sợ Sài Gòn, nhưng tôi lại nhớ thương Sài Gòn rất nhiều. Tâm lý con người thật phức tạp, thật khó lý giải.

Tôi nhớ Sài Gòn khi thời tiết oi bức quá, đi mua chai nước ướp lạnh, tôi đưa tiền, chị bán hàng không có tiền thối.

“Để bữa khác ghé đưa cũng được cưng”, chị bán hàng xởi lởi cười tươi.

“Trời! Em mới mua của chị lần đầu, chị có biết em là ai đâu mà cho nợ. Lỡ em không ghé trả thì sao?”, tôi vừa ngạc nhiên vừa thành thật.

“Thì coi như chị… cho cưng”, chị bán hàng vẫn cười.

Sài Gòn là như vậy đó. Cách ứng xử nhân hậu của chị bán hàng khiến tối về tôi thao thức, thấy thương và nhớ Sài Gòn. Có lần tôi chuẩn bị ra sân bay Tân Sơn Nhất, vì một số lý do nên xe khách không vào thành phố được. Một anh phụ xe nói giọng đặc trưng Sài Gòn: “Em thông cảm nghen”, rồi anh rút vội tờ 50 ngàn đồng đưa cho tôi, dặn tôi bắt xe Grab vào sân bay cho kịp. Chẳng chèo kéo, chụp giật mà rất hào sảng, nhanh chóng.

Diễn biến tiếp theo, tôi xuống xe chuẩn bị đặt Grab vào sân bay thì trời đổ mưa tầm tã. Tôi chạy vào quán cà phê trú mưa. Trú mưa cùng tôi lúc này là bạn nam, tôi biết bạn vừa đồng hành với tôi trên chuyến xe khách.

“Bạn đi về đâu?”, bạn nam hỏi tôi.

“Mình chuẩn bị bắt xe Grab ra sân bay”, tôi trả lời.

“Từ đây vào sân bay còn xa lắm. Nhà mình ở quận Bình Thạnh, xíu có xe nhà đến rước mình, nếu bạn không ngại, mời bạn quá giang một đoạn. Tới Bình Thạnh bắt xe ôm ra sân bay sẽ gần hơn”, bạn nam niềm nở

Tới Bình Thạnh, tôi gửi tiền, bạn không lấy. Ở Sài Gòn có những thứ thoáng qua như thế mà tôi nhớ thương mãi. Chiều hôm đó mưa ướt át, lạnh lẽo, nhưng tôi lại thấy ấm áp, rưng rưng.

Tôi còn thương Sài Gòn một buổi sáng mưa xối xả, ngập đường, xe chết máy, tới cơ quan làm trễ, ướt như chuột lột, nhưng tôi vẫn nhận được thái độ cảm thông, trìu mến từ người sếp: “Vào nhanh đi em”.

Nóc nhà thờ Huyện Sĩ khi chiều xuống (ảnh tác giả cung cấp)
Nóc nhà thờ Huyện Sĩ khi chiều xuống (ảnh tác giả cung cấp)

Sài Gòn còn cho tôi những phút giây lãng mạn, đi bộ giữa hàng cây dầu xanh, với những đám chò nâu xoay tròn trên phố, khiến tôi muốn làm thơ. Thi thoảng có thời gian nhàn rỗi, tôi tự cho phép mình ghé cà phê bệt bên ở vỉa hè khu Công xã Pari, ngồi uống cà phê, ngắm đàn bồ câu chao liệng bay qua Bưu điện thành phố, sà xuống sân Nhà thờ Đức Bà nhặt thóc, nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng. Bấy nhiêu đó cũng khiến tôi thấy bình yên, lạc quan...

Sài Gòn dạy cho tôi nhiều bài học, học cách tự lập, đối đầu với thử thách, chông gai. Trong đó có bài học bị vấp ngã, phải biết tự đứng lên, tiến về phía trước. Trưởng thành là phải biết cảm thông, nhân ái với cuộc sống này.

Lò Duy Bưu (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI