“Sài Gòn đẹp lắm Thiên biết không?”

25/03/2024 - 06:42

PNO - Người ta nói Sài Gòn là chốn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ dành phần ai chắc không cần phải nhắc đến. Nhưng bức tranh về Sài Gòn đâu chỉ rạch ròi trắng, đen như thế!

1. Sài Gòn lên đèn, ngược xuôi giữa những ồn ào phố thị, ở ngã ba, ngã tư nào đó hay vẳng lên tiếng sáo da diết, bi ai. Có gì lạ đâu bởi ở thành phố này, mưu sinh có nhiều cách, nhiều nơi. Người ta thổi sáo để bán kèm thêm món hàng nào đó, có thể là tờ vé số, vài ba thứ đồ nhỏ xinh như móc khóa, kẹo ngậm, bấm móng tay...

Nhưng rồi, nếu không hời hợt lướt qua nhau hoặc xem tiếng sáo kia như một lẽ dĩ nhiên ở nơi chốn đó, thì có thể, bạn được biết thêm một cuộc đời đầy nghị lực.

Ông Nguyễn Văn Tư (hay Tư Ẩn, 84 tuổi) vẫn ngày ngày chở quần áo được người dân quyên góp, bán lại cho người nghèo với giá 0 đồng
Ông Nguyễn Văn Tư (hay Tư Ẩn, 84 tuổi) vẫn ngày ngày chở quần áo được người dân quyên góp, "bán" lại cho người nghèo với giá 0 đồng

Những ngày này, đi ngang công viên Tao Đàn (quận 1) vào giờ tan tầm, bạn có thể nghe thấy tiếng sáo từ một cô gái khá duyên - Diệp Thiên (28 tuổi). Thiên là “lính mới”, đến đây sau lời chỉ của một vị khách ở điểm massage dành cho người mù. Massage là tài lẻ, nghề cứu cánh để Thiên có tiền trang trải cuộc sống, còn thổi sáo bán bút bi mới là công việc chính của Thiên.

2 năm trước, chật vật trên chuyến xe dài từ quê nhà Cà Mau lên Sài Gòn, Diệp Thiên lần mò đến nơi dạy thổi sáo cho người khiếm thị. Học được hòm hòm, Thiên sắm đồ nghề, rong ruổi khắp Sài Gòn mưu sinh. Nhưng di chuyển hoài cũng không tiện cho người khiếm thị, ngại xe cộ, sau khi thử vài bến đỗ, Thiên về công viên Tao Đàn, mong có nơi mưu sinh ổn định.

1 chiếc bút bi được Thiên bán với giá 5.000 đồng. Trừ tiền lấy hàng, tiền ăn, tiền trọ, phần còn lại Thiên để dành cho ước mơ được nhìn thấy ánh sáng. Thiên không biết phải bán bao nhiêu bút, cần bao nhiều tiền, phải đi đến đâu, gặp ai để đôi mắt được sáng trở lại. Chỉ là năm đó ở Cà Mau, Thiên đọc được một bài báo nói rằng ở Thụy Điển, có bác sĩ có thể cấy ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bị teo và thoái hóa võng mạc, căn bệnh Thiên đang mang. Thiên nuôi ước mơ từ đó, rồi xuôi dòng từ Cà Mau lên Sài Gòn, bởi biết đâu từ thành phố này có thể đến được nơi xa xôi hơn, cho đôi mắt được một lần nhìn thấy ánh sáng.

Diệp Thiên thổi sáo tại một góc công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM
Diệp Thiên thổi sáo tại một góc công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM

“Em không biết nói sao, không biết cần bao lâu hay phải đi bao xa nữa, chỉ là còn sống thì em còn hy vọng!” - Thiên nói mình nhớ màu của bầu trời, nhớ màu của những chiếc lá xanh mơn mởn, nhớ gương mặt của mẹ... Đã 14 năm rồi, từ ngày tai nạn xảy ra và mắt bị tổn thương nhưng không được chữa chạy đúng cách, thế giới của Thiên chỉ toàn bóng tối. Thiên có đau đớn, hụt hẫng, có giận số phận nhưng sau ngày dài trôi qua, khao khát được sống một cuộc đời độc lập, không cậy nhờ, không thừa thãi đẩy Thiên về phía trước. Từ bất kể công việc nào cũng nhờ mẹ cha, Thiên tập xác định phương hướng, vận dụng hết mọi giác quan còn lại để có được sự nhanh nhạy, phán đoán chuẩn xác hơn. Giờ đây Thiên nấu ăn được, biết giặt quần áo thiệt thơm, biết điệu đà con gái và biết đổi cho mình một cái tên để nghe mạnh mẽ hơn, như một điểm tựa tinh thần mà nghĩ sâu xa, cũng là cho bản thân một cuộc đời mới.

- Sài Gòn đẹp lắm Thiên biết không?

- Em biết chị, nhưng xe cộ đông quá, em mà mắt sáng là em đi tùm lum cho coi!

Em cười mà tôi cũng cười. Chẳng phải em đã đi ngang dọc thành phố này để mưu sinh rồi đó sao. Chỉ giá mà mắt em sáng, em đi và em ngắm thì phải biết Sài Gòn đẹp xinh cỡ nào.

2. Mới ngày trước, Thiên gặp được một người Sài Gòn nhập cư, có lẽ anh yêu thành phố này chẳng khác nào nơi chôn nhau cắt rốn. Anh hỏi han và chia sẻ câu chuyện của Thiên lên mạng xã hội. Chuyện đời be bé của Thiên qua câu chữ chân thành, giàu cảm xúc của anh trở thành mẩu chuyện có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Rồi người này, người kia nhờ mua bút ủng hộ, có cả những “ông bụt”, “bà tiên” gợi mở cho Thiên những cơ hội được nhìn thấy ánh sáng.

Chuyện còn dài, đường còn xa nhưng hết một ngày, rồi một ngày khác đến... miễn là còn thời gian, miễn còn sống trên đời, thì niềm tin nếu vẫn vẹn nguyên ở đó, phép màu có thể xảy ra.

3. Người ta nói Sài Gòn là chốn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ dành phần ai chắc không cần phải nhắc đến. Nhưng bức tranh về Sài Gòn đâu chỉ rạch ròi trắng, đen như thế!

Sài Gòn đang vào những ngày nền nhiệt cao nhất trong năm, nắng như đổ lửa, tại nhiều góc phố, những bình nước miễn phí mát lành được đặt gọn lỏn với lời nhắn gửi hết sức dễ thương, cho thấy cái tình của người chuẩn bị: “Trà đá, nước mát miễn phí, mời dùng đừng ngại”, “Bình nước miễn phí, trân trọng kính mời”... Là anh chị mời tôi dùng đó nhé, là chúng ta yêu thương nhau, cưu mang nhau mặc xa lạ, thân quen đó nhé!

Sống ở nơi tinh hoa hội tụ, năng động bậc nhất cả nước, người ta có thể ngỡ ngàng trước những tòa nhà cao hút tầm mắt, giữa phố xá giăng kín người xe sang xịn, nhưng cũng dễ dàng lay động trước từng nghĩa cử nhỏ mà ăm ắp thương yêu, tình người.

Còn nhớ buổi sớm ở chợ Bàn Cờ (quận 3), do phút sơ sẩy, chị hàng trái cây bị kẻ gian lấy mất giỏ đựng tiền, đúng vào dịp giáp tết, còn vài ngày nữa chị về với con, ở tận miền Bắc xa xôi. Hoang mang, lo lắng vì còn biết bao chuyện trông chờ vào từng tờ bạc lẻ đã mất, chị bật khóc, mếu máo không nói thành lời. Xót cảnh chị đứng khóc nghẹn giữa chợ, không cần ai đứng ra hô hào, kêu gọi quyên góp, 1 người, rồi 2 người bước tới, dúi vào tay chị vài chục ngàn đồng xem như an ủi chuyện chẳng hay vừa xảy ra. Dòng người cứ thế nối nhau san sẻ. Có người vừa giúp vừa tặc lưỡi trách chửi kẻ gian, nhưng có người thầm lặng đến động viên chị rồi tiếp tục làm phần việc của mình.

Ở thành phố này, tình thương giữa người với người như mối dây mơ rễ má bện chặt vào nhau. Người ta giúp nhau, gieo cho nhau những hạt mầm yêu thương mà không cần ai nhắc tên, điểm mặt. Đâu đó ở vài góc phố khi đêm về, từng hộp cơm, ổ bánh mì, cái bánh bao 0 đồng vẫn đều đặn được gửi trao. Rồi bà lão bán trứng vịt lộn, chú bán chè đậu xanh, trái cây... nhờ được chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội mà thoáng chốc sạch trơn hàng, được “quẩy gánh” về nhà sớm với người thân.

Không biết cuộc đời rộng dài sau này, thành phố tiếp tục “thay da, đổi thịt” ra sao với những giấc mơ, tầm nhìn trong chính sách, chiến lược phát triển. Chỉ biết là ở ngã tư đường, hè phố hay lẩn khuất trong từng hẻm nhỏ, vẫn ngập tràn những tấm lòng thương người, muốn làm điều tốt đẹp cho đời, cho thành phố. Để rồi dù là dân nhập cư hay người Sài Gòn chính hiệu, cái hào sảng, cái tình nồng hậu, chân phương tô thêm cho thành phố này sự dễ thương, dễ sống và đáng sống.

Tôi hứa sẽ quay lại gặp Thiên, hỏi em một câu từng hỏi:
- Sài Gòn đẹp lắm phải không Thiên?

Để mong nhận lại câu trả lời:

- Sài Gòn mình đẹp quá chị ơi!

Diễm Mi

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI