Sài Gòn một vòng, ấm lòng giữa đêm

09/12/2020 - 06:54

PNO - Bạn đáp chuyến bay tối muộn vào Sài Gòn. Đêm ấy, trời nổi gió se sắt. Bạn bảo lòng cồn cào quá đỗi, Sài Gòn có gì để vỗ ấm bụng không...

Miền đất nắng ấm phương Nam vốn dĩ là mảnh đất lành để không chỉ dân bản xứ mà cả lưu dân định cư lập thân rồi gắn trọn đời mình. Tứ chiếng gặp nhau, mang nỗi nhớ quê nên các vị ngon cũng vì thế mà trưng trổ tại mảnh đất này, hầu vơi niềm thương tưởng cũng có hoặc để góp thêm chút hương sắc vùng miền cũng có.

Từ phở gốc Bắc, bún bò xứ Huế, bánh căn miền Trung, cho đến cháo cá miền Tây… tất thảy món ngon của mọi vùng miền đều dễ dàng tìm thấy ở Sài Gòn. Không chỉ là ban ngày, tận đêm hôm khuya khoắt, bạn vẫn tìm được chúng mỗi khi cảm giác thèm ăn trỗi dậy. Cứ thả một vòng xe quanh Sài Gòn, nhiều lắm các món ngon khiến dù no hay đói, lòng cũng réo ta tấp xe ghé vào.

Bạn đáp chuyến bay tối muộn vào Sài Gòn. Đêm ấy, trời nổi gió se sắt. Bạn bảo lòng cồn cào quá đỗi, Sài Gòn có gì để vỗ ấm bụng hay không. Mình chở bạn một vòng khi đồng hồ đã nhích dần sang ngày mới. Thành phố vẫn sáng đèn. Thành phố này không bao giờ ngủ. Sài Gòn của mình là thế! Cái ồn ào náo nhiệt vẫn xuyên suốt đến tận khuya lắc khuya lơ.

Dĩa cơm tấm đêm có thể làm no bụng bất kỳ thực khách nào
Dĩa cơm tấm đêm có thể làm no bụng bất kỳ thực khách nào

Cơm tấm “ma”

Cơm tấm - món ăn đường phố trứ danh của Việt Nam - được rất nhiều khách du lịch lẫn các tạp chí về ẩm thực quốc tế khuyên nên thử khi đến đây. Thậm chí năm 2019, cơm tấm còn được tạp chí du lịch quốc tế The Culture Trip vinh danh là một trong những món ngon nhất Việt Nam.

Giới thiệu về cơm tấm Sài Gòn, đài EBS đặc biệt ấn tượng với phần cơm tơi nhuyễn được nấu từ gạo đã bị vỡ vụn. Đây là cách ăn tiết kiệm có từ thời xưa, nhất là vào những ngày mùa thất bát. Ngày nay, cơm tấm đã mang diện mạo hoàn toàn mới với nhiều nguyên liệu đi kèm hấp dẫn, dù vẫn giữ nguyên việc dùng gạo tấm để nấu cơm.

Cái hấp dẫn nhất của cơm tấm có lẽ là thịt nướng. Những miếng sườn được tẩm ướp gia vị cho thấm đều rồi đưa lên bếp than. Mùi thịt, mùi gia vị hòa quyện bốc lên thơm nức mũi kèm tiếng mỡ rơi xuống lò cháy nghe xèo xèo. Chỉ bấy nhiêu đã đủ đánh thức khứu giác lẫn vị giác người ăn.

Ở Sài Gòn đâu đâu cũng có thể bắt gặp đĩa cơm tấm với lượng cơm vừa ăn nhưng miếng sườn lại to phủ hết cả bề mặt đĩa. Đó là lý do vì sao đây là một trong những món ăn rất no bụng đối với nhiều người.

Chiều xuống, dọc các con phố từ trung tâm đến những quận ven Sài Gòn, chỉ cần chạy một quãng là có thể thấy hàng dãy quán cơm tấm đêm nghi ngút khói và ngạt ngào mùi thịt nướng. Các quán cơm tấm đêm ở khu Đoàn Văn Bơ (Q.4), đường Nguyễn Văn Luông (Q.6) hay tận sâu trong một ngõ hẻm của Q.Bình Thạnh luôn đông đúc người ăn.

Đêm càng sâu, dòng người tìm đến càng nhiều. Lần đầu tiên bạn chưng hửng khi thấy người Sài Gòn náo nức ăn đêm. Bạn nhắc hoài cái cảm giác khó tả này. Đúng là ở Sài Gòn chẳng thể đói. Và bạn bắt đầu “nhiễm” thói quen ăn đêm sau một tháng công tác tại nơi này.

Sủi cảo “xuyên đêm”

Khu Hà Tôn Quyền vẫn nức tiếng với cả con đường trải dài bán độc món sủi cảo. Món ăn này do người Minh Hương mang đến Sài Gòn, từ những ngày đầu ly hương. Thế hệ đầu tiên của người Hoa đã lưu giữ nghề cho đến tận hôm nay, tạo thành một khu phố ẩm thực đúng như tập tính giao thương của họ: “Buôn có bạn, bán có phường”.

Phố sủi cảo bán xuyên đêm, tận 2 - 3 giờ sáng vẫn tấp nập người ghé vào. Họ có thể là những người tan ca muộn trong các nhà hàng, xí nghiệp; cũng có thể là các bạn trẻ giữa khuya đói bụng hay những người đi xuôi con đường Ba Tháng Hai ra bến xe miền Tây lên chuyến xe sớm. Tất cả cứ ghé đến, bởi thèm cái vị đặc trưng của món ăn.

Sủi cảo còn gọi là bánh chẻo, là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực truyền thống Trung Hoa, tượng trưng cho sự đoàn viên, may mắn, tiền tài và hạnh phúc. Trước kia, người Trung Hoa thường ăn sủi cảo vào những dịp lễ tết, đặc biệt là trong đêm giao thừa, với ước mong nhận về thật nhiều may mắn và hạnh phúc.

Những viên sủi cảo có hình dáng tương tự đồng tiền xưa của Trung Quốc nên mang ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu có, sung túc. Ngày nay, sủi cảo thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của người Trung Hoa.

Khi làm nhân, tiếng băm thịt và rau phải vang vọng, tiếng dao thớt chạm vào nhau phải kéo dài. Rau trộn cùng thịt làm nhân, trong tiếng Trung Quốc đồng âm với từ “có của”. Băm nhân tiếng to trong thời gian dài, có nghĩa là “lâu dài và dư thừa”.

Khi ăn sủi cảo, cũng theo quy luật. Bát thứ nhất dành thờ cúng tổ tiên, tỏ lòng tôn kính cha ông quá cố. Bát thứ hai dành cúng thần thánh trong dân gian. Bát thứ ba mới đến lượt các thành viên trong gia đình thưởng thức. Khi ăn sủi cảo, không được ăn số lẻ.

Bạn đến từ phương Bắc xa xôi gật gù tấm tắc, quả là mỗi món ăn như một sự chắt chiu tinh túy và mang thật nhiều ẩn ý của người xưa.

Quán chè “âm phủ”  vẫn tồn tại ngót một  thế kỷ qua
Quán chè “âm phủ” vẫn tồn tại ngót một thế kỷ qua

Chè “âm phủ”

Nhớ có lần mình chở bạn ngang một tiệm chè, bạn giật mình ngơ ngác ngó đồng hồ, khuya thế này vẫn còn người ăn chè à. Mình ghé vào quán chè khi bạn mắt tròn mắt dẹt, chưng hửng trước quán chè nhỏ xíu mà đông người. Sài Gòn cái gì cũng có là đây. Chè mà cũng vài chục món nằm gọn trong góc quán cũ kỹ đượm màu thời gian.

Mình kể bạn nghe người Sài Gòn vẫn gọi đây là quán chè “cột điện” hay chè “âm phủ”. Cái quán nhỏ ấy đã tồn tại gần một thế kỷ. Nó khiến người Sài Gòn tìm đến khi muốn gặp lại chút gì xưa cũ nơi phố thị hay đơn giản chỉ là muốn sống lại những ngày xưa, khi những cụ ông cụ bà ấy còn là những cô cậu bé hồn nhiên, vô tư, tối tối cuối tuần được cha mẹ đưa đi dạo phố rồi tấp vào quán ăn chén chè.

Từ gánh chè do cụ cố khai sinh, rồi trải qua bốn đời con cháu nối nghiệp, quán chè đã đi sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ. Ban đầu, đó chỉ là một nồi chè đậu xanh dựa trên công thức gia truyền người mẹ quá cố để lại. Gánh chè hồi đó nằm ngay góc đường Tổng Đốc Phương (nay là ngã tư Châu Văn Liêm - Nguyễn Trãi). Nào ngờ món chè đậu bên lề đường lại được nhiều người ưa thích, khách cứ kéo đến ăn ngày một đông…

Theo thời gian, gánh được thay thế bằng chiếc xe đẩy. Hồi thực dân Pháp truy quét gắt gao những người bán hàng rong, xe chè được giấu trong khoảnh sân trước trạm biến áp gần đó, mong sẽ không bị phát hiện. Tối đến, dưới ánh đèn leo lét, kẻ bán người ăn cứ xì xụp bên chén chè mà lòng thấp thỏm. Vậy mà mấy chục năm qua, hương vị trong chén chè vẫn không hề thay đổi.

Cũng bởi ngày xưa lén lút, cứ đến đêm khuya mới thắp đèn dầu lên bán, thành thử cái tên chè “âm phủ” ra đời theo dạng truyền miệng rồi lưu danh tới bây giờ. Thời cuộc đổi dời, xe chè vẫn giữ nguyên ở khoảng sân cũ, âu cũng là do khách đến ăn muốn hoài niệm về một miền ký ức đầy thương luyến. Khách thương quán chè, cũng như người chủ quý cái tình mà không nỡ rời xa chốn này.

Nhan nhản ở Sài Gòn giờ nhiều gánh chè khuya, tỷ như trong góc chợ nhỏ trên đường Võ Văn Tần hay bên một ngôi nhà cũ trên đường Lý Chính Thắng... và còn nhiều nữa những gánh chè nhắc nhớ những điều cũ càng trong lòng người Sài Gòn.

Bạn ăn chén chè đậu xanh, lặng yên mà suy ngẫm. Hóa ra cái thú ăn đêm của người Sài Gòn đâu chỉ để vỗ yên bụng mình.

Kết thúc chuyến công tác đầu tiên ở miền đất này, bạn tự cầm lái, chở mình một vòng Sài Gòn, ghé những quán ăn khuya, như muốn níu giữ chút ký ức đẹp. Bạn hẹn ngày trở lại sẽ ruổi rong với Sài Gòn, tiếp tục tìm sự ấm áp trong những vị ngon. Người ta chẳng thể bỏ Sài Gòn mà đi, bởi đâu đó giữa ồn ào náo nhiệt thị thành, cái tình luôn níu giữ. Và có khi chỉ một món ăn cũng đủ để ta thao thức một đời.

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI