Sài Gòn, hễ còn ăn trái, chơi bông…

25/01/2019 - 14:50

PNO - Kênh Lò Gốm, đường Phú Định, phường 1, mới sáu giờ chiều mà tối bưng. Thành nói: “Em bệnh, không nhậu được, anh thông cảm, nhưng chờ chút, lát thằng Tính ghe kia nó nhậu, mới nghe sai đứa em đi mua mồi đó”.

Mòng muỗi kêu réo. Loang loáng đèn xe máy vút qua, như tia lửa điện xẹt xuống mặt kênh đen ngòm rồi biến mất. Vợ Thành khá trẻ. Chị đang ngồi chải tóc cuối ghe, nghe chồng từ chối, không biết vì sao chị cười. Một ngọn đèn được bật lên, chỉ đủ soi chỗ chị ngồi. “Dạ, ăn tối rồi anh”, chị vọng lên trả lời tôi. “Ăn sớm, ngủ sớm, mai còn dọn hàng”, Thành nối lời.

Rồi như muốn cáo lỗi, Thành ới sang ghe kia: “Tính ơi, có anh nhà báo muốn nhậu với mày”. “Nhà báo là hổng chơi, nhưng… chờ thằng em mang mồi về đã”. Bắt được nhịp, tôi nối liền: “Có đây, quất liền đi”. “Anh qua đây”.

Sai Gon, he con an trai, choi bong…
Sài Gòn hễ còn ăn trái, chơi bông là còn ghe

Tính nói như kê khai: “Dạ, Lê Chí Tính, quê ở xã Tân Lược, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Đi ghe đã 18 năm. Bà già bị đau nên vợ thay được một năm”. Nói xong, anh cười rổn rảng, đưa lon bia chạm cái rốp. Chị vợ ra chào khách, cười cười: “Nhớ con chứ, nhưng có điện thoại nên cũng đỡ, thằng anh 14 tuổi, em bảy tuổi, đang ở với ngoại”. Nói xong, chị lui, lên võng móc cuối ghe, đong đưa. “Vợ chồng son, vui hè…”. Lại giọng chị khúc khích khi nghe tôi trêu.

Tính bỗng buồn não: “Mình làm thuê cho chính mình. Đi sáu ngày, lời ba triệu, tính ra hai người, thì lời chẳng mấy. Nhưng không đi thì đói, ở quê không có đất”. Ông Lợi, chú ruột của Tính, góp chuyện: “Dưới quê, đào mương thuê, một mét bảy ngàn, ngày đào 30m là “bể bạc đạn”, lên Sài Gòn buôn bán, dễ thở hơn nhiều. Ngó lên chẳng bằng ai, nhưng ngó xuống đỡ hơn bao người”. Giọng ông trầm hẳn.

Hơn 20 năm cắm sào từ cầu chữ U bên đại lộ Võ Văn Kiệt rồi dạt xuống đây, ông nằm lòng từng quãng, khúc kênh này. Khoang thuyền đầy nhóc chuối. “Ngủ đâu em?”. “Kìa anh”. Tính chỉ chỗ chị vợ đang nằm trên võng. Chừng 4m2, phía đuôi thuyền là một cái chòi. “Không mùng hả?”. “Giỡn anh Năm, không mắc mùng thì về quê bà con nói thằng này giàu dữ, mình mẩy đầy kim tuyến, là muỗi chích đó anh”.  Tiếng cười tràn mặt ghe.

 Bỗng Tính đứng dậy mang cái đèn pin vô đầu, cầm dao, soi cắt chuối chín đang lẫn trong đống chuối xanh. Một rổ bự chảng. Tôi ngó lên bờ, ở đó một mối hàng đang dựng xe chờ. “Một nải bảy ngàn, chuối to đẹp thì mười ngàn. Ghe chuối này chừng hơn 20 triệu - Tính vừa làm vừa kể - Chín quá cũng bán được, người ta làm chuối ép, bánh chuối. Chuối đẹp bán chạy nhất là rằm, mồng Một, lễ tết. Cữ đó, tụi em phải dậy từ hai giờ sáng bán đến tối, còn bình thường thì ba giờ dậy. Nên mấy anh thông cảm, xuống thăm chơi tụi em mừng, cảm ơn, nhưng nói thiệt ngồi chút nữa là phải đi nằm”.

Sai Gon, he con an trai, choi bong…

Chị Bé cho rằng mình quá hên...

Tính khệ nệ bưng rổ chuối bước lên cái đà lớn, là miếng ván bắc từ thuyền lên bờ. Những nhịp rung lắc theo bước chân. Làm sao đếm hết nhịp nảy của ván theo bước chân của bao kiếp thương hồ, từ thuở Sài Gòn tấp nập thuyền ghe, cho đến bây giờ khi mọi thứ như con nước đã ròng.

Tính ới sang thuyền kề: “Làm ly Thành ơi”. Thành đang nằm trên võng, cạnh sát là vợ. Ánh đèn đủ soi một góc, họ đang xem hài trên điện thoại. Tôi kịp nhìn nụ cười người vợ sáng láng, rạng rỡ. Tự dưng thấy mọi thứ tối tăm, đen ngòm, những ý nghĩ về phận đời thương hồ trôi dạt vốn mặc định lâu nay, tan biến mất, chỉ còn lại khoang thuyền bé lấp lánh niềm vui. Đó là phút thanh thản của một ngày mưu sinh, nhọc nhằn cơm áo, hít thở không khí ô tạp, mà trót đã theo nghề nên phải lụy tấm thân.

Thành và vợ làm công nhân ở Bình Dương, lương èo uột, nhưng cái chính là con gửi ngoại, làm ở đó cả tháng mới về thăm được, nhớ cháy ruột, nên cậu vợ sang cho cái ghe, thế là vợ chồng gật cái rụp, bán hết hàng là về với con, cứ thế… Chị Nhân, vợ Tính, nói vọng ra: “Đi đi về về, cũng đỡ nhớ, con nó cũng quen dần”. Quen, hình như cái kết luận đó, qua bao lớp thương hồ, nay đã dịch chuyển theo một lối khác, mà ở đó, những cào xước rớm máu đã bớt đi rồi, khi lớp già đã lui, những người trẻ mạnh mẽ hơn đi tìm đáp số cái ăn cho mình. Lên buôn bán, con gửi, vài bữa là về, lại lên. “Trên này bán quen rồi, dễ kiếm tiền cho con  ăn học”, chị nói như bằng lòng.

***

Bữa kia tôi được ông Sáu Hòa - ở Tân Quới Trung, huyện Vũng Liêm - cho ngồi trên ghe, chạy bỏ chuối cho mấy mối ở quận 4 và quận 8 rồi tấp về bán ở chợ Nguyễn Khoái quận 4. Đi ghe từ lúc 16 tuổi, nay ông đã 60. Miền Tây, khúc sông nào ông cũng rành, đi miết, cuối cùng Sài Gòn vẫn là chỗ trụ lại ổn nhất. Đi cùng ông là con rể tên Nguyễn Văn Tâm. Anh nói rằng, không nhờ ông già vợ cho theo lên đây, bốn đứa con anh sẽ thất học vì ở quê không có mét đất cắm dùi. Khi tôi hỏi ông Sáu Hòa thì ông trìu mến nhìn anh, nếu nó ưng thì tôi cho cái ghe này liền. Tôi ngó qua anh, đọc được trong ánh mắt lòng biết ơn và chấp nhận.

Sai Gon, he con an trai, choi bong…

Chị Nguyễn Thị Bé, bán mít bên kênh Tẻ đường Trần Xuân Soạn, kể như không cần giấu “lộc” trời cho. Vợ chồng chị ở xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, chạy ghe lên đây bán trái cây đã mười năm. “Một bữa, có chị bán giày dép ngồi cạnh, nghe em than không đủ tiền nuôi con bé học ở Sài Gòn khi cứ bám ở đây, chị bèn nói “mày để tau”. Chị lên phường, xưng con bé là cháu ngoại, cho nhập khẩu, xin vô học không tốn tiền. Con lớn học tới lớp Chín, theo em đi làm, sáng chiều có trách nhiệm chở đứa em từ Tân Hưng đi Tân Phong học. Hên quá, chị đó tốt quá, không thì vợ chồng em biết làm sao”.

Bao người tha hương theo con nước, kiểu này hay cách khác đều nương tựa Sài Gòn mà sống. Ngồi cạnh tôi là hai thanh niên. Huy, gọi Tính là anh bên ngoại, năm nay 26 tuổi; còn Huỳnh, mặt non choẹt “dạ cháu 18 à”. Huỳnh kể, quê Giá Rai - Bạc Liêu, cha mất sớm, mẹ có chồng khác, đi bụi đời,  ăn trộm, hai lần bị bắt, lần thứ ba thoát được, nhảy về Vũng Liêm đi ghe thuê, chủ trả lương 4,8 triệu đồng/tháng. “Dạ, mỗi tháng đi bốn lần vầy chú”.

Suốt buổi nhậu, nó chỉ cười rần, mọi thứ theo nó kết luận  là đời mà chú, kệ đại, đi ghe có tiền, ngồi ghe ngó em gái Sài Gòn cũng đã con mắt, lại nhậu “líp ba ga”... Đi thuê năm nay nữa là bốn năm liền nó ăn tết Sài Gòn. “Ba mươi tết về nghỉ, mồng Hai chất hàng, mồng Ba chạy, mồng Bốn tới Sài Gòn”. Huy cự: “Vậy mà cũng nói ăn tết Sài Gòn!”. “Thì ở Sài Gòn mồng Bốn tới mồng Chín, không phải ăn tết hả?”. Tôi nhìn nó, mặt trắng trẻo mà lòng phong sương sớm. Biết làm sao, chẳng ai giống ai, cơm áo dồn đuổi, tụ về trên những khoang thuyền hai phần tối một phần sáng, nhưng chưa ai kêu than khi được hỏi, không nghe câu ca não ruột “Bìm bịp kêu con nước lớn anh ơi - Bán buôn không lời chèo chống mỏi mê”…

“Sao không đi nơi khác, về vùng Cần Thơ, Hậu Giang?”. “Dưới đó ít tiêu thụ chuối - ông Lợi nói - chuối này tụi tôi mua ở Sa Đéc, lên đây bán dễ, Sài Gòn người mua đông, nên ít khi tồn hàng lắm”. Chẳng ai thống kê được, thuở thịnh nhất, Sài Gòn bao nhiêu ghe thương hồ. Bây giờ đường sá phong quang, xe về tận vườn mua, chạy một tiếng là tới, nhưng những chiếc ghe này, vì nhiều lẽ, vẫn còn chồm lên những con sóng sông Hậu, sông Tiền, theo dấu cha ông xưa, tìm mưu sinh chốn này. Đâu phải biển xa mới gặp sóng dữ, để đi đến được đây, họ cũng nếm đủ mùi thất kinh.

Sai Gon, he con an trai, choi bong…

Huỳnh ra vẻ rành rõi: “Cữ nào mà không gặp hả chú! Thầy trò con gặp miết, chưa có nơi nào sóng hỗn như sông Tiền, sông Hậu, lốc xoáy sà lan còn lăn như trái banh. Đây nè, qua sông, đi ngang chỉ cần năm phút, nhưng muốn tránh sóng phải chạy lên cầu Cần Thơ theo con sóng thả xuống. Sóng to như cái ghe, là lúc nước lớn nước ròng giao nhau, hỗn dữ dằn, nên muốn tránh nó, phải đi lúc bình minh hoặc hoàng hôn, chứ tầm tám giờ sáng hoặc tám giờ tối là dính liền à…”. Tính nhìn Huỳnh, gật đầu. Nó cười hì hì.

***

“Thôi chú ngồi chơi, con về ngủ”. Nói xong, Huỳnh đi. Tôi cũng đứng dậy. Bên kia, ông Lợi, ông Thủ và vợ chồng Thành đã ngủ. Sáu thuyền sát nhau, tắt đèn hết, lù lù đen trũi dán trên mặt kênh tối đen mịt mùng. Ánh đèn cao áp từ đại lộ Võ Văn Kiệt không đủ sáng tới đây.

Tôi nhìn Tính qua bóng tối đổ tràn mặt anh. Vẫn còn đó những chiếc ghe lầm lũi, trĩu nặng hoa trái nối nhau lặng lẽ tìm về Sài Gòn mưu sinh. Chỗ đậu trên kênh Tẻ, Lò Gốm, Tàu Hủ hay một nơi nào đó, mặt nước trở thành miếng đất để họ dựng nhà, không bị lèm bèm cau có và như thế, dẫu con nước có trong - có đục, có lớn - có ròng, thì Sài Gòn đã là quê hương thứ hai của họ. Một sợi dây vô hình níu họ không thể rời, dù tháng năm rơi rụng đi những chiếc thuyền ứ hự trái cây. Tính nói, lúc làm đường Võ Văn Kiệt, ghe phải chạy về đây, chẳng ai la rầy nhưng sắp tới người ta làm kè, tụi em không biết đi đâu…

Tôi nhìn lại lần nữa. Ghe như cái vắt tay trên trán ngủ trong đăm chiêu. Sài Gòn là đất kênh rạch. Thương hồ là nét văn hóa của Sài Gòn. Tôi đã nghe không ít, rằng thương hồ chỉ còn trong ký ức. Giá mà người ta quy hoạch, chừa lại một khúc kênh cho ghe thuyền tứ xứ về, ở đó những sáng, những chiều thấp thoáng tấm lưng trần vác cần xé, những gương mặt đàn bà hiền hậu một phút thảnh thơi đắm chìm trong điệu boléro vẳng đủ nghe từ khoang gỗ bé nhỏ, hẳn sẽ là khúc đoạn dễ thương biết mấy, để sau này khỏi thốt lên lần nữa rằng hồn cốt Sài Gòn thêm một lần sứt mẻ. “Chưa biết, nhưng họ còn ăn trái, chơi bông, là còn ghe…”. Đó là lời ông Sáu Hòa. Chẳng biết ông dựa vào đâu để nói vậy, hay là kinh nghiệm dày dạn hơn hai phần đời người ăn cơm, uống nước Sài Gòn…

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI