Sài Gòn hào sảng, bao dung, Sài Gòn đối lập với những khoảng cách giàu - nghèo… tất cả tạo thành một Sài Gòn muôn màu và đáng yêu. Đó là những điều người xem cảm nhận được ở chuỗi tám bộ phim tài liệu làm theo phong cách Varan (đạo diễn tự cầm máy ghi lại chân thực nhất câu chuyện muốn kể, cả phần hình lẫn tiếng, không dàn dựng, không lời bình) trình chiếu tại Trung tâm Hoa Kỳ (TP.HCM) trong hai ngày 28 và 29/11 qua.
Loạt phim là sản phẩm của các bạn trẻ tham gia khóa học điện ảnh tài liệu trực tiếp Varan TP.HCM 2016 (do tổ chức Varan VN kết hợp ĐH Hoa Sen thực hiện, diễn ra từ 15/6 đến 15/9) đã đưa khán giả khám phá những điều mới lạ ở Sài Gòn mà trước giờ nhiều người cứ đinh ninh mình gắn bó với nơi đây lâu thì đã biết.
Liệu mấy ai thường đi ngang cầu Rạch Bàng trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), biết có ba thành viên trong một gia đình sống tạm bợ hơn chục năm nay trên chiếc ghe mục nát, không điện, không nước.
Tác phẩm Bên dưới đại lộ của đạo diễn Nguyễn Khánh Ly, từ tựa phim đã gợi ý cho người xem hình dung về hoàn cảnh sống nhân vật - một cựu binh 60 tuổi, cụt một chân, cùng vợ mưu sinh bằng công việc bán xăng và vài món lặt vặt bên lề đường. Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu ông không phải là một người lính chế độ cũ, từng bị bắt đi học tập cải tạo ba tháng.
Nhưng tuyệt nhiên trong lời tâm sự của ông, không có lấy một lời oán than hay trách hờn số phận, mà chỉ thấy tinh thần lạc quan, tin vào tương lai tươi sáng được gửi gắm nơi cô con gái chín tuổi. Ống kính lia qua từng ngóc ngách nơi ở của nhân vật: chiếc ghe cũ kỹ, neo giữa một đám dừa nước. Cái “không gian sống” mà người cựu binh tự an ủi mình rằng “đậm chất Nam bộ, gợi nhớ quê nhà ở Trà Vinh” ấy làm người xem khó tránh cảm giác ngỡ ngàng vì nào biết giữa Sài Gòn náo nhiệt có một không gian như thế.
Khi sự lạ lẫm qua đi, đọng lại là cảm giác bùi ngùi chứng kiến ba phận người sống quá bấp bênh ở lề đường. Máy quay dừng lại ở cảnh hai vợ chồng già ngồi chỉ bài cho đứa con gái nhỏ bên ngọn đèn dầu - nguồn sáng leo lét ấy tương phản với thứ ánh sáng rực rỡ, lộng lẫy từ những căn hộ của khu chung cư cao cấp nằm đối diện bên đường.
Cũng nói về phận người tha hương sống ở Sài Gòn nhưng Giường xinh (đạo diễn Hà Lệ Diễm) mang màu sắc trẻ trung, tươi tắn hơn, thông qua hình ảnh hai chàng thanh niên hành nghề lắp ráp giường tủ. Ban ngày họ lái chiếc xe tải nhỏ màu xanh đi khắp nơi trong thành phố để giao hàng, tối về tìm niềm vui qua những trò chat chít trên mạng. Những phút trải lòng mơ về một mái ấm gia đình trong tương lai của hai chàng trai làm người xem thấy yêu hơn sự lương thiện, thật thà của họ.
Đồng trang lứa với hai thanh niên kia, anh chàng đảng viên trẻ tên An trong bộ phim Mùa hè nghiêm của Lê Thu Minh được trưởng thành từ chính mảnh đất này. Địa bàn khu hành lang cảng Bến Nghé (Q.7), nơi An lớn lên có những đứa trẻ là con gia đình công nhân, người lao động nghèo trọ quanh khu vực.
|
Phim Mùa hè nghiêm thu hút người xem bằng câu chuyện trẻ trung, có chút hài hước về anh chàng An (trái) và những cô cậu nhóc trong lớp học tình thương |
Vậy là cùng với những người lính ở Trạm biên phòng cửa khẩu Bến Nghé, An trở thành một trong những thầy giáo của lớp học tình thương do trạm phối hợp với chính quyền P.Tân Thuận Đông thành lập. 35 phút phim không âm nhạc, không lời bình, chỉ đơn thuần là những lời bộc bạch của nhân vật với máy quay, hình ảnh những cuộc trò chuyện thân tình giữa An với các phụ huynh và những màn giáo huấn rất dễ thương của An đối với học trò.
Người xem dõi theo không biết chán vì bị cuốn theo các cách ứng xử, giải quyết tình huống chân thành, xông xáo thỉnh thoảng có chút trẻ con của An và sự tinh nghịch hồn nhiên của các nhân vật phụ -những trẻ em nghèo của lớp. Một Sài Gòn nghĩa tình với những con người giàu lòng bác ái như An còn được thấy trong hai bộ phim tài liệu về hai phụ nữ với niềm tin tôn giáo khác nhau nhưng cùng chia sẻ niềm đam mê làm từ thiện và phục vụ cộng đồng: Bà mục sư (đạo diễn Trần Ngọc Thanh Hiền) và Chuyện kể rằng (đạo diễn Hồ Anh Vũ).
Sài Gòn còn có những “nhân tố” đặc biệt như anh chàng kỹ sư công nghệ thông tin 31 tuổi gắn bó với nghệ thuật trình diễn drag queen và những điệu nhảy waacking trong phim Lộng lẫy (đạo diễn Lê Mỹ Cường) hay lão tướng gần 60 tuổi chơi nhạc rock trong phim Thiên thần bất tử (đạo diễn Nguyễn Thu Hương).
Xem phim, khán giả khám phá một công việc đầy màu sắc, bí ẩn như drag queen (chỉ những nghệ sĩ hóa trang thành nữ giới để biểu diễn nghệ thuật) và biết đến sự tồn tại của nhóm nhạc rock lâu đời Sagometal (thành lập năm 1996).
Còn với Vị của đêm (đạo diễn Cao Trung Thảo) người xem được biết đến một quán cà phê vợt nằm trong hẻm, có tuổi đời 60 năm và mở cửa 24/24. Quán cà phê được vận hành bởi các thế hệ trong gia đình, là nơi gặp gỡ của ký ức, nơi dừng chân của mọi người giữa lòng thành phố tấp nập.
Chín đạo diễn trẻ của lớp học Varan TP.HCM 2016 (trong đó có ba người đến từ Hà Nội) đã mang đến bức tranh Sài Gòn muôn màu, đáng yêu. Những nhân vật, câu chuyện trong các bộ phim có thể đã được kể trên sách, báo nhưng qua góc nhìn của những bạn trẻ làm phim tài liệu kiểu Varan, người xem vẫn thấy thích thú. Vì các nhân vật hiện lên một cách gần gũi, tự nhiên bởi khoảng cách với người cầm máy bị xóa nhòa. Để làm được điều này, đòi hỏi đạo diễn phải rất kiên trì, nhẫn nại.
Một tác phẩm dài tầm 30 phút, đạo diễn mất khoảng ba tháng trời đeo bám nhân vật mới hoàn thành. Mất công, mất sức nên chỉ những ai đam mê mới có thể bám đến cùng. Đó cũng là lý do lớp học Varan TP.HCM 2016 đã kết thúc từ tháng Chín nhưng đến nay các phim mới được trình làng.
Kể từ sau tiếng vang của bộ phim tài liệu dài chiếu rạp Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, phong cách làm phim tài liệu trực tiếp - phong cách Varan thu hút nhiều bạn trẻ.
Hương Nhu