Sài Gòn mê

27/05/2015 - 09:27

PNO - PN - Sài Gòn mê (NXB Tổng Hợp TP.HCM) là tập tản văn viết về Sài Gòn của nhiều tác giả.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đánh giá tập sách này, PGS. TS. Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận: “Sài Gòn mê lấy tên một tản văn, nhưng hàng chục tản văn khác cũng chung đường link đến lòng người đã từng hoặc đang sống ở thành phố lớn phương Nam của Tổ quốc. Đúng là “mỗi người mỗi vẻ” nhưng không phải để “mười phân vẹn mười”; nhà khoa học hay nhà văn, nữ sĩ hay ký giả, anh thanh niên hay ông cụ mỗi tác giả góp một tản mạn để chung vui, viết ngắn mà ý dài, lời nhẹ nhàng mà thắm thiết. Cứ hình dung bên vỉa hè sớm mai, ngồi một mình cũng tốt, với bạn càng hay, nhâm nhi ly cà phê cóc, cầm cuốn sách mong mỏng - trang chữ to to dễ đọc như Sài Gòn mê này, nhìn phố đông người qua... mới thấy cuộc sống thanh bình đáng yêu thế”.

Sai Gon me

Các tác giả Nguyễn Đình Tư, Lê Trung Hoa, Nguyễn Thị Hậu, Huỳnh Như Phương, Lê Minh Quốc, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Triệu Thị Chơi… đã viết về vùng đất phương Nam nắng ấm dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Chẳng hạn, nhà văn Nhật Chiêu cho rằng: “Sáng sớm với một làn sương mát như chiếc áo lụa mỏng, Sài Gòn hiện ra trong ửng hồng xuân sắc. Từ từ nắng lên và lướt vào một ngọ thiên bừng bừng ánh hạ. Để rồi dịu xuống một hoàng hôn hiu hiu gió thoảng của hơi thu. Và đêm, những khi gió dìu mưa tới, phả giá lạnh mùa đông vào từng căn phòng, gác trọ. Bốn mùa trong một ngày, những khi ấy ở đâu có thời tiết đáng ước mong hơn? Một ngày bốn mùa như thế ở Sài Gòn tạo nên một niềm vui sống hài hòa. Thời tiết ấy không biết đến cực đoan, khắc nghiệt, bạo cuồng. Không nặng xích đạo, không băng giá, không động đất, không bão tố,... Không có gì vượt quá hạn độ. Không có nữ thần Trừng phạt nào bay trên đầu Sài Gòn. Có một Sài Gòn đạo. Đó là Trung đạo. Đó là đạo của Khoan dung. Như vậy là bạn có một Sài Gòn mê rồi đấy’.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh lại nhìn ở góc độ Những chiều sách Sài Gòn, theo anh: “Những nhà sách tôi vẫn thường hay đến là Nguyễn Huệ, Xuân Thu, nhà sách Sài Gòn, Thăng Long, Khai Trí… Nhiều, nhiều lắm không thể kể hết. Ngoài các nhà sách của hệ thống Fahasa, các công ty cổ phần như Phương Nam, là các nhà sách tư nhân làm sách đáng nể trên thị trường như Quang Minh, Trẻ, Văn Lang, Trí Việt… Họ dám đầu tư lớn vào những bộ sách của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục, sách triết học với những cái tên nặng ký như Lịch sử triết học phương Đông, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Thiền luận, Xã hội học đại cương, Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại, Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, Những điều trọng yếu trong tâm lý học...”.

Từ mỗi góc nhìn khác nhau, ta thấy, Sài Gòn đã được khắc họa đa chiều, nên càng đọc càng thấy hấp dẫn. Và nhất là thêm yêu một vùng đất văn hóa giàu nghĩa tình, phóng khoáng…

 

H.V
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI