Sài Gòn những ngày đôi mắt rớm đỏ

19/07/2021 - 07:33

PNO - Trong dịch bệnh căng thẳng sự san sẻ, đùm bọc cũng đã lan tỏa theo cách rất người. Đó là bình ô-xy, là máy thở, là sự sống chuyền tay để dù có gian nguy cỡ nào, vẫn không ai bị lãng quên, không ai bị bỏ sót. Có điều gì sáng rực giữa Sài Gòn ảm đạm vì con vi-rút hữu danh mà dường như vô hình.

Do con trai bị lây nhiễm COVID-19 từ đồng nghiệp ở cơ quan nên cả nhà chị Nguyễn Thị X. (Q.5, TP.HCM) trở thành F1 và phải đi cách ly. Do có bệnh nền, chồng chị không chống chọi nổi khi bị vi-rút tấn công nên đã qua đời sau đó. Chị X. đau xé lòng khi chuyến xe đưa gia đình họ đi cách ly cũng là lần cuối cùng vợ chồng họ được ngồi bên nhau. Đau hơn nữa, lúc chồng đang đứng trước cái chết, chị và con cũng ở gần đó, mà chẳng thể giúp được gì. 

Ngày đủ điều kiện được về cách ly tại nhà, thay vì vui mừng thì chị X. lại giàn giụa nước mắt khi nghĩ đến người chồng hơn 30 năm chung sống hạnh phúc. Vì bị cách ly, không được ra ngoài, nên chị không có mảnh khăn tang, cũng không nhang đèn cho ấm hòm tro cốt. Bàn thờ được trưng dụng từ chiếc bàn để ti vi và mâm cúng được đặt trên một chiếc ghế gỗ cũ kỹ. 

Không cầm được nước mắt trước hoàn cảnh của chị, một người xa lạ đã mua tặng chị cái bàn thờ để chị cúng chồng được đàng hoàng, tươm tất. Các bạn chơi chung nhóm, mỗi người mỗi cảnh, trong đó có một chị sống bằng nghề hát nên cuộc sống gia đình cũng trầy trật từ nhiều tháng nay, nhưng thấy chị X. gặp đại nạn ai cũng đóng góp chút ít để chị lo hương khói. 

Trong dịch bệnh căng thẳng sự san sẻ, đùm bọc cũng đã lan tỏa theo cách rất người. Đó là bình ô-xy, là máy thở, là sự sống chuyền tay để dù có gian nguy cỡ nào, vẫn không ai bị lãng quên, không ai bị bỏ sót. Có điều gì sáng rực giữa Sài Gòn ảm đạm vì con vi-rút hữu danh mà dường như vô hình.

Đôi mắt rớm đỏ, tấm áo bạc màu ôm ghì thùng mì, mớ rau, chai nước tương… thấp thoáng bên hè phố rồi tan loãng vào những hẻm sâu của Sài Gòn là hình ảnh đã trở nên quen thuộc. Nhưng đôi mắt rớm đỏ ấy đâu chỉ ở người được nhận, mà còn ở… người cho. 

Người nghèo khó đến nhận gạo tại Công ty GOLD KEY
Người nghèo khó đến nhận gạo tại Công ty GOLD KEY

Sài Gòn những ngày mắt luôn rớm đỏ, Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng - GOLD KEY (Q.3, TP.HCM) đã phát gạo cho người nghèo, nhất là người cao tuổi. Đến trưa, trời nắng gắt, mấy tấn gạo vơi và rồi hết sạch nhưng người nhận vẫn còn, luật sư vẫn đứng đó, dự án phát gạo thoắt cái đã nối dài thành dự án phát tiền mặt. Dự liệu tình huống người nhận phát sinh so với số phiếu đã phát, các luật sư đã rút tiền mặt để sẵn. 

“Thương quá! Đành lòng nào để các cô chú quay về tay không, rồi bữa cơm trưa nay, trưa mai ra sao?” - luật sư Anh Loan nói, ánh mắt ấm áp vẫn hướng về những chiếc lưng còng khập khiễng khuất xa. Có phải Sài Gòn ở khúc quanh mệt nhoài này tự nhiên xuất hiện một chiếc máy dịch thuật kỳ lạ, thiên lệch, gì cũng dịch ra thành thứ ngôn ngữ yêu thương. Thực ra chỉ cần nói “phải có phiếu mới nhận gạo được, phát hết gạo rồi” là xong, mà chiếc máy dịch thuật ấy lại nhào nặn nội dung thành ra: “Dạ tụi con phát hết gạo rồi, dì cầm đỡ ít tiền này về tự mua gạo nghen dì!”. Cho đi chỉ tuân thủ mỗi nguyên tắc: “Vì họ đã tìm đến với mình”. 

Chị Uyên Thanh (ở Q.4, TP.HCM) đang ngồi lựa rau củ thì một anh khỏe mạnh đến chìa ra hai trứng gà và than: “Anh khổ quá em ơi! Hai đứa nhỏ ở nhà đang đói, có cô kia mới cho anh hai trứng gà, giờ anh xin em ít tiền mua bánh mì về cho hai đứa nhỏ ăn”. Khi anh vừa đi khuất, cô chủ cửa hàng rau củ tỏ vẻ bất bình, bức xúc: “Thằng chả xạo đó chị. Ngày nào cũng có một “bài” đó lặp đi lặp lại để xin tiền. Chị cho thằng chả chi nhiều vậy?”. Chị Thanh bình thản: “Thì cũng có thể ảnh nói dối nhưng ảnh đang khổ là thật”. Cô chủ cửa hàng ngẫm một lát rồi gật đầu: “Dạ, mùa COVID này ai chả khổ. Chỉ mong cho mau hết dịch thôi!”.  

Sài Gòn những ngày đôi mắt rớm đỏ, một chữ rằng “thương” cũng trăm chiều ý nghĩa. Một người vơ vét quá nhiều trứng, bánh mì ở siêu thị là tâm điểm của những ánh nhìn cay nghiệt. Nhưng nếu cũng chính người ấy, với mớ trứng ấy, bánh mì siêu to khổng lồ ấy đặt trước một con hẻm hoặc block chung cư đang bị phong tỏa giăng dây thì sẽ nhận được rất nhiều lời khen tặng. Mà nghĩ cho cạn cùng, ngay khi người ta có suy nghĩ không tốt, thậm chí “kết án” với những kẻ vơ vét, tích trữ thực phẩm thì cũng là bởi đang lo cho bao người nghèo khác làm sao tìm được cái ăn. 

Bà Phan Thị Châu - một trong những linh hồn của hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười - đã chiêm nghiệm rằng, không thể nhìn hiện tượng, nhìn bề ngoài mà vội kết luận rằng ai đó hám tiền hay lợi dụng lòng tốt. “Sông có khúc, người có lúc”, có thể trước kia người ta thành đạt, đủ sống nhưng không may sa cơ thất thế thì dù lúc lâm cảnh túng thiếu, nợ nần, họ vẫn còn giữ thói quen ăn mặc tươm tất khi ra đường, giữ thể diện trước xã hội. Mình chỉ nghĩ đơn giản “họ đã đến đây và cần dĩa  cơm này”. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI