Sài Gòn hối hả - Sài Gòn thong dong

19/05/2024 - 05:47

PNO - Thành phố hối hả đến thế nào thì người đặt chân đến Sài Gòn lần đầu hay người vừa đi xa về nhận ra rõ nhất. Nhưng có một Sài Gòn thong dong trong nếp nghĩ, càng gắn bó càng nhớ càng thương.

Có một Sài Gòn hối hả - đứng ở trên bất cứ cây cầu nào cũng thấy dòng người xe nhích vội lúc tan tầm. Cẩu tháp khổng lồ sừng sững giữa công trình cần mẫn làm việc thâu đêm. Xe tải nối đuôi nhau chở nông sản từ khắp nơi tụ về. Những chuyến tàu chở container cập cảng và xuống hàng ở cảng Cát Lái, Tân Thuận, Bến Nghé…

Sài Gòn hối hả trong những deadline giữa tiếng máy lạnh rù rì, trong viên thuốc giảm đau người thợ xây già uống vội buổi sáng để làm việc cho đỡ nhức mình; hối hả trong những mục tiêu, kế hoạch người ta đặt ra khi đã được nơi đây đón nhận. Có người nói không theo kịp nhịp sống ở Sài Gòn, không chịu được những trưa hè kẹt xe - nhưng đi xa lại nhớ đến nao lòng. Thành phố rộng, ôm vào lòng biết bao ồn ã, lo toan.

Người ta gọi Sài Gòn là thành phố không ngủ. Chỉ cách một chặng xe đò, một chuyến bay với quê nhà mà đêm Sài Gòn khiến nhiều người choáng ngợp. Khi máy bay hạ dần độ cao, nhìn xuống thành phố, những con đường hiện ra như được vẽ bằng ánh sáng, nhịp sống ban ngày nối dài xuyên đêm. Thành phố gần mười triệu dân, là đô thị sôi động nhất nước, cung cấp lượng hàng hoá dịch vụ đứng đầu cả nước, không hối hả sao được!

Có một Sài Gòn hối hả, nhịp sống ban ngày nối dài xuyên đêm (Ảnh: Thái Sinh)
Có một Sài Gòn hối hả, nhịp sống ban ngày nối dài xuyên đêm (Ảnh: Thái Sinh)

Nhưng cũng có một Sài Gòn thong dong vỗ về nhịp sống thị thành. Tôi thường chở con gái đi học sớm rồi loanh quanh đâu đó trong những con hẻm nhỏ vùng ven Sài Gòn. Những con hẻm mà trước cổng mỗi nhà đều có giàn bông giấy như phố cổ Hội An, hay một xóm nhỏ miền Tây mùa nắng. Những con hẻm trồng đầy hoa muồng hoàng yến, bằng lăng hay cả một giàn cây được trồng từ chai nhựa bỏ đi - giàn chai nhựa biết nở hoa mà người làm vườn đã cắt tỉa công phu trong mùa dịch.

Thi thoảng tôi cũng gặp những hàng dừa, bờ rào nở đầy bông bụp và mấy cây bình bát ra trái quanh năm, những vườn mai đã có từ lâu lắm của đời người - đời cây tiếp nối. Người Sài Gòn hay người Nam bộ nói chung ngày tết phải có một chậu mai trong nhà. Mỗi năm một mùa hoa, thấy những chậu mai từ vườn ra phố, rung rinh trên những chiếc xe bán tải, xe ba gác là đã thấy xôn xao. Phố xá vội vã hơn, bến xe, sân ga, sân bay đông đúc gấp mấy lần ngày thường, người ta lỉnh kỉnh bánh quà, hành lý về quê đón tết.

Mai vàng khoe sắc trên đường Kha Vạn Cân những ngày giáp Tết (Ảnh: Hoàng Hiền
Mai vàng khoe sắc trên đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức, TPHCM những ngày giáp tết (Ảnh: Hoàng Hiền)

Những ngày giáp tết, dọc quốc lộ 13, đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức và công viên Gia Định đua sắc hoa mai. Có những “cụ mai” là công trình cả đời người và thế hệ tiếp nối. Tôi từng đứng lặng giữa đêm mùng Một hay mùng Hai tết ở công viên Tao Đàn trong hội hoa xuân. Khi ấy chương trình ca nhạc Chào xuân đã kết thúc, người xem thưa vắng, hoa mai lặng lẽ khoe sắc. Trên cao, những cây dầu, cây sao, cây xà cừ thả xuống không biết bao nhiêu lá vàng khi gió đêm đầu tiên của năm mới lay động, ngước lên chỉ thấy vòm xanh chụm tán vào nhau nổi bật trên nền trời sâu thẳm. Mùi đất ẩm, mùi cỏ và những làn hương từ muôn sắc hoa mai, hoa lan lúc đó mới thức dậy, loang ra.

Hoa mai khoe sắc dưới vòm cây cổ thụ trong hội hoa xuân Tao Đàn (Ảnh: Hoàng Hiền)
Lũ trẻ thong dong ngắm hoa mai dưới những vòm cây cổ thụ trong hội hoa xuân Tao Đàn (Ảnh: Hoàng Hiền)

Sài Gòn những ngày tết rộng và vắng vẻ đến lạ lẫm, trước cổng nhà nào cũng đặt mấy chậu vạn thọ, cúc vàng hay mào gà. Người Sài Gòn yêu cây cối, tôi còn nhớ sau đợt giãn cách vì dịch COVID-19, ngày thành phố gỡ lệnh phong tỏa, ở tiệm cây đã xúm xít người mua. Người ta kể với nhau về mấy chậu cây héo khô trong mùa dịch rôm rả xôn xao như đã quen nhau từ lâu lắm. Nhìn lên một mái tôn cũ che mưa nắng cũng thấy một “vườn cây”. Mùa hè, tôi thường chở con đi học vẽ, con gái tôi hay nài nỉ mẹ chở đi học sớm rồi chạy xe thật chậm trên đường Nguyễn Đình Chiểu để nghe tiếng ve kêu. Trên những tán lá biếc xanh ẩn chứa bao nhiêu điều kỳ diệu, đấy là thế giới của côn trùng, rất nhiều “họ hàng, gia đình” nhỏ cộng sinh. Ở trong lòng phố, một góc nhỏ riêng tư hay thênh thang ngoài đại lộ, người tựa vào cây và cây tựa vào người.

Thành phố vẫn hối hả...

Hối hả đến thế nào thì người đặt chân đến Sài Gòn lần đầu, người đi xa về sẽ nhận ra rõ nhất. Nhưng có một Sài Gòn thong dong trong nếp nghĩ hay những khoảnh khắc khiến người ta chậm lại giữa muôn vẻ đời thường thì càng gắn bó càng nhớ càng thương. Chữ thương ở Sài Gòn - nói hoài không hết.

Hoàng Hiền (TPHCM)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI