edf40wrjww2tblPage:Content
Nhưng một đêm thức dậy sớm, không tài nào ngủ thêm được nữa, tôi cứ thao thức... Kỳ lạ thay, dường như những người đã khuất mà tôi được biết trong lịch sử một vùng đất như đang sống dậy, hiển hiện trước mắt tôi, trong đó có cả những người con gái đẹp dấn thân từ những ngày đầu Sài Gòn quật khởi. Tôi choàng dậy, ngồi vào bàn viết.
Tiến sĩ Nguyễn Bình Minh - một nhan sắc Gia Long - người đấu tranh trong lòng nội đô Sài Gòn những năm 1955...
Nguyễn Thị Thập và ngôi nhà người cùi ở Bàn Cờ
Bà Nguyễn Thị Thập (1908-1996) Là người phụ nữ đầu tiên được nhà nước tặng thưởng Huân chương sao vàng - một trong những nữ đại biểu quốc hội khóa đầu tiên - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Bà mẹ Việt Nam anh hùng |
Sinh năm 1908, ở xã Long Hưng - Châu Thành - Mỹ Tho trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, Nguyễn Thị Ngọc Tốt (tên cha mẹ đặt cho bà Nguyễn Thị Thập) năm 17 tuổi lấy chồng, sinh con. Hôn nhân sớm đổ vỡ, Ngọc Tốt tham gia cách mạng, vận động bà con chống sưu cao thuế nặng. Năm 1933, để tránh sự vây bủa của mật thám, một đêm mưa gió tầm tã, bà trốn lên Sài Gòn hoạt động, làm công nhân - một hình thức “vô sản hóa” để vận động thợ thuyền, ở hãng dầu Téc-xa-cô dưới Phú Xuân, Nhà Bè.
Trong một cuộc diễn thuyết kêu gọi công nhân chống cúp phạt, bà bị chủ hãng gọi lính đến bắt. Nhờ sự che chở của anh em công nhân, bà và nữ đồng chí Ngõa thoát ra ngoài. Bà trở về Sài Gòn, tiếp tục hoạt động cách mạng, gắn bó với vùng Bàn Cờ, được nhân dân đùm bọc, cưu mang trong những ngày cách mạng còn trong bóng tối. Những trang hồi ký của bà về Bàn Cờ quả là một sử liệu quý, sống động và cảm động cho thế hệ sau:
“Chi bộ xếp đặt, giới thiệu tôi về ở Bàn Cờ. Bấy giờ đã sang đầu năm 1934. Bàn Cờ là tên một khu lao động nghèo, nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Xóm lá dọc ngang, lầy lội, chi chít những ngõ hẻm và những con đường đất vạch hình kẻ ô vuông, nên có tên Bàn Cờ…
Tôi ở nhà cô Chín, sau chùa Tiên. Cô là người Việt, vợ một anh Hoa kiều, có hai con: một trai, một gái. Cô Chín bán cá rong, thằng Lùn, con Cụt, con cô thì bán tiết heo. Hai đứa nhỏ đều bị bệnh cùi, da mặt sần, tai phù đỏ. Tôi dù nấu ăn riêng, ngủ riêng nhưng sống chung đụng trong một gian nhà nhỏ, tối tăm ẩm thấp. Trẻ con quanh xóm ít đứa nào dám gần, dám chơi với chị em nó. Chúng thèm một sự gần gũi với chung quanh biết bao.
Vì thế, hễ rảnh rỗi tôi thường trò chuyện với thằng Lùn, con Cụt, đôi khi tôi còn chải đầu bắt chí cho con Cụt. Cất được phần nào tủi cực, đem lại chút vui hiếm hoi cho tâm hồn trẻ, tôi thấy mình cũng vơi nhẹ được đôi phần khổ tâm... Ở đây tuy bẩn thỉu và rất dễ bị lây cùi - tôi cũng biết vậy - nhưng lại dễ che mắt bọn mật thám hơn, nên tôi nói với tổ chức cứ để cho tôi ở đây...
Từ ngày về Bàn Cờ, tôi tham gia hoạt động trong Liên đoàn thợ may, tôi còn nắm chị em buôn gánh bán bưng, vận động chị em mua sách báo Đảng, vận động chị em đấu tranh đòi hạ thuế chợ.
Bấy giờ, tàu Sài Gòn đi Xanh-ga-po của hãng Nhà Rồng ta nắm được hầu hết anh em thủy thủ. Dưới tàu có tổ chức “Ủy ban cứu tế Đỏ”, một đoàn thể gồm những anh em thợ máy, bồi bếp, mạch-lô yêu nước, ủng hộ cách mạng. Chi bộ giới thiệu cho tôi liên lạc với tổ chức dưới tàu. Mỗi tháng anh em làm tàu, tùy theo lương cao thấp, người góp một đồng, kẻ năm bảy hào, gọi là tiền “cứu tế đỏ” để gây quỹ Đảng.
Vài anh em có trách nhiệm thu sẵn, nộp cho mình và họ đưa từ Xanh-ga-po về những sách báo Đảng in bằng chữ Pháp, do chi bộ hải ngoại ở đấy gởi về cho Đảng ở Sài Gòn. Có khi tôi xuống tàu một mình, thông thường là đi với ông thầy cúng chùa Tiên. Ông này cũng là đảng viên, người cao, mặc áo dài khăn đóng, vẻ nghiêm trang đạo mạo.
Tôi cũng mặc áo dài, diện theo kiểu dân ở tỉnh, giả làm đàn bà có chồng thủy thủ dưới tàu, giả như hai cha con xuống thăm người nhà. Bao giờ tôi cũng mang một làn to hoa quả, kẹo bánh, thuốc Gò Vấp xuống làm quà cho anh em, và khi trở về dùng chiếc làn ấy “chuyên chở” tài liệu, sách báo đưa lên bờ. Do yêu cầu công tác, tôi còn mở lĩnh vực hoạt động sang giới công nhân, anh chị em làm ở hãng thuốc lá Cô-tap và hãng xà phòng Việt Nam...”.
Đọc lại những trang hồi ký của bà Nguyễn Thị Thập, chúng ta tự hào về một thành ủy viên Sài Gòn Chợ Lớn, người nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập đã từng sống ở Bàn Cờ, được đồng bào nghèo chở che, để từ khu phố nghèo, tối tăm, người đảng viên Nguyễn Thị Thập đã kiên trì nhóm lên ngọn lửa cách mạng. Ngọn lửa ấy được truyền dẫn đến hôm nay, tỏa sáng trong lịch sử một vùng lõm - căn cứ cách mạng Bàn Cờ.
Trẻ con quanh xóm ít đứa nào dám gần, dám chơi với chị em nó. Chúng thèm một sự gần gũi với chung quanh biết bao. Vì thế, hễ rảnh rỗi tôi thường trò chuyện với thằng Lùn, con Cụt, đôi khi tôi còn chải đầu bắt chí cho con Cụt. Cất được phần nào tủi cực, đem lại chút vui hiếm hoi cho tâm hồn trẻ, tôi thấy mình cũng vơi nhẹ được đôi phần khổ tâm...
Nguyễn Thị Lựu - Một thời dấn thân
Nguyễn Thị Lựu (1909-1988) Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Vụ trưởng Vụ quốc tế mặt trận, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Quốc hội, Phó chủ tịch phong trào bảo vệ hòa bình… |
Tên thật của cô là Đỗ Thị Thưởng, bí danh Thu, Cửu, thường gọi Tám Lựu, sinh ngày 23/9/1909 tại làng Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Cô gái mang trong người dòng máu yêu nước, nghĩa khí Nam kỳ sớm được giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình, đứng vào hàng ngũ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội năm 1928.
Những năm đầu thế kỷ XX, chuyện người con gái trong một gia đình quyền quý rời khỏi nhà, tham gia “quốc sự” thật không dễ dàng. Vì quyết định dấn thân, cô gái đẹp, thêu thùa khéo léo ngỡ sẽ trở thành một đại phu nhân hay bà điền chủ bước vào con đường cách mạng lắm chông gai...
Đầu năm 1931, Tỉnh ủy Mỹ Tho đưa Nguyễn Thị Lựu về Sài Gòn để bổ sung vào Xứ ủy. Cô được phân công trong Ban Thường vụ Tổng công hội Đỏ Xứ ủy Nam kỳ, chỉ đạo hãng cưa Xóm Dầu, nhà đèn Chợ Quán, đề bô xe lửa, công hội thợ may và theo dõi tình hình cuộc đấu tranh của công nhân hãng dầu Nhà Bè. Bà bị giặc bắt giam ở bót Pôlô (Chợ Lớn).
Cô gái đẹp, mảnh mai như cành hoa trước cơn giông bão vì bị dẫm đạp, vùi dập, tan tác trước những ngón đòn tàn bạo. Ngoài những ngón đòn tàn khốc đánh vào thể xác, kẻ thù còn đánh vào cân não, bày những mưu sâu hiểm độc, gây hiểu lầm, chia rẽ giữa những người đồng chí. Thật may, đôi vợ chồng hứa hôn còn được gặp lại nhau trong nhà tù để giải tỏa những hiểu lầm chết người.
Ông Nguyễn Văn Hanh (Nhuận) - người chồng hứa hôn của cô cùng bị bắt giam tại bót Pôlô, trong phiên tòa đại hình đặc biệt ở Sài Gòn kéo dài từ ngày 2 - 9/5/1933 bị tuyên án tử hình, hạ xuống chung thân khổ sai, đày đi Côn Đảo. Nguyễn Thị Lựu bị kết án 5 năm tù giam, tại Khám lớn Sài Gòn…
Năm 1936, cô được trả tự do, mới biết tin người yêu đã hy sinh trong chuyến vượt ngục Côn Đảo cuối năm 1934, cùng với 10 đồng chí, trong đó có Ngô Gia Tự (1908-1934) - Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam kỳ. Cô đã sống với tình yêu ấy đến giây phút cuối của cuộc đời, như lời cô tâm sự: “Trong cuộc đời, tình yêu ấy, với tôi là lần yêu đầu mà cũng là lần cuối. Anh dù chí nguyện chưa tròn/Em nguyền tiếp bước sắt son vẹn lòng. Một chút riêng tư xin gửi gắm cho anh, người anh, người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cho Tổ quốc, dù tôi và anh, chưa một lần đúng nghĩa vợ chồng”.
Đầu tháng 9/1939, phong trào Đông Dương Đại hội bị đàn áp dữ dội. Tám Lựu bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ 2. Số phận đã đẩy một người con gái đẹp đến những nhà tù khét tiếng nhất, cô bị đày đi Bà Rá, rồi trở về tham gia Cách mạng tháng Tám. Người phụ nữ đẹp gắn với phong trào Sài Gòn - Chợ Lớn những năm chống Pháp; phong trào bảo vệ hòa bình trong lòng nội đô Sài Gòn những năm chống Mỹ. Và cho đến cuối đời, cô vẫn sống một mình, với bức tranh uyên ương thêu dở… n
Cô đã sống với tình yêu ấy đến giây phút cuối của cuộc đời, như lời cô tâm sự: “Trong cuộc đời, tình yêu ấy, với tôi là lần yêu đầu mà cũng là lần cuối. Anh dù chí nguyện chưa tròn/ Em nguyền tiếp bước sắt son vẹn lòng.
Nỗi đau của người Phó bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn
Bà Nguyễn Thị Nhỏ (còn được gọi là Sáu điếc, Sáu Việt Hoa) - nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Chợ Lớn |
Trong làn gió xuân, đi trên con đường mang tên Nguyễn Thị Nhỏ, tôi giật mình nhớ lại món nợ nhiều năm qua. Chị Mộng Oanh - con gái bà Nguyễn Thị Nhỏ đã gặp tôi, cung cấp thêm rất nhiều chi tiết về người mẹ anh hùng nhưng cũng đầy khổ đau, bất hạnh. Bà sinh năm 1908, tại Long Hồ, Vĩnh Long.
Cha mất sớm, mẹ tảo tần nuôi đàn con ăn học. Sau khi đậu sơ học, bà được bổ nhiệm dạy trường nữ ở Hương Điểm (Bến Tre). Năm 1927, bà được kết nạp vào Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Sau thời gian làm báo Đảng ở Sài Gòn bị lộ, bà bị bắt vào tù, bị tra tấn dã man, khiến bà bị điếc một tai nên còn gọi là bà Sáu điếc.
Ngày 3/2/1930, ba tổ chức cộng sản ở ba miền thống nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Nhỏ là một trong số lớp người đầu tiên ở Nam kỳ đứng vào hàng ngũ của Đảng, được Xứ ủy chỉ định làm Phó bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, thay đồng chí Châu Văn Liêm bị địch sát hại trong một cuộc biểu tình.
Khi Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn - Lê Quang Sung bị sa vào tay thực dân Pháp, cùng với các đồng chí còn lại trong tỉnh ủy, Nguyễn Thị Nhỏ chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo khôi phục và phát triển phong trào ở tỉnh Chợ Lớn. Sa vào tay địch lần thứ hai, bà bị tra tấn dã man hơn trước. Biết bà là một nhân vật quan trọng, chúng đem nhiều chiến sĩ cộng sản của ta bị bắt ra đối chất, mong tìm manh mối. Chỉ cần một cái gật đầu của chị Sáu Nhỏ là nhiều lãnh đạo cao cấp sẽ phải lên máy chém. Nhưng Nguyễn Thị Nhỏ đã kiên cường vượt qua…
Sáng 9/5/1933, bà mỉm cười kiêu hãnh khi bị thực dân Pháp tuyên án tử hình cùng Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Quang Sung… Cò Tây hỏi: “Tại sao kêu án tù nặng vậy mà bà còn cười?”. Bà trả lời cứng cỏi, đanh thép: “Tôi có khóc cũng không ai thả tôi, người cách mạng không bao giờ khóc với kẻ thù”. Vụ án gây làn sóng bất bình trong nhân dân tiến bộ thế giới, buộc chúng phải hạ mức án của các tù tử hình xuống còn khổ sai chung thân, riêng Nguyễn Thị Nhỏ lãnh án 15 năm tù khổ sai.
Giữa năm 1935, một đoàn đại biểu Mặt trận Bình dân Pháp đi thị sát các nhà tù ở Đông Dương. Trong đoàn, nữ nhà báo tiến bộ Pháp Louis Marie Ferreux tìm gặp bà Nhỏ tại Khám Lớn. Câu chuyện của các nữ tù nhân Việt Nam bị đối xử tàn bạo trong nhà tù được đưa lên công luận Pháp và thế giới. Nhờ sự vận động tích cực của Louis Marie Ferreux và tổ chức quốc tế Công hội Đỏ tiếp sức can thiệp, tháng 7/1935, toàn quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải ra lệnh đặc xá Nguyễn Thị Nhỏ.
Sa vào tay địch lần thứ hai, bà bị tra tấn dã man hơn trước. Biết bà là một nhân vật quan trọng, chúng đem nhiều chiến sĩ cộng sản của ta bị bắt ra đối chất, mong tìm manh mối. Chỉ cần một cái gật đầu của chị Sáu Nhỏ là nhiều lãnh đạo cao cấp sẽ phải lên máy chém. Nhưng Nguyễn Thị Nhỏ đã kiên cường vượt qua… |
Ông Nguyễn Văn Phát, người đồng chí cùng đóng vai “vợ chồng”, cùng bị bắt với bà năm 1929 ở Sài Gòn, lúc làm báo “Bolshevik” bị đày ra Côn Đảo cũng được trở về đất liền. Cuộc đính hôn trong nhà tù năm nào với mấy dòng đơn sơ, ngắn ngủi đã trở thành hiện thực… Nhưng đó cũng là một “hiện thực” đầy đắng cay, nước mắt.
Bà Nguyễn Mộng Oanh - con gái đầu của ông Nguyễn Văn Phát và bà Nguyễn Thị Nhỏ ngậm ngùi kể: “Sau khi ra tù, mẹ tôi bị đưa về Long Hồ quản thúc. Cha tôi cũng phải cải trang “đi làm ăn xa” hoạt động. Hoàn cảnh đẩy đưa, ông có thêm người phụ nữ khác… Khi sinh đứa út được 10 tháng, mẹ lâm bệnh nặng, do di chứng những ngón đòn bị tra tấn trong tù, do nỗi đau giấu trong tim bộc phát. Mẹ nằm trên giường, ngóng ra bến sông nhưng bóng cha vẫn biền biệt.
Nghe tiếng chèo va mạn thuyền, mẹ ngẩng lên, ngỡ cha về nhưng không thấy cha, mẹ tuyệt vọng buông mình xuống giường, quay mặt vào vách, trút hơi thở cuối cùng. Đó là ngày 21/11/1946. Năm ấy tôi mới 10 tuổi. Sau này tôi mới biết thêm, cái chết của bác Lê Quang Sung khi đóng bè vượt ngục Côn Đảo cũng là nỗi đau lớn trong lòng mẹ tôi”.
TRẦM HƯƠNG