Sài Gòn mùa nhạc Trịnh, giờ tìm đâu?

09/03/2019 - 13:54

PNO - Một bầu sô khi hỏi về vấn đề này cho biết, tác quyền ca khúc nhạc Trịnh bây giờ, tùy quy mô đêm nhạc mà được định giá và dường như vì thế mà người ta không hào hứng nữa.

Tôi nhớ cảm giác của bạn bè và của chính mình nhiều năm trước vào khoảng thời gian này. Chúng tôi hỏi nhau và cùng háo hức chờ những đêm nhạc Trịnh mà ở đó, chúng tôi ngồi cạnh những người xa lạ nhưng có chung nụ cười, nghe những giai điệu đã gắn với mình thời tuổi trẻ, gắn với tình yêu đầu tiên của mình. 

Sai Gon mua nhac Trinh, gio tim dau?

Không biết từ bao giờ, Sài Gòn có hẳn một mùa nhạc Trịnh, kéo dài cả tháng, thường bắt đầu từ ngày sinh của Trịnh Công Sơn (28/2) đến ngày ông mất (1/4). Mùa ấy, nhiều đêm nhạc Trịnh diễn ra, ở sân khấu, ở phòng trà, vào những đêm trăng, có bán vé và miễn phí. Trong đó, được chờ đợi nhất là đêm nhạc nhiều năm liền diễn ra ở Khu du lịch Bình Quới. Được chờ đợi không phải vì đây là đêm nhạc không bán vé mà vì ở đó, cái tình của nhạc Trịnh và cái tình dành cho nhạc Trịnh được nhìn thấy rõ nét nhất.

Chúng tôi ngồi cùng nhau và cùng những người xa lạ, có khi từ Long An, Bình Dương lên, trên bãi cỏ, bên cạnh là ngọn nến, nhớ về con người đã mang những giai điệu thấm đẫm tình người đến với mình. Chúng tôi cứ ngồi thế, có khi là rất xa sân khấu nên không nhìn thấy gì trên ấy, chỉ lắng nghe từng giai điệu, từng lời tâm sự của bạn bè ông. Mỗi năm một lần, đêm nhạc đó như một “cuộc họp” của tín đồ nhạc Trịnh và giai điệu nói thay tất cả, thay cả những cái nắm tay thật chặt.

Sai Gon mua nhac Trinh, gio tim dau?

Thời mới chia tay mối tình đầu vì những khác biệt trong suy nghĩ, tôi bật khóc khi nghe “Tôi đi bằng nhịp điệu/ Một hai ba bốn năm/ Em đi bằng nhịp điệu/ Sáu bảy tám chín mười” (Tình khúc Ơ Bai), rồi những đêm chênh vênh khi tình yêu đi mất, tôi lặng người khi nhìn thấu tâm can mình, chỉ với một câu “Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình” (Tình xa).

Nhạc của ông không chỉ là nhạc mà còn là tâm can, là những chênh vênh mà với tuổi trẻ ngông nghênh, chúng tôi chạy trốn, chúng tôi chối bỏ. Mà, tuổi trẻ nào không từng ngông nghênh. Mùa nhạc Trịnh, vì thế mà thành nỗi chờ đợi, để tìm được chính mình. 

Nhưng hình như từ ba - bốn năm nay, mùa nhạc Trịnh bắt đầu nhạt dần. Những đêm nhạc Trịnh thưa thớt, rồi ít ỏi, rồi đâu mất. Từ sân khấu đến phòng trà. Đêm nhạc ở Bình Quới ấy, sau này cũng không còn nữa. Một bầu sô khi hỏi về vấn đề này cho biết, tác quyền ca khúc nhạc Trịnh bây giờ, tùy quy mô đêm nhạc mà được định giá và dường như vì thế mà người ta không hào hứng nữa. Không hào hứng tổ chức, không hào hứng chờ đợi, không hào hứng đến nghe/xem. Chỉ một từ “giá cả” thôi đã thấy không còn tinh thần Trịnh. 

Sai Gon mua nhac Trinh, gio tim dau?

Nỗi tiếc nhớ của chúng tôi kéo dài theo từng năm rồi thành sự đau lòng khi nghĩ về chục năm nữa. Giới trẻ giờ bị thu hút bởi nhạc Mỹ, nhạc Hàn, nhạc Trịnh ngày càng vắng trên các sân khấu. Thảng hoặc tôi tự hỏi mai này, còn ai nhớ Trịnh không. Nhạc Trịnh bị lãng quên dần, những người đang giữ quyền “kiểm soát” nhạc Trịnh có thấy mình có lỗi?

Ai đó đã từng nói, nhạc Trịnh là “nhạc sang” nên phải hạn chế không gian biểu diễn, phải hạn chế tần suất, hạn chế cả đối tượng… như kiểu hàng hiệu thì không phải ai cũng sở hữu được. Nghe mà thương Trịnh quá! Đâu khó để hiểu ông. Từ các câu chuyện mà bạn bè ông kể, từ tư tưởng ông bộc lộ trong âm nhạc, từ những câu chữ mà ông viết ra đều thấy một Trịnh vô thường. Ông nào có cần danh, cần lợi, cần quyền hay cần tiền. Ai cũng tìm được mình trong nhạc ông, đó mới chính là điều khiến ông hạnh phúc. Ai cũng xem ông là tri âm, là bạn bè - mới chính là điều khiến ông cảm thấy ý nghĩa. 

Chỉ Sài Gòn mới có mùa nhạc Trịnh. Điều đặc biệt ấy đôi ba năm nữa chắc sẽ không còn ai nhớ, lẽ nào không buồn?

Vào đúng sinh nhật lần thứ 80 của Trịnh Công Sơn (28/2/2019), Google thay đổi Doodles trên trang chủ tiếng Việt thành hình ảnh của ông để vinh danh cố nhạc sĩ tài hoa. Đây là lần đầu Google Doodles tôn vinh một người Việt Nam

Lương Hàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI