Vẻ đẹp của nước -

Sài Gòn, dòng sông ân sủng

14/06/2024 - 06:27

PNO - Đó không chỉ là một tín hiệu đơn thuần về chuyện có nước mà với tôi, còn là tín chỉ cho sức khỏe, cho sự biểu hiện của một cuộc sống văn minh, hiện đại

Thứ Bảy, ngày 4/5/2024, trong cái nắng hầm hập bức bối gần trưa, ghé thăm một phòng tranh trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TPHCM, tôi bỗng ngước nhìn lên, thấy một chiếc bồn lớn xây cao, ngày trước là thủy đài chứa nước phông ten để dùng chung cho cả khu cư xá này. Nó lọt thỏm gần khu đất trống trơ nắng được trưng dụng làm bãi giữ xe…

Con hẻm số 776 Nguyễn Kiệm ấy có phòng tranh của họa sĩ Văn Y - một họa sĩ lớn tuổi xuất thân từ Trường Mỹ thuật Gia Định - được ông thuê nhiều năm nay, để tụ hội và hướng dẫn vẽ tranh cho các em khiếm thính. Lớp học vẽ ấy mang tên Âm thanh hội họa, thuộc Câu lạc bộ Mỹ thuật Mekong Art.

Các họa viên thường tập trung sáng tác vào mỗi ngày thứ Bảy, trong âm thanh của tiếng đàn chim bồ câu chớp cánh bay đậu. Dù rằng hơn 20 em chẳng ai nói được và cũng không nhận ra được tiếng vọng âm thanh nào ngoài những sắc màu lung linh của ánh mắt dõi theo chiếc cọ đẩy đưa trên các bức toan vẽ.

Lớp mỹ thuật Âm thanh hội họa dành cho người khuyết tật ở cư xá Phú Nhuận
Lớp mỹ thuật Âm thanh hội họa dành cho người khuyết tật ở cư xá Phú Nhuận

Và cư xá ấy là 2 dãy nhà thấp kiên cố khoảng gần trăm căn, nằm 2 bên con hẻm rộng chỉ vừa đủ cho chiếc xe tải lớn chạy qua. Trước năm 1975, nó có tên là cư xá Phú Nhuận (hồi trước, cứ nói cư xá Phú Nhuận trên đường Võ Di Nguy là ai cũng biết), dành cho các sĩ quan hoặc công chức của chế độ cũ sinh sống cùng gia đình.

Chiếc bồn nước thoạt nhìn như lửng lơ, nằm ở đó trên các bệ đỡ và chân chống bằng sắt, chứng nhân cho bao năm nguồn nước sông Sài Gòn sau khi xử lý được bơm qua đây, rồi chảy về các gia đình tắm giặt, nấu nướng, ăn uống…

***

Tôi ngồi bên bóng cây khế vừa ra hoa ngày hạ, chợt miên man nhớ đến những lần cùng một vị cán bộ Chi cục Đường thủy TPHCM trên chiếc ca nô đi dọc sông Sài Gòn.

Những chuyến đi ấy, bao giờ cũng có một người bạn với phong cách lãng tử, song mang trong mình tâm huyết khó tưởng với vẻ đẹp và hết sức trân quý nguồn nước của dòng sông chảy qua thành phố này.

Đó là ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty Thường Nhật - người đã đề xướng nhiều dự án, chương trình liên quan đến khai thác tài nguyên du lịch của dòng sông. Và không chỉ có thế, qua nhiều câu chuyện trao đổi, tôi biết rằng, một trong những điều tâm đắc và lo lắng của ông Toản là cách thức khai thác nguồn nước sông Sài Gòn sao cho đạt hiệu quả tối ưu và bền vững nhất để người dân thụ hưởng mà không làm mất đi vẻ đẹp thơ mộng và sự cân bằng sinh thái cho dòng sông quý giá này.

Rồi tôi cũng không quên một câu hỏi của riêng mình suốt gần 2 thập kỷ (những năm 1990 và 2000) trên bước đường làm báo ngang dọc phố phường Sài thành. Đó là tại sao trữ lượng nước sông Sài Gòn lớn nhường ấy mà có rất nhiều khu vực ngoại vi thành phố, người dân phải uống nước giếng khoan, nhiễm phèn và rất nhiều thứ ở dưới mạch nước ngầm không đạt tiêu chuẩn?

Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại trong tôi gần 20 năm, mỗi lúc tôi đến một khu vực quy hoạch tự phát - nơi nhà nhà mọc lên và nhân khẩu nhập cư ồ ạt đến, ở các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn trải dài qua các quận, huyện phía đầu kia thành phố như quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh…

Bồn nước được xây dựng trước năm 1975 còn lại ở cư xá Phú Nhuận
Bồn nước được xây dựng trước năm 1975 còn lại ở cư xá Phú Nhuận

May thay, rải rác có nhiều nơi, sau vài ba năm khi trở lại, trong những buổi trà dư tửu hậu, nhiều chủ hộ đã vui mừng thốt lên khoe rằng “khu vực tôi đã có nước máy dẫn vào đến bếp ăn”.

Đó không chỉ là một tín hiệu đơn thuần về chuyện có nước mà với tôi, còn là tín chỉ cho sức khỏe, cho sự biểu hiện của một cuộc sống văn minh, hiện đại, cũng như sự nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo và bao ngày mưa nắng của hàng ngàn công nhân ngành nước, để cho nguồn nước của dòng sông Sài Gòn mà tôi luôn ngắm nhìn, thưởng ngoạn ấy được biến thành dòng nước sạch tuôn chảy qua bao chiếc romine của hàng vạn hộ gia đình.

***

Gia đình tôi cũng nhập cư đến khu vực làng hoa Gò Vấp (TPHCM) gần 1/4 thế kỷ. Quãng thời gian ấy đôi khi nghe tựa “bóng câu qua cửa”, song điểm lại thì có quá nhiều sự kiện riêng chung, lớn nhỏ. Nhưng không thể không nói đến câu chuyện dường như nghe qua tưởng rằng “bếp núc” mà vô cùng quan trọng, thiết yếu đối với đời sống hằng ngày.

Tôi nhớ, có một chiều 30 tết năm nào, giữa lúc bao người nhộn nhịp chuẩn bị vui cùng xuân mới thì những chiếc romine của nhiều nhà trong hẻm… tắc tị. Nước chỉ gõ long tong vào lavabo. Í ới gọi nhau hỏi thăm (vì lúc ấy chưa xài Zalo hoặc Messenger như bây giờ).

Con hẻm nhỏ có 5 hẻm nhánh với khoảng 300 gia đình, nên nhà này gọi nhà kia, thành một bản hòa tấu khá lộn xộn. Qua điện thoại, họ nói với nhau rằng “tự nhiên sao nước cúp”, “sông thiếu gì nước mà tết nhất đến rồi lại hết nước?”...

Hóa ra, sau đó tẩn mẩn tìm hiểu mới biết, nguồn nước cung ứng thì có hạn, phải san sẻ nhiều địa bàn, mà cận tết nên hầu như khu vực nào cũng kéo vòi nước ra vệ sinh, rửa những con đường hẻm cho sạch sẽ, giặt giũ, nấu nướng khiến áp lực nước bị tụt, gây ra hụt nước tạm thời.

Khoảng 22g, nước mới chảy trở lại như bình thường. Khỏi phải nói cái sự hỉ hả, vui tươi trở lại còn hơn mức bình thường và ai nấy yên vị ngồi trước ti vi xem chương trình giao thừa đón tết.

Đó chỉ là một kỷ niệm, nhưng vào dịp gần tết năm sau, bà con trong hẻm lại nhắc nhau chia sẻ thời gian ra để thực hiện các công đoạn vệ sinh những ngày cận tết, để đề phòng mất nước. Gia đình tôi cũng trữ vài thùng nước lớn. Nhưng từ đó về sau, không xảy ra tình trạng như năm ấy nữa.

Mới thấy, dù chỉ là câu chuyện riêng tư của một cộng đồng cư dân nhỏ lọt giữa hàng vạn con hẻm Sài Gòn, song mỗi lần nhớ đến, tôi lại nghĩ rộng ra một điều: nếu không có một dòng sông ân sủng và một hệ thống cấp nước vận hành trơn tru, có trách nhiệm thì có lẽ cả từ trăm năm trước đến nay, Sài thành khó trở thành một nơi hội tụ yêu thương, gắn bó và ngày một đông đến thế.

Sông Sài Gòn - dòng sông ân sủng cung cấp nước cho cả chục triệu dân TPHCM
Sông Sài Gòn - dòng sông ân sủng cung cấp nước cho cả chục triệu dân TPHCM

***

Khi ngồi viết bài này để ghi nhận và trân trọng tri ân nguồn nước len lỏi giữa đời sống của cả chục triệu người dân TPHCM, tôi chợt nhận ra rằng, sông Sài Gòn có một lợi điểm vô cùng quý giá, là bắt nguồn từ nguồn nước nội địa, từ con sông Đồng Nai xuất phát từ cao nguyên Lâm Viên. Nó rất khác với sự lệ thuộc của những dòng sông bắt nguồn từ quốc gia lân bang trên thế giới, mà việc tranh chấp tài nguyên nước đang ngày càng gay gắt.

Ưu thế ấy không chỉ là nguồn lực vật chất lớn lao mà còn là hồn cốt đô thị. Điều chủ yếu và cốt lõi nhất là làm sao để gìn giữ, trân quý nguồn nước mẹ từ sông Sài Gòn, phải lưu hoàn cho được và sử dụng hết sức khoa học trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, thời tiết càng lúc càng cực đoan, mới mong kiếm tìm một tương lai bền vững cho hôm nay và cả mai sau.

Trần Thanh Bình

Tác phẩm dự thi cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM ; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua Email toasoan@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.

Cơ cấu giải thưởng
- 1 giải Nhất: trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải Nhì: trị giá 6 triệu đồng.
- 2 giải Ba: mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
- 8 giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.

Lưu ý: Người nhận giải sẽ chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI