Ở quê có mẹ đang chờ…

Sài Gòn dịch quá, có về không con?

31/07/2021 - 07:16

PNO - Dịch bệnh tác động đến biết bao gia đình, phận người, con gái má cũng đã sẵn sàng để khi thành phố cần sẽ xung phong…

Coi ti vi thấy tỉnh nhà triển khai hoạt động đưa người dân quê mình đang sinh sống ở TPHCM có nguyện vọng về quê, má tôi mừng rỡ, gọi hỏi: “Con có định về không?”.

Tôi, đứa con gái hơn 10 năm bôn ba đất Sài thành, nhẹ nhàng trả lời má: “Con không về, má ơi! Má và gia đình giữ sức khỏe. Khi nào hết dịch, con sẽ về ở với má nhiều ngày”.

Từ một người hễ bật ti vi là chọn ngay kênh phim để coi, hơn một tháng qua, má chỉ toàn coi thời sự. TPHCM đang trải qua một cuộc chiến chưa từng có với đại dịch. Hằng ngày, thông tin về số ca nhiễm tăng, rồi các biện pháp siết chặt và chặt hơn của thành phố để đảm bảo giãn cách khiến má lo đến mất ăn mất ngủ.

Những công dân Huế đầu tiên trong chương trình đón công dân từ TP.HCM trở về đã đến sân bay Phú Bài vào chiều 26/7 - Ảnh: Thuận Hóa
Những công dân Huế đầu tiên trong chương trình đón công dân từ TPHCM trở về đã đến sân bay Phú Bài vào chiều 26/7 - Ảnh: Thuận Hóa

Ngày nào má cũng gọi cho tôi, nếu không hỏi thăm sức khỏe sẽ hỏi: “Còn gạo ăn không con?”, “Mắm muối dầu ăn, có thiếu gì thì nhớ mua”… Ngay cả sự lười biếng của tôi khi qua bữa bằng gói mì hoặc cơm chan mắm cái với vài lát dưa leo cũng làm má lo lắng. Bà mặc định tôi đang sống kham khổ vì dịch bệnh, sốt ruột: “Con thiếu gạo, thực phẩm nên ăn uống khổ cực vậy phải không?”.

Dịch bệnh hoành hành khắp đất nước. Quê tôi cũng đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội. Trong cuộc phòng, chống dịch bệnh ở quê nhà, mỗi gia đình được phát phiếu đi chợ để mua các mặt hàng thiết yếu chỉ hai lần/tuần.

Má tôi ở với vợ chồng anh Út. Năm hôm trước, vợ chồng trở thành F2, phải cách ly tại nhà. Để tránh tiếp xúc, anh chị và các con dọn xuống gian nhà sau, mình má sống ở gian nhà trước.

Từ gần 20 năm về trước, mấy anh em tôi đã bắt má “nghỉ hưu”. Giờ, gần 80 tuổi, má trở lại những tháng ngày chăm con.

Tuần hai lần, má trang bị “đồ bảo hộ” chống dịch, cọc cạch đạp xe lên chợ xã cách nhà hai cây số mua nhu yếu phẩm cho năm người đủ dùng đến lần đi chợ sau.

Má hỏi chính quyền xã, được người ta cho phép ra đồng do đồng lúa thoáng đãng, chẳng ai chạm mặt ai; vậy là má lui cui ôm luôn mấy đám ruộng của anh chị đang vô mùa cấy dặm.

Chị dâu từ trong nhà chụp cảnh má mới đi chợ về gửi cho tôi. Nhìn mái tóc má bạc trắng, lưng còng, đạp không nổi nên dắt chiếc xe đạp lủng lẳng thức ăn, 5 ký gạo và thùng mì đằng sau, tôi nhớ thương đứt ruột.

Con gái ở xa, ước đang ở nhà với má, đỡ đần, chăm sóc nhưng rồi đành bất lực. Anh chị rất buồn. Nỗi buồn không vơi ngay cả khi đã nỗ lực hết sức để phù hợp hoàn cảnh. Như má đi chợ về, anh chị nói má vào phòng nghỉ ngơi, tránh xa bọn con ra, rồi dọn dẹp, nấu cơm. Xong xuôi, vợ chồng anh đi “trốn”, gọi má ra ăn cơm một mình.

Hai đứa cháu nheo nhéo đòi ôm nội, anh chị làm dữ, dọa nạt mới chịu thôi. Dịch bệnh bất trắc, ở cùng cũng chẳng thể nào giúp đỡ được nhau huống hồ một cái ôm yêu thương.

TPHCM cưu mang tôi hơn 10 năm đằng đẵng. Quê nhà nuôi lớn, thành phố này nuôi sống tôi. Tháng ngày ở đây, tôi đã kịp đầy lên những quan hệ thân thiết, nhiều kỷ niệm cùng sự gắn bó để biết mình đã thuộc về vùng đất này từ lâu.

Con số ca nhiễm tăng chóng mặt, hàng chục bệnh viện dã chiến, khu cách ly “mọc” lên hay hàng trăm chuyến xe đưa người dân tỉnh mình hồi hương nhằm giảm gánh nặng cho thành phố… - bức tranh đó cũng chỉ làm rõ ràng hơn chân dung một thành phố hào hiệp, bao bọc triệu triệu con người khắp nơi tìm về.

Dịch bệnh tác động đến biết bao gia đình, phận người. Đứa con gái của má nhìn lại vẫn rất ổn: không bị mất việc làm, bữa ăn cũng không hề là câu chuyện bí bách.

Con gái má khỏe mạnh, góp chút công sức trong công tác chống dịch chung bằng sự tuân thủ tất cả quy định, sẻ chia một khoản tiền nho nhỏ mua mấy chục cân gạo tặng người yếu thế xung quanh.

Con gái má cũng đã sẵn sàng để khi thành phố cần sẽ xung phong… 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI