Sài Gòn "hỗn loạn yêu thương"

14/06/2024 - 19:34

PNO - Tôi bắt đầu mở lòng đón nhận Sài Gòn, tôi gọi nơi này là Sài Gòn "hỗn loạn yêu thương". Tôi không muốn rời đi vì những gắn kết cảm tình của người và đất.

Một góc nhìn của tác giả Colin David Terry trong hoàng hôn Sài Gòn
Một góc nhìn của tác giả Colin David Terry trong hoàng hôn Sài Gòn

Tôi đến Sài Gòn - TP.HCM lần đầu tiên vào năm 1991, lúc đó thành phố còn trẻ như một nàng thơ e ấp, khép kín nhưng lại có nét thú vị riêng lẫn sự duyên dáng ngọt ngào hương quê.

Khoảnh khắc đầu tiên khiến tôi phải “wow” là khi vô tình đi ngang qua một trường học vào giờ tan trường, nhìn học sinh mặc áo dài trắng, đạp xe trong nắng chiều vàng lấp lánh dưới những tán cây làm tôi bồi hồi một khoảng lâu, lòng nghĩ, đất nước này xinh đẹp và duyên dáng quá chừng.

Khoảng thời gian đó, xe cộ còn ít, đường rợp bóng cây xanh, con người thân thiện và phố xá còn giữ được vẻ đẹp ban sơ, đơn giản với phương tiện chủ yếu là xe đạp. Tôi đi thăm thú những điểm nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, thăm Dinh Độc Lập.

Lúc đó tôi ở khách sạn Majestic, buổi chiều ngồi gọi một ly rượu và nhìn ra bến sông, mọi thứ êm đềm trôi chảy, một cảm giác thư thái lạ thường tràn ngập trong không gian. Thời gian đó, người nước ngoài đến Sài Gòn còn khá ít nên khi mọi người nhìn thấy một “ông Tây” đi giữa phố thì sẽ nhìn và cười, vẫy vẫy tay, đám con nít sẽ chạy theo, nói "hé lô, hé lô". Lúc đó trong tôi, Sài Gòn giống như một người con gái mang tất cả những tính cách dịu dàng, mộc mạc của người con gái Á Châu.

Tuy nhiên, thành phố này chỉ là một điểm đến như những miền đất khác mà một người yêu thích khám như tôi đi qua trên hành trình của mình. Mãi đến năm 2017, tôi nhận một công việc lâu dài tại đây, lúc nhận việc tôi chỉ nghĩ mình sẽ làm xong nhanh chóng rồi trở về nước, nhưng không ngờ đó là một quyết định thay đổi cuộc đời. Năm đó, tôi trở lại Sài Gòn và bất ngờ trước sự thay đổi của thành phố. Thoắt cái thành phố đã đổi thay toàn bộ, từ giao diện đường sá, đến phương tiện giao thông, kiến trúc, nét hiện đại, hội nhập và là nơi quy tụ của nhiều công ty đa quốc gia cũng như nhiều người nước ngoài đến sống và làm việc. Tôi có chút choáng ngợp trước sự thay đổi quá chóng vánh này.

Tôi không thể nào nói về Sài Gòn như người bản xứ nói về Sài Gòn, nhưng những thay đổi của Sài Gòn làm cho một người xa lạ mới đến vài lần như tôi phải bất ngờ. Sài Gòn không còn là cô gái trẻ e ấp năm nào tôi nhìn thấy, Sài Gòn bây giờ đã trở thành người còn gái trưởng thành, hiện đại và xinh đẹp.

Tuy nhiên, cũng có nhiều phần gai góc đáng sợ. Bên cạnh việc tận hưởng lợi ích của đường xá mở rộng, những tòa nhà hiện đại, những văn phòng tiện nghi thì tôi sợ hãi sự hỗn loạn của giao thông đan xen ngang dọc, những lúc kẹt xe giờ tan tầm, người người chạy xe lên vỉa hè, những buổi sáng chiều triều cường ngập nước. Khi trở lại như một người định cư lâu dài chứ không phải một khách du lịch chớp nhoáng, tôi lại thấy những khuôn mặt khác của Sài Gòn.

Tôi vừa mong cho mau hoàn thành công việc để trở về nước vừa tìm cách hòa nhập vào cộng đồng người nước ngoài ở Thảo Điền để giúp cho những ngày tháng ở đây trở nên dễ chịu. Mọi thứ dần ổn định, tôi có bạn bè rồi bắt đầu tham gia vào nhóm đạp xe đạp và phát hiện ra Sài Gòn là một trong những thành phố hiếm có mà mình có thể đạp xe lòng vòng và ngắm nhìn thành phố một cách thoải mái, an toàn như vậy.

Cuộc sống cuả tôi ở Sài Gòn bắt đầu trở nên vui vẻ và màu sắc hơn. Những lần đạp xe rong ruổi từng con đường, ngỏ hẻm, tôi khám phá bao nhiêu quán cà phê, quán ăn, tôi hiểu thêm phần nào văn hóa ăn uống, sinh hoạt của thành phố. Hiểu thêm rằng người Sài Gòn thân thiện, nụ cười và câu chào hỏi luôn thường trực mỗi lần gặp gỡ.

Sau nhiều lần đạp xe giữa phố xá đông người, tôi cũng đã đỡ thấy sợ hãi về giao thông hỗn loạn, tôi cũng quen dần với triều cường ngập nước.

Tôi dần có thêm những người bạn Việt Nam, họ nhiệt tình, thân thiện và rất tình cảm. Mỗi dịp lễ tết, họ biết tôi ở thành phố một mình nên thường quan tâm hỏi han, gửi đồ ăn Việt Nam truyền thống cho tôi ăn thử. Họ còn gửi hoa quà bánh trái, những món bánh do gia đình tự làm, họ mời tôi đến nhà gói bánh tét, ăn cơm tất niên. Tôi cảm thấy ấm áp vì những quan tâm chân tình đơn giản như vậy.

Có hôm, xe đạp của tôi bị hư giữa đường trưa nắng, đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì có một bác xe ôm chạy đến hỏi han và giúp đỡ. Trời đang nắng quá, bác còn mở cái bị, lấy ra một cái nón đã sờn cũ và đưa cho tôi đội lên. Lần đầu tiên tôi thấy cảm động khi nhận được sự giúp đỡ ân cần của một người xa lạ, giữa một thành phố cũng chưa kịp quá thân quen.

Nếu hỏi tôi điều gì tôi ấn tượng nhất về Sài Gòn, tôi sẽ trả lời đó chính là cảm giác được sống trong tình cảm ấm áp của con người với nhau cũng như sự gắn kết trong cộng đồng dần tạo nên những mối liên kết chặt chẽ mà người bản xứ hay gọi tên bằng hai chữ nghĩa tình. Nó làm trái tim tôi tan chảy và cảm thấy những phần gai góc, xù xì của Sài Gòn bỗng dưng dịu đi, mờ nhạt hẳn.

Tôi tin ít nhiều trong chúng ta ai cũng đều hiểu cảm giác, khi đã ở một nơi nào đó đủ lâu, một buổi sáng thức dậy, mình sẽ cảm thấy nơi đây là nhà mình. Sài Gòn đối với tôi cũng vậy, tôi thấy nó thân quen, những rộn rã chật chội sớm mai, những chen chúc lúc tan tầm, kể cả những lần ngập nước, tất cả không còn đáng sợ với tôi nữa vì thành phố còn có những điều khác vượt trội hơn đáng để yêu mến.

Tôi bắt đầu mở lòng đón nhận Sài Gòn, tôi gọi nơi này là Sài Gòn hỗn loạn yêu thương. Thời gian trôi vùn vụt, tôi xong công việc, thời khắc được trở về nước đã đến gần, đáng lẽ tôi phải vui, nhưng tôi lại cứ thấy phấp phỏng vì phải xa cuộc sống quen thuộc, bạn bè thân thiết và xa thành phố này. Thế là tôi quyết định tiếp tục công việc ở đây thêm một nhiệm kỳ nữa. Và bây giờ, tôi đã làm đến nhiệm kỳ thứ ba.

Sài Gòn trong mưa thơ mộng dưới góc nhìn của tác giả Colin David Terry
Sài Gòn trong mưa thơ mộng dưới ống kính của tác giả Colin David Terry

Giờ đây, Sài Gòn trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Tôi hạnh phúc khi được sống trong một thành phố đầy tình cảm giữa những con người từ nhiều phương trời tụ hội, được chia sẻ và đóng góp một phần vào sự phát triển của mảnh đất này, nơi dung chứa hàng triệu con người từ nhiều nơi khác nhau về cùng chung sống và không muốn rời đi vì những gắn kết cảm tình của người và đất, dù đơn giản nhưng bền chặt hơn cả tháng năm.

Cảm ơn Sài Gòn đã cho tôi ngôi nhà thứ hai để dù đi đâu tôi cũng muốn trở về.

Colin David Terry

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI